Pages

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Nguyễn Danh - Hòa giải dân tộc: Không lẽ dễ dàng vậy sao?

Đánh giá về việc ca sĩ Khánh Ly - một ca sĩ gắn liền với tên tuổi cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang định cư ở Hoa Kỳ lần thứ hai trở về VN biểu  diễn, dự kiến sẽ diễn ra hai tối 2/8 ở Huế và 8/8 ở Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân bình luận "là sự kiện văn hoá quan trọng để chứng tỏ đổi mới của VN" và "thực hiện trên tinh thần hoà giải dân tộc", rồi "...chính quyền VN có trách nhiệm với Việt kiều, với người VN muốn phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân”...

Ca sĩ Khánh Ly
Là người luôn đau đáu trước nỗi đau của dân tộc thời hậu chiến, tôi thấy nhận xét đó là sự nhìn nhận phiến diện. Trước hết về việc ca sĩ Khánh Ly, người ra đi khỏi VN sau 1975 chỉ vì sợ sự trả thù không giải thích được chứ hoàn toàn không vì một động cơ chính trị nào. Sau khi đã định cư ở hải ngoại, có lẽ lòng vẫn da diết nhớ cố hương, nên khi tuổi về chiều, khi được biết thị trường âm nhạc trong nước có cởi mở, bà xin về nước biểu diễn. Ngược lại những người tổ chức, cũng khá tinh tường trước độ "hot" của từng ca sĩ hải ngoại khi muốn trở về nước biểu diễn, đã không bỏ lỡ cơ hội hái ra tiền, nên mới có sự kiện trên. Do vậy đó là một sự kiện văn hoá hoàn toàn bình thường chứ nào phải quan trọng gì mà thổi lên như vậy.

Ca sĩ Khánh Ly về Hà Nội biểu diễn, nghe đâu "cháy vé". Chẳng phải vì đó là sự kiện văn hoá tầm cỡ quốc gia mà đơn giản chỉ là kích thích trí tò mò của những người yêu nhạc Trịnh và ca sĩ Khánh Ly. Ở Huế và Đà Nẵng rồi cũng vậy. Nhưng ở Sài Gòn thì tôi tin không được như ý. Có lẽ những người tổ chức đã lượng định trước điều này chăng? Nên sự trở về của ca sĩ Khánh Ly buổi đầu chỉ ưu tiên cho Hà Nội, kế đó là Huế và Đà Nẵng. Một người am tường nhạc Trịnh và giọng ca của ca sĩ Khánh Ly ở Sài Gòn nói với tôi: “Dù tôi vẫn yêu mến bà ấy nhưng vẫn không mong đợi bà trờ về Sài Gòn biểu diễn”.

Còn về việc "hoà giải dân tộc" qua sự kiện trở về của ca sĩ Khánh Ly, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nói thì cũng không thuyết phục nốt. Giả dụ nữ ca sĩ Mai Lệ Huyền, nam ca sĩ Hùng Cường, một thời ca những bài chống Cộng được nhà nước mời về thì may ra nhận định trên mới có một ít cơ sở. Những người Việt vì bất cứ lý do gì ra đi khỏi nước, khi họ muốn trở về đất mẹ thì sự hoà giải phải được những người có thẩm quyền của "bên thắng cuộc" gợi mở bằng những chính sách thiết thực.

Tính đến nay đã 38 năm sau ngày 30/4/1975 "bên thắng cuộc", đã có được các chủ trương chính sách gì kêu gọi các người bỏ xứ trờ về trong vòng tay đón tiếp đầy nhân bản? Đã đành vẫn có đó như cố Phó Tổng thống VNCH - Nguyễn Cao Kì, cố Nhạc sĩ Phạm Duy và một số người bất đồng chính kiến khác được trở về. Nhưng phần chính vẫn nhằm đánh bóng cho sự chính danh của nhà cầm quyền, chứ thực tâm không có...

Tôi thiển nghĩ, nếu hàng năm không có một lượng lớn ngoại hối dưới mọi hình thức của những người con đất Việt xa xứ chảy về Việt Nam, liệu có đón nhận được sự ưu ái từ chính quyền các cấp? Một câu hỏi mà ai cũng trả lời được.

Nếu trước đây khi đất nước đang bị xâm lược bởi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, việc lôi cuốn và tập hợp được hàng triệu triệu người Việt Nam không bất kể già trẻ gái trai, vùng miền, dân tộc cùng đứng lên đánh đuổi kẻ thù khó thế nào, cấp thiết thế nào thì nay việc hoà giải, hoà hợp dân tộc cũng khó và cấp thiết hơn thế nữa. Bởi một chân lý hiển nhiên: Đoàn kết là sức mạnh.

Hòa giải thì ai hoà giải với ai? Hoà hợp thì ai hoà hợp với ai? Những câu hỏi đó cũng đã có sẵn câu trả lời. Nhưng ai là người đi tiên phong trước sự đòi hỏi quá chính đáng này trong số những nhà lãnh đạo, mà chí ít cũng như tổng thống Myanmar -Thein Sein, thì ở VN chưa thấy.

Nguyễn Danh

(Việt nam Thời báo)

Không có nhận xét nào: