Pages

Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Trung Quốc : Cách mạng Văn hóa, một chủ đề vẫn rất nhậy cảm

Tranh cổ động Hồng Vệ binh thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc
Villa Giulia (wikipedia.org)
RFI
Ngày 08/08 vừa qua, lễ kỷ niệm các nạn nhân trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ở gần một viện bảo tàng tư nhân về chủ đề này, tại Sán Đầu (Shantou), thuộc tỉnh Quảng Đông, vào giờ phút chót đã bị hủy bỏ. Gần nửa thế kỷ đã qua, Cách mạng Văn hóa vẫn là một sự kiện nhậy cảm đối với chế độ cộng sản Trung Quốc.

Viện bảo tàng được lập ra trên một ngọn đồi ở vùng ngoại ô thành phố Sán Đầu, là một trong những nơi hiếm hoi tại Trung Quốc, vạch trần những hành động tàn bạo khủng khiếp trong giai đoạn hỗn loạn 1966 – 1976, mà cho đến nay, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tìm mọi cách lảng tránh và im lặng.
Trong thời gian Cách mạng Văn hóa, khoảng 70 người dân Sán Đầu đã bị giết hại và được chôn gần nơi có viện bảo tàng.
Trong ký ức tập thể Trung Quốc, các vết thương cách nay 40 năm vẫn chưa lành.
Do bị chống đối trong bộ máy chóp bu, Mao Trạch Đông đã phát động một cuộc « Đại Cách mạng Văn hóa vô sản », để củng cố quyền lực cá nhân, và Trung Quốc rơi vào tình trạng gần như nội chiến, xâu xé nhau, người dân bị thúc ép tố cáo, vu cáo giả dối, các tội lỗi, sai lầm của người thân, hàng xóm.
Một bộ phận giới trẻ và cuồng tín, được tổ chức thành cái gọi là « Hồng Vệ binh », được giao trách nhiệm tiến hành thanh lọc tư tưởng một cách đẫm máu, rồi sau đó, chính lực lượng này lại bị quân đội Trung Quốc thẳng tay trấn áp.
Sau này, mặc dù thừa nhận Cách mạng Văn hóa là một sự thất bại nghiêm trọng và gây ra những tổn thất nặng nề, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tìm cách chạy tội cho Mao Trạch Đông và kết luận : Nhìn toàn cục, Mao Trạch Đông « đúng 70%, sai 30% ». Tài liệu chính thức đề cập đến thời kỳ này bị kiểm duyệt chặt chẽ.
Theo quan sát của AFP, viện bảo tàng trưng bầy biên niên sử giai đoạn 1966-1976, và hàng trăm bức ảnh chụp Mao Trạch Đông và một số nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc, những vụ đấu tố tập thể, làm nhục, đánh đập và giết chóc.
Viện bảo tàng này do một cựu phó Thị trưởng thành phố Sán Đầu lập ra, và chính quyền đã không phản đối một cách quyết liệt. Năm nay 83 tuổi, cựu viên chức này suýt nữa bị hành quyết trong cuộc Cách mạng Văn hóa, người anh của ông, lúc đó là giáo viên, đã bị đánh chết. Trên các bức tường mầu đen của bảo tàng, có ghi tên của hàng ngàn nạn nhân.
Hàng năm, kể từ 2006, vào ngày 08/08, ngày mà đảng Cộng sản Trung Quốc phát động cuộc Cách mạng Văn hóa, hàng trăm người tụ tập gần viện bảo tàng Sán Đầu để tưởng nhớ các nạn nhân.
Năm ngoái, hãng thông tấn chính thức của Nhà nước Trung Quốc, Tân Hoa Xã, đã có bài viết về lễ tưởng niệm, trích dẫn cả phát biểu của người thành lập viện bảo tàng, muốn cầu nguyện cho anh linh những người quá cố.
Thế nhưng, mùa hè năm nay, lễ tưởng niệm đã bị hủy bỏ vào giờ chót do áp lực của chính quyền địa phương. Thậm chí, người sáng lập ra viện bảo tàng còn từ chối trả lời phỏng vấn của AFP.
Điều chưa từng thấy là từ năm ngoái, truyền thông chính thức Trung Quốc đã đăng tải những lời ăn năn hối lỗi của các cựu Hồng Vệ binh, trong số này, có con gái một vị tướng, tên là Tống Bân Bân (Song Binbin) ; nhân vật này đã tham gia vào việc giết hại một giáo sư. Hay là lời sám hối của Trương Hồng Binh (Zhang Hongbin), người đã tố cáo cả mẹ mình và bà đã bị hành quyết.
Thế nhưng, việc công bố này được kiểm duyệt chặt chẽ : Các lời chứng, sám hối chỉ liên quan đến những sai lầm cá nhân, tuyệt đối không nhắc đến bối cảnh chính trị thời đó.
Theo giáo sư Barry Sautman, đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, thì giới lãnh đạo hiện nay không chấp nhận cho thảo luận về trách nhiệm của những người cộng sản trong thời kỳ đó, làm mọi cách « để bảo vệ quyền lực của họ » và tính chính đáng của Đảng.

Không có nhận xét nào: