Pages

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2014

Ngăn 'lá bài' mới của TQ, Việt Nam cần làm gì?

Cũng phải nhấn mạnh rằng quá trình để đi đến một ý kiến tư vấn của Toà án Công lý quốc tế (ICJ) sẽ có không ít rào cản về chính trị - ngoại giao và pháp lý.

Đối với vụ việc này, Việt Nam nên nhanh chóng có công hàm ngoại giao gửi UNESCO, phản đối việc Trung Quốc đơn phương đệ trình hồ sơ di sản cho Con đường Tơ lụa trên biển đi qua các khu vực biển tranh chấp, nêu rõ lập trường của Việt Nam về vấn đề này. Đồng thời Việt Nam nên vận động các bên tranh chấp khác như Malaysia và Philippines cùng có tiếng nói chung tại UNESCO, nhằm tránh việc Ủy ban Di sản Thế giới đưa ra một quyết định gián tiếp công nhận chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ngoài ra, Văn bản hướng dẫn hiện chưa thực sự quy định rõ ràng về cách tiến hành đệ trình các di sản nằm trong vùng đang có tranh chấp, và bản thân Công ước UNESCO 1972 cũng không chứa đựng các điều khoản về giải quyết tranh chấp, Việt Nam cũng có thể xem xét đến thẩm quyền đưa ý kiến tư vấn của Toà án Công lý quốc tế để làm sáng tỏ những vấn đề còn mập mờ này.

Điểm quan trọng là theo Quy chế của Toà án Công lý quốc tế (ICJ), quốc gia không có quyền được trực tiếp xin ý kiến tư vấn của Toà, mà phải thông qua một trong các cơ quan, tổ chức chuyên môn của LHQ. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng quá trình để đi đến một ý kiến tư vấn của ICJ sẽ có không ít rào cản về chính trị - ngoại giao và pháp lý.

Trước tiên, để đạt được quyết định của UNESCO về việc đưa câu hỏi lên Toà để xin ý kiến tư vấn phụ thuộc rất nhiều vào việc vận động chính trị - ngoại giao của Việt Nam. Việc thuyết phục Ban Điều hành gồm 58 thành viên trong đó có Trung Quốc, mà không có Việt Nam và Hội nghị Toàn thể gồm gần 200 thành viên của UNESCO, đồng ý thông qua quyết định để tổ chức này đưa câu hỏi lên Toà rõ ràng không phải là điều dễ dàng.

Về mặt pháp lý, để có thể xin ý kiến tư vấn của Toà, câu hỏi mà UNESCO đưa ra phải là những câu hỏi có tính chất pháp lý liên quan đến việc giải thích Công ước UNESCO 1972 và các văn bản liên quan. Cụ thể trong trường hợp này, vấn đề cần Toà làm rõ là Điều 11(3) của Công ước trong mối quan hệ với khoản 135 của Văn bản hướng dẫn.

Vì thế, câu hỏi mà Việt Nam cần vận động UNESCO đưa ra trước Toà là thứ nhất, trong trường hợp một bên đệ trình một di sản yêu cầu Uỷ ban công nhận là di sản thế giới mà không có sự chấp thuận của các bên liên quan khác thì Uỷ ban sẽ giải quyết thế nào? Câu hỏi này hướng trực tiếp đến việc giải thích và làm rõ Điều 11(3) của Công ước UNESCO 1972. Do vậy, đây hoàn toàn là một câu hỏi phù hợp mà UNESCO có thể đưa ra trước Toà để xin ý kiến tư vấn.

Thứ hai, trong bối cảnh Trung Quốc có ý định đơn phương đệ trình Con đường Tơ lụa trên Biển lên UNESCO mà không có sự tham vấn hay đồng ý từ phía Việt Nam nói riêng và các nước có liên quan nói chung, một câu hỏi khác mà UNESCO có thể đặt ra là, khu vực mà Trung Quốc đệ trình lên UNESCO có phải là "đối tượng yêu sách chủ quyền hay quyền tài phán của nhiều hơn một quốc gia" theo quy định của Điều 11(3) Công ước UNESCO 1972 hay không? Trong trường hợp đó, hành vi của Trung Quốc có cần sự chấp thuận của các quốc gia khác hay không và nghĩa vụ đệ trình liên quốc gia tại đoạn 135 của Văn bản áp dụng có được sử dụng hay không? Đây đều là những câu hỏi liên quan đến việc giải thích điều khoản Công ước do đó rất có khả năng sẽ được Toà chấp nhận.

Biển Đông, Tòa án quốc tế, tòa án công lý, Unesco, Con đường tơ lụa, di sản văn hóa, kiện Trung Quốc, giàn khoan 981
VN cần có những hành động kịp thời trước những bước đi mới của TQ trên Biển Đông. Ảnh: Hoàng Sang

Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, việc UNESCO yêu cầu Toà xác định khu vực đệ trình của Trung Quốc có phải là khu vực tranh chấp hay không có thể vấp phải hai vướng mắc cần phải vượt qua.

Thứ nhất, Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối một ý kiến tư vấn liên quan đến việc xác định khu vực tranh chấp ở Biển Đông với lý do đây là một trong những nội dung của tranh chấp Biển Đông hiện chưa được giải quyết.  Đây cũng là lập luận mà Israel đã từng đưa ra để phản đối Toà ICJ đưa ra ý kiến tư vấn về tính pháp lý của việc xây dựng bức tường ở lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, khi nước này lập luận rằng câu hỏi đó là một phần không thể tách rời trong toàn bộ tranh chấp giữa Israel và Palestine. Mặc dù cuối cùng Toà ICJ cũng đã đưa ra ý kiến tư vấn của mình nhưng Toà cũng đã nhắc lại quan điểm rằng việc một quốc gia có liên quan không đồng ý có thể khiến việc Toà đưa ra ý kiến tư vấn không phù hợp với bản chất pháp lý của mình (đó là giải quyết tranh chấp trên cơ sở thỏa thuận của tất cả các bên liên quan).

Thứ hai, theo Điều 96(2) Quy chế pháp lý của Toà, một tổ chức chuyên môn của LHQ chỉ có thể đưa ra câu hỏi trong phạm vi các hoạt động của mình. Trên thực tế, Toà đã từng từ chối không đưa ra câu trả lời cho câu hỏi mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra năm 1996 sau khi nhận thấy câu hỏi về "việc sử dụng vũ khí hạt nhân có vi phạm luật quốc tế, trong đó có Hiến chương WHO hay không" nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của tổ chức này. Với tư cách là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy văn hoá, khoa học và giáo dục trên phạm vi toàn cầu, việc UNESCO yêu cầu Toà xác định khu vực Trung Quốc đệ trình có phải vùng tranh chấp không có thể không hoàn toàn tương tự tình huống trên do có liên quan đến việc giải thích Công ước UNESCO 1972. Tuy nhiên đây cũng là một điểm có thể gây tranh cãi trong quá trình Toà xác định khả năng đưa ra ý kiến tư vấn của mình.

Nói tóm lại, Việt Nam cần phải có những hành động nhanh chóng và kịp thời thông qua con đường ngoại giao để phản đối hành động của Trung Quốc đồng thời cần tìm kiếm lời giải thích phù hợp và rõ ràng về quy định liên quan tại Điều 11(3) của Công ước.

Nguyễn Ngọc Lan -  Trần Hoàng Yến

* Thạc sỹ Nguyễn Ngọc Lan hiện là Giảng viên Khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao và Thạc sỹ Trần Hoàng Yến hiện đang là Nghiên cứu sinh tại Viện Luật Biển Hà Lan, Đại học Utrecht, Hà Lan. Hai tác giả xin gửi lời cảm ơn chân thành đến TS. Nguyễn Đăng Thắng về những góp ý của anh trong quá trình thực hiện bài viết này.

(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào: