Pages

Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

GS Ngô Bảo Châu: Thay đổi không thể ngày một ngày hai !

"Chúng ta cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tự chủ … Đó là những yếu tố để thay đổi nền giáo dục đại học, không phải một ngày hai ngày mà phải thay đổi dần dần".
Sau gần 2 ngày làm việc, Hội thảo về cải cách giáo dục Việt Nam 2014 đã khép lại. 17 báo cáo cùng hàng chục ý kiến trao đổi của các đại biểu đầu ngành đối với nhóm Đối thoại giáo dục đã góp phần làm cho hội thảo trở nên sôi nổi và hiệu quả.

Tất cả những ý kiến, đóng góp của các đại biểu tiếp tục được ghi nhận để nhóm Đối thoại giáo dục tổng hợp trước khi có văn bản chính thức trình lên lãnh đạo ngành giáo dục. Đây cũng là nội dung mà Giáo sư (GS) Ngô Bảo Châu, người điều hành Hội thảo về cải cách giáo dục Việt Nam 2014 trao đổi với phóng viên Đài

GS Ngô Bảo Châu. Ảnh: Nguyễn Khánh/TTO
.
* Theo GS, vấn đề đóng vai trò then chốt trong sự cải cách của giáo dục VN nằm ở khâu nào (giáo dục phổ thông hay giáo dục đại học). Những rào cản nào khiến cho giáo dục Việt Nam khó đổi mới?
- GS Ngô Bảo Châu:  Qua tiếp xúc với sinh viên, tôi cho rằng phân khúc có nhiều vấn đề là giáo dục đại học. Một sinh viên tốt nghiệp ĐH ở VN thì trình độ, kiến trức, kỹ năng mềm, sự chủ động trong công việc có khoảng cách tương đối kém hơn nhiều so với sinh viên các nước khác. Đó là tôi nói trung bình chung nhưng cũng có một số trường hợp đặc biệt. Tôi nghĩ, nếu đầu vào không tệ hơn các nước khác nhưng đầu ra lại kém hơn thì phản ánh chất lượng đào tạo đại học ở nước ta kém hơn các nước.

* GS đánh giá việc thu hút, tuyển dụng những giảng viên giỏi, làm công tác nghiên cứu khoa học của các trường đại học ở nước ta hiện nay như thế nào?

- GS Ngô Bảo Châu: Vấn đề cốt lõi vẫn là thu nhập. Tuy có cải thiện khá nhiều nhưng vẫn chưa đủ thu hút đối với giảng viên. Bên cạnh đó còn có nhiều vấn đề quy trình, tổ chức… Chẳng hạn như chưa có thị trường lao động thực sự thông thoáng trong môi trường ĐH, ai được đào tạo ở đâu thì thường tiếp tục làm việc ở đó. Đó thực sự là điều lãng phí về tài nguyên con người. Chuyện thường xảy ra khi mà chuyển sang một cơ sở mới, với điều kiện mới thì người ta sẽ có khả năng phát triển nhiều hơn về tài năng và khả năng nghiên cứu khoa học. Thứ hai nữa là quy trình tuyển chọn lãnh đạo trong khoa học ở VN cũng khác so với quốc tế. Các trường hoặc chưa có quyền chủ động hoặc chưa thực hiện quyền chủ động mà mình có trong việc bổ nhiệm giáo sư, tìm những người thực sự là lãnh đạo khoa học ở trường mình. Đó là 2 bước mấu chốt trong quá trình tuyển chọn và tất nhiên còn nhiều vấn đề khác mà tôi chưa bàn. Chẳng hạn, với một đội ngũ đã có sẵn thì làm như thế nào để họ phát huy được tài năng, phát huy được sự cống hiến của mình. Vấn đề quan trọng không kém, trong đội ngũ bao giờ cũng có người không đáp ứng được nhu cầu. Làm thế nào từ từ chuyển họ sang làm những công việc khác. Đó là vấn đề vô cùng nhạy cảm nhưng chúng ta phải suy nghĩ và phải làm.

* Tại hội thảo, các diễn giả cũng đã bàn nhiều về vấn đề tự chủ đại học. Vậy theo GS, các trường ĐH hiện nay đã thật sự tự chủ hay chưa, tự chủ tài chính có vai trò như thế nào trong vấn đề tự chủ của các trường?
- GS Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ là trong những năm gần đây, chắc chắn nhà nước đã có nhiều chuyển biến lớn để khuyến khích tự chủ về tài chính, về chương trình, về nhân sự. Tất nhiên, nhiều chính sách cần phải thông thoáng hơn nhưng vấn đề khác là lãnh đạo các trường có đủ khả năng để áp dụng chủ trương, chính sách đó hay không.

* Trong hội thảo, chúng ta cũng có nói đến nội dung ĐH tư thục và ĐH có yếu tố nước ngoài. Vậy việc mở ra chủ đề này có ý nghĩa như thế nào?
- GS Ngô Bảo Châu: Tôi nghĩ rằng việc cải thiện chất lượng ĐH vô cùng lớn và phức tạp, không thể nào thực hiện được bằng một ý chí chính trị thuần túy. Chúng ta phải làm thế nào tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, tự chủ… Đó là những yếu tố để thay đổi, không phải một ngày hai ngày mà thay đổi dần dần và hướng đến một điều gì đó tốt hơn. Trong bối cảnh đó, tôi nghĩ những trường ĐH tư, ĐH có yếu tố nước ngoài có thể là những nhân tố tốt để tạo ra một hình mẫu mới. Bao giờ cũng vậy, để cho một quá trình thay đổi thì phải có những nhân tố mới. Một khi họ làm tốt hơn thì lập tức những cơ sở khác họ sẽ nhìn vào đó và thay đổi.

* Từ trước đến nay cũng có rất nhiều hội thảo về giáo dục nhằm mang đến một sự thay đổi toàn diện cho nền giáo dục VN những kết quả của nó vẫn không đi tới đâu, với hội thảo lần này GS có đặt nhiều kỳ vọng hay không?

- GS Ngô Bảo Châu: Trong hội thảo chúng tôi cố gắng làm hẹp chủ đề đối thoại. Tất nhiên, chỉ hội thảo này thôi sẽ không đủ. Hội thảo khơi ra vấn đề ban đầu, hy vọng sẽ tiếp tục có những hội thảo tương tự. Tôi muốn hướng tới một bản khuyến nghị đối với nhà nước về những vấn đề cần đổi mới trong giáo dục đại học, nhưng điều đó còn chờ thời gian để tiếp tục mở rộng phạm vi trao đổi, đào sâu vấn đề.

* Xin cảm ơn Giáo sư!
Hữu Nghị - Thùy Linh

( VOH )

Không có nhận xét nào: