Pages

Thứ Năm, 7 tháng 8, 2014

Nhật tái tạo ván cờ châu Á vì mối đe dọa Trung Quốc

Thủ tướng Shinzo Abe và nội các Nhật Bản - REUTERS /Issei Kato
Trọng Nghĩa
Liệu chiến tranh có nổ ra tại Châu Á hay không, trong bối cảnh mà hai cường quốc khu vực hàng đầu là Trung Quốc và Nhật Bản đang cạnh tranh với nhau, với cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ trong vai trò trọng tài ? Một trọng tài có lẽ sẽ không buồn lòng nếu hạn chế được các tham vọng của Trung Quốc.
Tháng 10 năm 2013, Hoa Kỳ và Nhật Bản đã ký kết một phiên bản mới của Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương có từ sau Đệ nhị Thế chiến. Hai tháng sau, chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe loan báo tăng ngân sách quốc phòng với tỷ lệ 5% cho tài khóa 2014-2019, và mới đây, Tokyo đã quyết định cho phép mình tham gia những chiến dịch quân sự tại hải ngoại "trong khuôn khổ tập thể", một cuộc cách mạng thực thụ vì cho đến nay, quân đội - được gọi là lực lượng "tự vệ" của Nhật Bản không có quyền hoạt động ngoài nước.
Đấy chính là những phản ứng đáp trả lại thế lực mà Trung Quốc muốn áp đặt tại khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi mà không chỉ có Nhật Bản là lo ngại, mà còn có cả Việt Nam và Philippines cũng tự đặt ra nhiều câu hỏi.
Để hiểu rõ hơn về sự thay đổi cục diện tại khu vực châu Á dưới tác động của Nhật Bản nhắm đề phòng Trung Quốc, mối đe dọa chung của nhiều nước, chương trình "Địa lý chính trị" của RFI hạ tuần tháng Bảy vừa qua, đã tham khảo ý kiến của ba chuyên gia Pháp về châu Á : Bà Valérie Niquet, Giảng sư, Trưởng bộ phận châu Á trung tâm nghiên cứu chiến lược Pháp Fondation pour la Recherche Stratégique, bà Marianne Peron-Doise, chuyên gia phân tích cao cấp về các vấn đề an ninh châu Á và ông Jean-Marie Bouissou, chuyên gia về Nhật Bản, Giám đốc nghiên cứu tại Học viện Khoa học Chính trị Sciences Po, đại diện của Sciences Po tại Nhật Bản, tác giả tập biên khảo "Địa chính trị Nhật Bản", sẽ được nhà xuất bản Presses Universitaires de France cho ra mắt vào mùa thu năm 2014.
Chiến lược mới của Tokyo : Bám Mỹ và giúp nạn nhân của Bắc Kinh
Giảng sư Valérie Niquet cho rằng các chuyển động thái mới đây của Nhật Bản trong lãnh vực an ninh quốc phòng đều bắt nguồn từ mối đe dọa Trung Quốc.
Có thể nói là điều đó nhắm vào hai mục tiêu. Trước tiên hết là phải củng cố các bảo đảm về an ninh chứa đựng trong Hiệp định về An ninh và Quốc phòng giữa Mỹ và Nhật.
Khi thông qua những biện pháp mới đó, chính quyền Nhật Bản muốn chứng tỏ với Mỹ rằng họ sẵn sàng gánh vác phần mình, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng nẩy sinh với Trung Quốc, và nhiều nước khác ở Châu Á cũng lo ngại về Trung Quốc.
Quan điểm của Nhật Bản rất rõ như Thủ tướng Shinzo Abe từng nêu lên nhiều lần và cả trong phát biểu của ông tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore gần đây : Đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc bằng cách liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ, đảm bảo sao cho Washington luôn sát cánh cùng Tokyo, và nếu cần thiết thì giúp đỡ các nước giống như Nhật, cũng đang lo ngại trước đà lớn mạnh của Trung Quốc.
Chuyên gia về Nhật Bản Jean - Marie Buissou cũng đồng ý với nhận định trên nhưng đăc biệt ghi nhận một tình thế tế nhị mà Tokyo phải xử lý :
Thật ra, Nhật Bản hiện đang phân vân trước hai vấn đề khó xử. Trước tiên là đối với Trung Quốc : Mọi xung đột đều sẽ rất tốn kém đối với Nhật, bất luận kết cục ra sao. Chưa nói đến việc Trung Quốc tấn công vào lãnh thổ Nhật, chỉ cần một Trung Quốc bị mất mặt, bất ổn định, đó đã là một kịch bản đầy ác mộng đối với Nhật Bản rồi, bởi vì Trung Quốc là đối tác kinh tế hàng đầu của Nhật.
Kế đến là khó xử trên vấn đề nước Mỹ. Nhật không nắm chắc 100% là Mỹ sẵn sàng lao vào một cuộc chiến thực sự với Trung Quốc vì quần đảo Senkaku, cho dù là Mỹ vẫn luôn khẳng định ngược lại.
Mặt khác Nhật cũng không hề muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến với Trung Quốc... để duy trì vai trò thống trị thế giới của Mỹ. Khả năng xung đột Mỹ-Trung về lâu về dài có vẻ như khó có thể tránh khỏi, dưới hình thức này hay hình thức khác, nhưng vai trò thống trị của Mỹ trên thế giới, trước mắt không phải là lợi ích quốc gia của Nhật.
Tóm lại cả hai kịch bản này đều không làm Nhật thoải mái, do đó, chiến lược của Tokyo hiện nay có phần rất rõ : Một mặt là bám sát Mỹ, bởi vì như ‘sư phụ’ của ông Abe là cựu Thủ tướng Koizumi từng nói là không nên chen một cái gì giữa Nhật và Mỹ dù chỉ là một tờ giấy quấn thuốc lá. Do vậy, Nhật Bản đã tăng cường vai trò quân đội, và cho phép lực lượng của mình hỗ trợ một cách có hiệu quả các đồng minh mà trước tiên là Hoa Kỳ.
Mặt khác thì hiển nhiên là Tokyo cũng muốn tăng cường thực lực của mình về mặt trang thiết bị để có thể tự mình chống lại các mối đe dọa ngay trong môi trường sát cạnh mình.
Nhật Bản là nhân tố thiết yếu trong tiến trình tái tạo hệ thống liên minh của Mỹ
Đối với chuyên gia Marianne Péron-Doise, các động thái tích cực của Nhật Bản trong khu vực như đang thúc đẩy tiến trình tái tạo lại hệ thống liên minh quân sự của Mỹ trong vùng :
Điều mà tôi thấy đáng chú ý là việc so sánh – dĩ nhiên là khiên cưỡng - tình hình hiện nay ở châu Á với thời kỳ chiến tranh lạnh trước đây, có nghĩa là người ta đã gợi lên không khí chiến tranh lạnh ở Đông Á, nêu lên những diễn biến một cách bổ ích.
Nhưng điều nghịch lý là ở đây không phải chiến tranh lạnh giữa hai nước lớn, cụ thể là giữa Trung Quốc và Mỹ, mà người ta thấy sự căng thằng đang chuyển dịch đến các đồng minh của Mỹ. Và ta có cảm giác là hệ thống các liên minh quân sự của Mỹ ở Châu Á đang trên đà tái tạo, với trên hiện trường một đồng minh có lẽ trước đây bị Hiến pháp trói tay, nhưng ngày nay lại liên tục có những sáng kiến để trở thành một đối tác thực thụ.
Và người ta chứng kiến một xu hướng tái cân bằng các bảo đảm an ninh từ Nhật Bản về phía Mỹ. Như vậy là đã xuất hiện một loạt những biện pháp bảo vệ lẫn nhau khá thú vị, bởi vì phía bên kia là Trung Quốc với những hành vi khác nhau đang tìm cách áp đặt hướng đi của họ, những hành vi ngày càng hung hãn hơn, gây lo ngại không những cho Nhật Bản ở Biển Hoa Đông, mà cho cả Việt Nam, Philippines và những nước khác ở vùng Biển Đông, nói chung là các nước ASEAN. Tóm lại hiện đang có một xu hướng tái tạo các liên minh an ninh cấp khu vực rất đáng được theo dõi.
Quan tâm của Nhật : Khối An ninh Kim cương và các nước bị Trung Quốc lấn lướt trên biển
Một câu hỏi được đặt ra là với việc tự bật đèn xanh cho phép lực lượng võ trang của mình can thiệp ra bên ngoài, Nhật Bản có thể giúp đõ những ai ? Trên vấn đề này, ông Buissou nhấn mạnh là không nên hiểu lầm về khái niệm « can thiệp » vừa được Tokyo nêu bật :
Trước tiên cần phải cẩn thận khi nói đến việc Nhật Bản muốn « can thiệp ». Việc diễn giải lại hiến pháp mà ông Shinzo Abe đã chính thức hóa không phải là một sự điều chỉnh Hiến pháp - người ta không thay đổi văn bản – sẽ cho phép Nhật góp phần vào việc bảo vệ các nước bạn.
Thế nhưng đóng góp không có nghĩa là Nhật sẽ dấn thân vào các hành đông quân sự. Khái niệm góp phần có thể bao hàm việc cung cấp hậu cần, trang thiết bị… còn việc lực lượng Nhật trực tiếp tham gia chiến đấu thì không được đề cập tới, và ngay cả Thủ tướng Abe cũng vẫn biện minh là ông không muốn đi đến điều đó.
Về việc Nhật có thể giúp ai, thì báo giới Nhật Bản đến nay để nói nhiều khả năng, và họ nói rất nhiều đến chính sách An ninh Kim cương (Security Diamond), một từ ngữ do chính ông Abe sử dụng. Nhìn từ Tokyo, An ninh Kim cương bao trùm Nhật Bản và Ấn Độ, Hoa Kỳ, Úc, cốt lõi trong màng lưới đồng minh của Nhật.

Ngoài ra Tokyo cũng quan tâm đến các nước bị tham vọng trên biển của Trung Quốc đe dọa. Đứng đầu danh sách này là Việt Nam - Nhật vốn đã thấy khả năng Việt Nam đối phó với Trung Quốc trong lịch sử - kế đến là Philippines.
Nhật cũng quan tâm đến việc xích lại gần với Nga. Trong những năm gần đây Tokyo đã làm rất nhiều để xích lại gần Mátxcơva, kể cả trên bình diện quân sự. Hồ sơ Ukraina quả đã là một thảm họa đối với chính sách này của Nhật.
Cho nên có thể tính đến hai nhóm nước được Nhật Bản quan tâm, nhóm thuộc khái niệm An ninh Kim cương, và nhóm nước đối tác - đối tác là vì bị Trung Quốc trực tiếp đe dọa.
Nhật Bản trở thành nguồn cung cấp vũ khí
Về phần mình, chuyên gia Valérie Niquet đặc biệt chú ý đến sự kiện Nhật Bản vừa giải tỏa lệnh cấm xuất khẩu vũ khí mà chính họ tự áp đặt lên mình :
Tôi chỉ muốn nói thêm về một diễn biến mới. Đó là việc Nhật Bản giờ đây có thể bán vũ khí ra nước ngoài, điều không hề có trước đây. Thủ tướng Abe đã đề nghị cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam và Philippines với danh nghĩa trợ giúp phát triển, để các nước này có thể có nâng cao sức mạnh hải quân nhằm đối phó với Trung Quốc.
Công cuộc hợp tác đó, vai trò an ninh rất năng nổ của Nhật trong vùng đã được các nước trong khu vực đón nhận tích cực, dĩ nhiên là ngoại trừ Trung Quốc và trong chừng mực nào đó Hàn Quốc.
Như vậy, yếu tố mới là sự phát triển vai trò của Nhật trong tư cách nguồn cung cấp vũ khí cho các nước láng giềng.

Sự năng nổ của Nhật Bản trong địa hạt an ninh quốc phòng có phần đi ngược lại Hiến pháp chủ hòa mà người dân Nhật rất gắn bó. Do đó, chính quyền Abe ; theo bà Peron-Doise, đã phải tiến bước rất thận trọng.
Sắc thái tế nhị mà ông Buissou vừa nêu lên rất quan trọng. Người ta thường nhanh nhảu nói là Nhật Bản xét lại Hiến pháp, nhưng thực ra đó chỉ là một sự diễn giải lại, và chính phủ ông Abe khéo léo trình bày vấn đề vì biết rằng người dân Nhật rất gắn bó với Hiến pháp gọi là « chủ hòa » và sẽ không mấy ưa thích kiểu « chủ hòa năng nổ », như chính quyền Abe đã gọi.
Cho nên có thể nói là Nhật Bản thể hiện một sự thận trọng về mặt đối nội, nhưng đồng thời tỏ rõ một sự quyết tâm lớn về mặt ngoại giao, trong việc đổi mới một hinh thức hợp tác quân sự : Hợp tác qua viện trợ. Trong lãnh vực này, Tokyo cũng cố bao bọc cho các hợp tác quân sự một lớp vỏ rất chừng mực, không dám nói đến đối tác chiến lược…
Quyết tâm trong chiến lược an ninh còn thể hiện qua việc thành lập môt Hội đồng An ninh Quốc gia, gợi lên cơ chế hiện hành tại Mỹ.
Tóm lại, chính phủ Nhật và Thủ tướng Abe đang tỏ rõ quyết tâm, và trang bị cho mình các phương tiện cần thiết để phản ứng trong trường hợp khủng hoảng, có những công cụ đối phó và dần dần mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và chiến lược của Nhật.
Quan hệ đảo chiều : Trung Quốc kết thân với Hàn Quốc, Tokyo hữu hảo với Bình Nhưỡng
Các động thái của Nhật Bản tuy nhiên đã không được hai láng giềng Đông Bắc Á là Trung Quốc và Hàn Quốc tán đồng. Chuyên gia Buissou ghi nhận :
Quan hệ Nhật-Hàn khá thú vị. Nhật Bản và Hàn Quốc trên nguyên tắc là những đồng minh tự nhiên, vì cả hai đều có hiệp ước phòng thủ với Mỹ, và trên nguyên tắc họ đều có cùng những vấn đề với Trung Quốc như cạnh tranh thương mại và tranh chấp lãnh thổ. Thế nhưng gần đây thì hai bên lại như chó với mèo.
Hàn Quốc chẳng hạn đứng ngay sau Trung Quốc trong tư cách quốc gia mà người Nhật ít ưa thích nhất, các thành phần dân tộc chủ nghĩa hai bên đều kình chống nhau trên các vấn đề lịch sử, bên cạnh đó là tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Dokdo – Takeshima.
Hiện nay thì các mối quan hệ trong vùng Đông Á như đang đảo nghịch. Tại Seoul vừa có cuộc họp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Hàn Quốc, trong đó hai bên nói với nhau vô số những lời hòa hoãn, êm tai. Hai nước còn đồng ý với nhau là khởi động trở lại vấn đề phụ nữ giải sầu chống lại Nhật. Mặt khác thì ông Abe lại đang ve vãn Bình Nhưỡng một cách khá công khai, và hình như đã thuyết phục được Kim Jong Un để mở lại hồ sơ người Nhật bị bắt cóc.
Tóm lại hiện giờ Tokyo chiêu dụ Binh Nhưỡng, Seoul và Bắc Kinh thì lại bắt tay nhau. Như vậy là có một vết rạn nứt thực thụ trong hệ thống liên minh của Mỹ.
Rạn nứt trong bang giao Seoul-Tokyo làm suy yếu hệ thống liên minh quân sự của Mỹ
Về vết rạn nứt trong hệ thống các liên minh quân sự của Mỹ tại châu Á, chuyên gia Niquet công nhận rằng đây là một thực tế, bắt nguồn từ những bất hòa trong quá khứ :
Người ta thấy tồn tại ở châu Á các hệ thống quan hệ an ninh tam giác vững chắc như Nhật –Úc-Mỹ. Thế nhưng tam giác chủ yếu quan trọng nhất đối kháng trực tiếp với Trung Quốc là Nhật-Hàn-Mỹ.
Tam giác này quả thực là đã tồn tại, vì tiến trình xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Hàn Quốc đã vấp phải trục hợp tác chiến lược Mỹ-Hàn, và phải nói là Seoul không dễ dàng từ người đồng minh Hoa Kỳ của mình.để một mình đối diện với Trung Quốc.
Thế nhưng tam giác này đã suy yếu đi nhiều do các mối căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, vì những lý do lịch sử nhưng cũng vì những lý do đối nội, ở Tokyo cũng như Seoul.
Đối với chuyên gia Peron-Doise, tinh chất dân tộc chủ nghĩa là một đề tài thường xuyên đầu độc quan hệ giữa Nhật Bản và hai láng giềng Đông Á :
Đó là một lãnh vực cứ nổi lên thường xuyên và được các bên sử dụng để làm suy yếu người láng giềng. Hàn Quốc vẫn trở lại hồ sơ phụ nữ giải sầu vào thời kỳ Nhật đô hộ bán đảo Triều Tiên. Và khi Thủ tướng Nhật đến viếng đền Yasukuni thì Trung Quốc cũng lên tiếng nhắc nhở, nêu lại thái độ của Nhật trong giai đoạn chiến tranh đau thương mà họ gọi là cuộc Đại chiến Thái Bình Dương.
Người ta thấy quả là có nhiều khó khăn để xóa nhòa quá khứ đó, một quá khứ vẫn còn rất gần, và bị sử dụng thành công cụ để chiêu dụ công luận, để đưa ra những chiến lược quốc gia trong đó cần phải có một kẻ thù dù là Hàn Quốc hay Nhật Bản. Đó là một trò chơi được triển khai khi mà các chính quyền cần đánh lạc hướng dư luận của mình.
Nhìn từ bên ngoài thì đó cũng là yếu tố gây ngạc nhiên, nhất là khi nhìn vào liên minh phòng thủ Mỹ - Nhật – Hàn, ta thấy là hai đối tác đông Á này không thành lập được một liên minh vững chắc, với thù hằn có thể nổi lên trở lại giữa Tokyo và Seoul bất cứ lúc nào. Đây là điều đã nhiều lần xẩy ra và có khi rất dữ dội…
Ý đồ của Trung Quốc : Ngăn không cho đối thủ cạnh tranh là Nhật Bản vươn lên
Theo chuyên gia Vaérie Niquet nếu sự trở lại của Nhật Bản về mặt quân sự đã được hầu hết các nước trong vùng hoan nghênh, trừ Hàn Quốc và nhất là Trung Quốc. Thái độ phản đối của Trung Quốc tuy nhiên bị cho là nhằm che giấu dụng tâm kềm hãm một đối thủ cạnh tranh :
Nghịch lý là cho dù chính quyền Abe được xem là một chính quyền « dân tộc chủ nghĩa » nhất ở Nhật từ sau Đệ nhị Thế chiến, các biện pháp thông qua trong chiều hướng một vai trò quân sự quan trọng hơn của Nhật ở Châu Á lại được nhiều nước khác hoan nghênh, ngay cả tại những quốc gia đã phải chịu khổ đau vì Nhật Bản trong chiến tranh thế giới như Philippines. Manila thậm chí còn yêu cầu Nhật đóng một vai trò quân sự quan trọng hơn.
Ngoài ra, việc công cụ hóa quá khứ lịch sử như ở Trung Quốc, và trong một chừng mực nào ở Hàn Quốc, rất quan trọng.
Ở Trung Quốc, khi chính quyền khơi dậy quá khứ thời Nhật, đó không phải là vì nổi khổ đau hay thảm kịch chiến tranh mà người Trung Quốc phải chịu, mà là vì đó là cách để đảng Cộng sản Trung Quốc gây sức ép trên Nhật Bản, và ngăn cản không cho Nhật Bản trỗi dậy thành một cường quốc bình thường, trực tiếp cạnh tranh với Trung Quốc. 

Không có nhận xét nào: