Pages

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Những câu hỏi về dịch Ebola

Người dân các nước Tây Phi đang hoảng loạn vì Ebola
Trận dịch Ebola ở Tây Phi hiện nay là trận dịch Ebola chết chóc nhất trên thế giới từ trước đến nay. Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, 729 người đã chết vì căn bệnh này ở các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria.

Ebola là gì?

Ebola là bệnh gây ra do virus với các triệu chứng ban đầu như sốt đột ngột, cơ thể suy yếu trầm trọng, đau cơ và đau cổ họng, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Khi bệnh tiến triển, các bệnh nhân sẽ có triệu chứng ói mửa, tiêu chảy và – trong một số trường hợp – xuất huyết trong và ngoài cơ thể.
Con người nhiễm virus Ebola qua đường tiếp xúc gần với động vật nhiễm bệnh bao gồm dơi, tinh tinh và linh dương.


Giữa người với người, virus Ebola lây qua đường tiếp xúc trực tiếp với máu, chất dịch cơ thể hoặc nội tạng nhiễm bệnh hoặc đường tiếp xúc gián tiếp với môi trường có virus.
Thậm chí đám tang của nạn nhân Ebola cũng có thể là nơi nhiễm bệnh nếu người dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết.
Giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài từ hai ngày đến ba tuần lễ và việc chẩn đoán là rất khó. Căn bệnh này cho tới nay chủ yếu chỉ xuất hiện ở châu Phi mặc dù một chủng khác đã xuất hiện ở Philippines.


Ebola xuất hiện ở những làng mạc xa xôi nơi điều kiện vệ sinh không đảm bảo

Các bác sỹ và nhân viên y tế có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh nếu họ làm việc mà không tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm.
Bệnnh nhân vẫn được xem là nhiễm bệnh nếu trong máu họ vẫn còn virus – trong một số trường hợp họ vẫn nhiễm bảy tuần sau khi đã bình phục.

Ebola xuất hiện ở đâu?

Các trận dịch Ebola chủ yếu bùng phát ở những làng mạc xa xôi ở Trung và Tây Phi gần những khu rừng nhiệt đới, theo WHO.
Nó được phát hiện lần đầu tiên tại Cộng hòa Dân chủ Congo hồi năm 1976. Kể từ đó, nó đã tấn công các nước xa hơn về phía đông như Uganda và Sudan.
Đợt bùng phát dịch năm 2014 khác thường ở chỗ nó xuất hiện ở Guinea vốn chưa từng bị ảnh hưởng trước đó và sau đó lan đến khu vực thành thị.


Tiếp xúc với tử thi bệnh nhân Ebola cũng có thể nhiễm Ebola

Từ Nzerekore, một vùng xa xôi ở đông nam Guinea, virus đã lan đến thủ đô Conakry và lan qua các nước láng giềng Liberia và Sierra Leone.
Một người đàn ông bay từ Liberia sang Lagos hồi tháng Bảy đã được chẩn đoán là nhiễm Ebola khi vừa đến sân bay ở thủ đô Nigeria. Người này sau đó đã chết.
Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) nói đợt dịch lần này là ‘chưa từng thấy’ vì các trường hợp nhiễm bệnh nằm rải rác nhiều nơi trên khắp Guinea nằm cách nhau hàng trăm cây số và giới chức y tế phải chạy đua với thời gian để xét nghiệm tất cả những người đã tiếp xúc với người bệnh.
Theo số liệu của WHO cho đến ngày 31/7:
Guinea: 339 chết, 460 nhiễm
Liberia: 156 chết, 329 nhiễm
Sierra Leone: 233 chết, 533 nhiễm
Nigeria: 1 chết, 1 nhiễm

Nên phòng ngừa như thế nào?



Nên cẩn thận tuyệt đối khi vào vùng có Ebola

Tránh tiếp xúc với bệnh nhân Ebola và các chất dịch từ cơ thể họ (như mồ hôi, nước mắt). Đừng chạm vào bất cứ thứ gì – chẳng hạn như khăn tắm dùng chung – vốn có thể đã nhiễm virus.
Những người chăm sóc bệnh nhân nên đeo găng và các thiết bị bảo vệ như mặt nạ và rửa tay thường xuyên.
WHO cũng cảnh báo không nên ăn thịt thú rừng sống và tránh tiếp xúc với dơi, khỉ và tinh tinh, nhất là dơi vốn được xem là một món ngon ở Guinea.
Hồi tháng Ba, Bộ trưởng Y tế Liberia còn khuyên người dân dừng quan hệ tình dục bên cạnh những khuyến cáo không được hôn hay bắt tay.
Liberia đã đóng cửa trường học. Đa số các cửa khẩu biên giới và các khu dân cư có người nhiễm Ebola đối diện với lệnh kiểm dịch để ngăn chặn virus lây lan.
Vị bác sỹ dẫn đầu cuộc chiến với Ebola ở Sierra Leone cũng đã chết vì bệnh khiến tổng thống nước này phải công bố tình trạng khẩn cấp cấp về y tế.


Người dân các nước Tây Phi được khuyến cáo nên rửa tay thường xuyên

Các hãng hàng không ở Tây Phi như Asky và Arik Air đã tạm dừng các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone trong khi các sân bay đều được có các biện pháp kiểm dịch gắt gao.
Senegal cũng đã đóng cửa biên giới với Guinea khi dịch bệnh bùng phát.

Nếu nhiễm bệnh thì phải làm gì?

Cần phải được cách ly và nhờ các chuyên gia cứu chữa. Bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh nếu được chữa trị sớm.
Hiện không có vaccine phòng người mặc dù giới y khoa đang thử nghiệm một số loại vaccine và một số phác đồ thuốc điều trị mới.
Bệnh nhân thường bị mất nước.
Theo MSF thì trận dịch này là do một chủng virus Ebola nguy hiểm nhất và gây tử vong nhiều nhất với 90% bệnh nhân không qua khỏi./BBC

Không có nhận xét nào: