Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Phỏng vấn David Brown: ‘Vận mệnh Việt Nam tùy thuộc quyết định của Hà Nội’ (Kỳ 2)

LTS: Việc Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 đến hoạt động trái phép tại thềm lục địa Việt Nam cách đây hai tháng là một xâm phạm chủ quyền nghiêm trọng nhất trong liên hệ bang giao giữa hai nước. Tình hình có lúc đã căng thẳng tưởng chừng như sắp có chiến tranh, lúc lại dịu đi như không có chuyện gì xẩy ra. Hành động khiêu khích này của Trung Quốc phải được đánh giá như ra sao, và ảnh hưởng lâu dài của sự việc này trên tinh hữu nghị giữa hai nước, cũng như ổn định trong khu vực như thế nào? Nhà phân tích tình hình Đông Á David Brown (*) chia sẻ nhận định của ông qua cuộc phỏng vấn dưới đây, do phóng viên Hà Giang thực hiện.
Hà Giang (NV): Nếu chính quyền Việt Nam muốn vấn kế ông về tình hình hiện tại, thì ông sẽ góp ý với họ như thế nào?

Ông David Brown: Những ai thực sự muốn biết ý kiến của tôi đều có thể đọc những bài phân tích tôi đã viết. Tôi không phải là một cố vấn và Việt Nam đã không hỏi tôi. Tôi cố gắng nhận định và mô tả một cách khách quan những gì dường như đang xẩy ra, và hy vọng phân tích của mình giúp cập nhật tin tức cho những độc giả phương Tây thích theo dõi tình hình Đông Nam Á, cũng như giúp cho bạn bè và độc giả của tôi tại Việt Nam hiểu rõ hơn những giới hạn, trong đó có ý kiến của quần chúng và những cam kết (mà Hoa Kỳ) đã có khắp nơi. Dư luận Mỹ cho rằng những nỗ lực làm dịu tình hình căng thẳng ở Trung Đông của Hoa Kỳ là những kinh nghiệm không tích cực, và đây không phải là thời gian thuận tiện cho Hoa Kỳ về mặt đối ngoại dù ở Afghanistan hoặc Iraq. Hoa Thịnh Đốn từng nói sẽ chuyển sự chú ý của họ sang châu Á, nhưng thực tế không cho phép điều ấy xẩy ra.

Một trong những yếu tố mới rất quan trọng và vẫn còn hơi bí ẩn là việc điều chỉnh tư thế của Nhật Bản. Nội các Nhật Bản gần đây vừa đã bỏ phiếu để chuyển chính sách quốc phòng từ tư thế chống lại hành vi xâm lược trực tiếp vào chủ quyền của Nhật trở thành vị trí sẵn sàng để tham gia vào một liên minh phòng thủ. Đây là một thay đổi rất lớn. Nó không chỉ làm cho Trung Quốc tức điên lên, mà còn tác dụng mạnh lên những biến đổi của tình hình trong vùng.

NV: Nhắc đến ý kiến của quần chúng, ông có nghĩ rằng dư luận ở Việt Nam trước khủng hoảng này có tạo được ảnh hưởng lên chính sách với Trung Quốc của chính quyền không? Hỏi một cách khác, người dân Việt Nam có thể mong đợi gì từ nhà cầm quyền Hà Nội?

Ông David Brown: Tôi thấy hiển nhiên là chế độ Hà Nội có để ý và quan tâm đến dư luận. Họ phản ứng trước dư luận, dù đôi khi không phải là những phản ứng thuận lợi. Ăng-ten của họ luôn luôn làm việc và có lẽ họ hiểu khá rõ về tâm trạng của người dân nói chung, không riêng của giới ồn ào trên internet, mà còn của 90% những người dân thầm lặng không vui với những gì đang xẩy ra trên quê hương họ. Khoảng hai năm trước đây, trong một chuyến về Việt Nam, tôi cảm thấy rất phấn khởi, khi lần đầu tiên thấy rằng rất nhiều người Việt Nam, cả thường dân lẫn người trí thức dám nói lên những gì họ nghĩ, không chỉ nói với tôi mà là nói với nhau. Ngày càng có nhiều cuộc tranh luận là phải làm gì trước tình hình đất nước, trong đó có cả sự quản lý làm cho nền kinh tế yếu kém. Mạng lưới internet đã làm cho những cuộc hội luận này dễ dàng hơn, thông tin đi nhanh hơn, rộng hơn, và dư luận đóng vai trò quan trọng hơn. Tôi nghĩ là tình thế này buộc chính quyền phải điều chỉnh sao đó để giữ được một không khí chính trị hài hòa. Tôi chỉ muốn nói thế thôi về đề tài này.

NV: Người ta đã nói đến việc có thể có một Gorbachev của Việt Nam, ông nghĩ sao?

Ông David Brown: Tôi không biết. Khi tôi ở Việt Nam hồi tháng Giêng vừa qua, người ta nói rằng “không trông mong có cuộc cải tổ nào cho đến Đại Hội 12 của đảng.” Ẩn ý có thể là Gorbachev Việt Nam sẽ là thủ tướng kế tiếp. Tôi nghĩ đó cũng chỉ là một suy đoán, tôi chưa thấy dấu hiệu gì rõ ràng về việc này.

NV: Là một người có vợ người Việt Nam, ông nghĩ gì về hoàn cảnh của Việt Nam trong lúc này?

Ông David Brown: Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi kết hôn với nhà tôi. Cả hai chúng tôi đều rất quan tâm đến Việt Nam. Tôi thấy mình gắn bó với Việt Nam như đã gắn bó với gia đình vợ. Vợ tôi cũng làm việc với Việt Nam, và có rất nhiều thân nhân và bạn bè cũng như đồng nghiệp trẻ muốn được bà tư vấn để thành một nhân viên xã hội và một nhà cố vấn tâm lý chuyên nghiệp hơn. Thật ra nhà tôi đóng góp cho Việt Nam nhiều hơn tôi, nhưng cả hai cùng mong mỏi những điều gì tốt nhất cho Việt Nam. Chúng tôi cho rằng vận mệnh của Việt Nam tùy thuộc rất nhiều vào quyết định của nhà cầm quyền Hà Nội trong thời gian sắp tới này, chẳng hạn như cho phép người dân phát biểu chính kiến của họ. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể xẩy ra.

NV: Cảm ơn ông đã dành thì giờ cho chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn.

* Ông David Brown là một nhà ngoại giao kỳ cựu với hơn 35 năm kinh nghiệm, từng làm việc ở Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn trước năm 1975. Sau đó, ông phục vụ cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại những quốc gia Á Châu khác. Ông rời nhiệm sở năm 1997 và nay là một chuyên gia quốc tế về Đông Á và năng lượng. Ông David Brown từng trở lại Việt Nam triển khai các dự án giáo dục, bảo tồn môi trường trong nửa cuối của thập niên trước, và hiện vẫn đi lại thường xuyên giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài ra, ông còn là tác giả của nhiều bài viết phân tích về tình hình biển Đông và về vấn đề thời sự ở Việt Nam các tờ báo Asia Times, Asia Sentinel, Yale Global, East Asia Forum, China Economic Quarterly và blog Ba Sàm.

(Người Việt)

Không có nhận xét nào: