Pages

Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Hé lộ chi tiết ướp thi hài Hồ Chủ tịch

Lăng Hồ Chủ tịch ở Ba Đình, Hà Nội
Năm 2014 là tròn 45 năm thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh được ướp giữ và bảo quản tại Hà Nội sau khi ông qua đời.
Nhân dịp này, một trong những người tham gia ướp thi hài Hồ Chủ tịch năm 1969, Giáo sư Viện sỹ Iuri Lopukhin, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Moscow số 2, đã hé lộ với báo Quân đội Nhân dân các chi tiết liên quan tới "nhiệm vụ đặc biệt" của nhóm chuyên gia ngày ấy.


Ông viện sỹ kể lại: "Chúng tôi bay qua Calcutta, Tashkent và tới Việt Nam vào ban đêm. Chúng tôi được đưa đến một tòa nhà ở trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh một cái hồ lớn".
Một điểm đáng chú ý, là kế hoạch ướp thi hài Hồ Chủ tịch thực ra đã được lên từ trước đó một thời gian vì theo lời kể của ông Lopukhin, ngày 28/8/1969, khi bệnh tình của lãnh đạo Việt Nam trở nên rất nặng, ông và bốn chuyên gia Liên Xô khác từ Viện Lăng Lenin đã được mời sang Hà Nội.
Dường như công việc của nhóm chuyên gia được liệt vào diện tuyệt đối bí mật, vì "Trong mấy ngày đầu chúng tôi chỉ được phép ra ngoài phố khi trời đã tối, còn ban ngày thì không được phép".
Sau đó, các chuyên gia Liên Xô được thông báo là phía Việt Nam "đã chuẩn bị các phương tiện, thiết bị để tiến hành ướp thi hài ngay tại Viện Quân y 108" ở Hà Nội.

Quy trình phức tạp

Việc ướp thi hài của ông Hồ Chí Minh được thực hiện vào bảy ngày sau đó, khi ông vừa qua đời.
Viện sỹ Lopukhin thuật lại với phóng viên Quân đội Nhân dân: "Thi hài trông như đang ngủ, được đặt lên trên bàn, có đèn chiếu sáng".
Các chuyên gia Nga tham gia bảo quản thi hài Hồ Chủ tịch
"Công tác ướp đã thành công, thi hài trông rất tốt, giữ được nguyên vẹn nét đặc trưng, đó là giai đoạn I. Công việc kéo dài khoảng 4 - 5 giờ, do phải làm rất cẩn thận để cố định, rửa sạch các thành mạch và các việc của giai đoạn ướp ban đầu. Vậy là kết thúc giai đoạn I."
"Mấy ngày tiếp theo đó, chúng tôi tiếp tục bơm dung dịch vào thành mạch. Thực chất của việc bơm là làm sao để các tổ chức trong thi thể phải ngấm được một lượng dung dịch nhất định, tạo được một môi trường bên trong thi thể, lúc đó thi thể sẽ không bị xẹp, mà giữ nguyên như khi còn sống."
Theo ông Lopukhin, nhóm chuyên gia và các đồng nghiệp Việt Nam đã phải chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho những ngày để thi hài ông Hồ Chí Minh tại Hội trường Nhà Quốc hội để tổ chức Quốc tang.
"Trong những ngày Quốc tang, thi hài đã được bảo quản rất cẩn thận bởi có hàng nghìn người đến viếng, thời tiết thì nắng, nóng, rất dễ xảy ra thay đổi nào đó."
Sau bốn ngày Quốc tang, thi hài Hồ Chủ tịch được đưa trở lại Viện Quân y 108 và tiếp tục xử lý trong dung dịch ướp đồng thời chỉnh sửa để không thay đổi diện mạo so với khi ông Hồ còn sống, bắt đầu từ đôi mí mắt "để không bị trũng sâu".
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình gìn giữ bảo quản thi hài diễn ra tốt đẹp trong suốt thời gian qua.
Năm 2009, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập hội đồng khoa học cấp Nhà nước để kiểm tra, đánh giá trạng thái thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm tiếp tục công việc bảo quản và gìn giữ lâu dài.
Hồ Chủ tịch qua đời ngày 2/9/1969, nhưng một thời gian dài nhà nước Việt Nam công bố là ngày 3/9.

Không có nhận xét nào: