Pages

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Không đứa trẻ nào có sẵn 'Số phận Bồ Đề'

Một bé gái khuyết tật bị bỏ rơi bên ngoài chùa Bồ Đề khi mới được 6 ngày tuổi
Hầu như cả nước đang bàng hoàng với thông tin mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề bị đem bán. Tuy nhiên vụ việc vẫn đang diễn tiến và nền tư pháp nhân văn không cho phép kết tội bất cứ ai cho đến khi họ đã được tòa án xét xử.

Rất nhiều bà mẹ cảm thấy kiệt sức khi nuôi con, mặc dù tài chính ổn định và gia đình phụ chăm sóc. Vậy thì trước khi lớn tiếng thương xót các cháu chịu cảnh nheo nhóc và lên án người nuôi dưỡng, xin hãy đặt mình vào vị trí họ - tôi muốn nói không chỉ riêng tại chùa Bồ Đề.
Và, vụ việc gây phẫn nộ nhưng xin hãy nhìn vào thực tế.

Nuôi dưỡng hàng chục đứa trẻ, cùng lúc có nhiều đứa sơ sinh, không ít đứa bệnh tật mãn tính, trong tình trạng luôn bấp bênh về tài chính... không hề giống với việc ôm hôn vài cháu mặt mũi xinh xắn, hát múa vài bài, chụp hình up Facebook rồi về với cảm giác đã hoàn thành chỉ tiêu từ thiện.
Khi vụ Bồ Đề bị phát hiện, ai cũng hừng hực căm hờn, nhưng xin hãy thành thật: có mấy ai trong chúng ta dám đón chỉ một cháu bé ấy về nuôi dưỡng? Vậy thì xin hãy gói gọn sự việc ở đúng mức độ vi phạm của nó, chớ vội vơ đũa cả nắm kẻo chúng ta lại mang nghiệp nói dối và vô ơn.
Trẻ em ở chùa Bồ Đề, tháng Năm 2013
Sâu xa hơn, cần xem lại vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này.
Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đến tháng 2-2014, cả nước có trên 40.000 trẻ mồ côi được nhận trợ cấp xã hội nuôi dưỡng tại cộng đồng, khoảng 176.000 trẻ được nhận chăm sóc bởi các gia đình thay thế, trên 22.000 trẻ được nuôi dưỡng trong các cơ sở tập trung.
Mỗi năm, có từ 5.000-6.000 trẻ em được nhận nuôi (cả trong nước và quốc tế). Trong đó, chỉ có khoảng 20% trẻ em lang thang cơ nhỡ được nuôi dưỡng tại các trung tâm do Nhà nước quản lý. Số còn lại tập trung tại các cơ sở nuôi dưỡng tư nhân, các cơ sở tự phát, cơ sở thiện nguyện như nhà chùa, nhà thờ… Tức cứ mỗi năm, dù đau xót phẫn nộ nhưng xã hội vẫn đều đều thêm khoảng hơn 4.000 trẻ vào chùa, nhà thờ và các mái ấm tư nhân.
Rõ ràng phải thừa nhận nếu không có các cơ sở nuôi trẻ ngoài nhà nước thì xin nhấn mạnh, mỗi năm hơn 4.000 trẻ nói trên sống hay chết, đi đâu, về đâu- không ai biết. Và dù thiếu thốn hơn so với những trẻ được nuôi dưỡng tốt trong gia đình, nhưng chính những mái ấm này đã cho chúng cơ hội sống sót, có chỗ ở và miếng ăn để không phải lang thang ngoài đường phố.
Đây là thực tế hiển nhiên tồn tại hàng chục năm qua, nói hình tượng thì ít nhất từ thời Thị Kính đến giờ. Hệ thống cơ quan chức năng và quản lý nhà nước dày đặc có biết không? Ai nói không thì tôi đề nghị cấp trên cho nghỉ việc người ấy vì tắc trách.
Hơn nữa, theo pháp luật, Uỷ ban Nhân dân (UBND) cấp phường là nơi chịu trách nhiệm liên hệ đưa trẻ bị bỏ rơi đến các trung tâm bảo trợ của nhà nước.
Nhưng vẫn theo thống kê trên, Bộ Lao động-thương binh và xã hội thừa nhận cho đến nay cũng không nắm được chính xác có bao nhiêu cơ sở tôn giáo và tư nhân chưa được cấp phép nhưng vẫn tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi trên cả nước. Bộ này cũng không kiểm soát được tình hình nuôi dưỡng trẻ tại các tổ chức ngoài nhà nước.
Việt Nam còn thiếu nhiều cơ sở nuôi trẻ mồ côi - trong hình là trung tâm Tam Bình, Sài Gòn
Cụ thể ở vụ Bồ Đề, thông tin cho hay đã có mười mấy trẻ sau khi đem cho các gia đình thì không còn liên lạc được. Có trẻ được thông báo đã chết nhưng cũng không thấy mộ.
Sau khi báo chí làm rầm rộ lại có thêm rất nhiều người tự xưng mình là nhân chứng. Như vậy cái mầm không minh bạch nhen nhóm không phải mới đây, cũng không hề quá tinh vi che giấu mà UBND phường sở tại sao cũng chẳng hay biết gì. Khó hiểu quá!
"Khó hiểu" hơn nữa là trên bình diện cả nước, thực trạng đáng lo ngại như thế đã kéo rất dài, mà phản ứng của không ít cơ quan chức năng, xem ra cứ hết sức hồn nhiên như thể mới tinh vậy!
Rồi những cơ quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em khắp các cấp, họ ở đâu? Không đứa trẻ nào có sẵn "số phận Bồ Đề" cả. Chúng phải được mẹ chúng mang trong bụng trước đó ít nhất 9 tháng.
Bao nhiêu chính sách và ngân sách để giáo dục, tuyên truyền, giúp đỡ, ngăn chặn việc mang thai ngoài ý muốn, hàng hàng lớp lớp tổ chức có nhiệm vụ này, họ ở đâu khi người mẹ đang cần giúp đỡ?
Tôi nghĩ, nếu muốn "làm sạch cửa thiền" thì trước hết các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ trong lĩnh vực này hãy thực sự làm tròn nhiệm vụ của mình đi đã.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả Hoàng Xuân, một nhà báo tự do, gửi cho BBC Tiếng Việt từ Sài Gòn.

Không có nhận xét nào: