Pages

Thứ Năm, 21 tháng 8, 2014

Khi quan chức… đấm nhau

Trên thế giới từng có những vụ đấm nhau tóe đầu giữa các ông nghị, bà nghị ở quốc hội – nơi vốn là tối cao quyền lực, tối cao tôn nghiêm.
Nhưng những vị dân biểu đạo mạo ấy thượng tay hạ chân cũng là để bảo vệ lợi ích tối thượng cho dân chúng, hoặc cho đảng phái, phe nhóm của mình, cũng là cơn quá khích của một niềm nhiệt huyết.
Tranh minh họa
Còn khi các quý ông đạo mạo ấy lớn tiếng chửi bới nhau, đập nhau đến rách đầu tóe máu chỉ vì cốc bia, hớp rượu trong… giờ làm việc, thì bản chất của chuyện đấm nhau đã khác. Cùng là ứng xử bạo lực của những người có học, có địa vị và quyền uy nhưng cái kiểu va chạm của 2 vị phó giám đốc sở ở Bình Phước đang gây xôn xao dư luận có vẻ như “thấp kém” hơn hẳn so với các cuộc “so găng” hay xảy ra ở một số nghị trường quốc hội các nước.

Mà cũng thật hay, tình cờ thế nào mà cả hai cùng là sếp phó và đảm trách ở 2 đơn vị có cái tên ngược nhau, Nội vụ và Ngoại vụ. Giờ này họ hẳn đang rất hối tiếc về hành xử của mình. Cái sự răn đe, xử lý của cấp trên có lẽ chả thấm gì với điều tiếng dư luận, kiểu như “đấy, sếp to thế mà còn đấm nhau”, “làm quan rồi mà còn chấp nhặt cốc bia, chén rượu”, “bây giờ chả biết nhìn mặt anh em đồng nghiệp ra sao”, “tưởng các bố thế nào, hóa ra cũng thế ấy”…

Con người ai cũng có lúc không kìm nén được bản thân và có hành động bột phát. Nhưng để có được cương vị như 2 ông sếp nọ, họ đã phải vượt qua cả tá những rèn giũa về đạo đức, tư cách, chuyên môn, văn hóa… Ấy là trừ trường hợp họ đi lên bằng “con đường khác”.  Vậy mà một vụ việc làm hoen ố hình ảnh cán bộ - vốn được coi là công bộc của dân – vẫn xảy ra.

Và vụ đấm nhau cũng gợi mở những vấn đề mà ai…cũng biết. Ấy là nhiều sếp tiếp khách cứ phải vào nhà hàng, quán karaoke rồi tưng bừng ra về với hóa đơn đỏ cho cơ quan thanh toán. Ấy là những lớp đào tạo, nâng cao, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ… hầu như cũng chỉ là dịp để nhiều người túm tụm cho vui. Chỉ có người dân, khi thấy những chuyện như thế là buồn, vì hiểu rõ rằng họ luôn phải đóng thuế để nuôi cán bộ, quan chức làm việc, chứ không góp tiền cho những cuộc vui.

Làm sếp, làm cán bộ, công chức nhà nước thế thì sướng thật. Phải dân thường mà đánh nhau thế dễ bị khép tội gây rối trật tự công cộng như chơi.

Bất giác lại nhớ đến một vị phó giám đốc khác, ở Nghệ An, đã thiệt mạng khi chở hàng cứu trợ cho bà con vùng lũ năm ngoái.

Việt Nguyễn

(Gia Đình)

Không có nhận xét nào: