Pages

Chủ Nhật, 28 tháng 9, 2014

Dầu hỏa, vũ khí chiến lược của « Nhà nước Hồi giáo »

Quân thánh chiến EI kiểm soát khoảng ít nhất hai mươi giếng dầu
 tại Irak và Syria.
REUTERS/Thaier al-Sudani
Sự lớn mạnh về người và tài sản của tổ chức « Nhà nước Hồi giáo » (EI) và nỗ lực của cả thế giới nhằm chống lại mối họa khủng bố là đề tài vẫn được các nhật báo Pháp hôm nay (27/09/2014) bình luận. Đâu là nguồn tài chính giúp cho tổ chức EI đứng vững, trang bị vũ khí tối tân và có khả năng chiêu dụ thêm nhiều binh sĩ mới ? Nhật báo Le Monde có bài viết giải mã đề tựa : « Dầu hỏa, vũ khí chiến lược của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ».


Theo tờ báo, nhóm thánh chiến djihad của EI đang kiểm soát ít nhất khoảng hai mươi giếng dầu tại Irak và Syria. Với nguồn dầu hỏa, các chiến binh EI đang nắm trong tay một vũ khí mà chưa một phong trào thánh chiến nào trước đó có được. Ngày 24/09 vừa qua, cuộc oanh kích Mỹ nhắm vào khoảng 12 nhà máy lọc dầu dưới quyền kiểm soát của EI cho thấy nỗ lực của Hoa Kỳ muốn cắt nguồn thu nhập béo bở của quân thánh chiến, bởi vì vàng đen đóng một vai trò chiến lược quan trọng đối với « Nhà nước Hồi giáo ». Đó là nguồn tài chính giúp tổ chức này vận hành.
Le Monde cho biết, đường dây buôn lậu dầu hỏa của EI hoạt động dựa vào một mạng lưới trung gian và những đường vòng dẫn đến những nhà máy chế xuất lậu ở vùng Kurdistan hoặc Thổ Nhĩ Kỳ. Địa bàn này đã ra đời từ rất lâu, từ những năm 1990, khi Irak bị cấm vận, thị trường chợ đen đã nở rộ. Tùy thuộc vào số lượng trung gian tham gia, giá của một thùng dầu thô từ khu vực do EI kiểm soát chỉ bán ra với giá dao động từ 20 đến 60$, thấp hơn giá thị trường (khoảng 100$) nhằm đảm bảo tuồn hết hàng. Vào tháng Bảy, Đài quan sát nhân quyền Syria đặt tại Luân Đôn cho biết, quân thánh chiến djihad chỉ bán một thùng dầu với giá dưới 18$ cho dân chúng đang chịu sự kiểm soát của EI nhằm đánh bóng hình ảnh của tổ chức này.
Francis Perrin, chủ tịch cơ quan Chiến lược và chính sách năng lượng, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí « Dầu hỏa và khí đốt Ả Rập » cho biết : « Tổ chức EI sử dụng một phần dầu hỏa cho nhu cầu của mình và bán một phần khác cho phe thân cận và xuất khẩu phần còn lại cho Thổ Nhĩ Kỳ ». Theo phe đối lập Syria, tổ chức EI đã nhượng lại một số giếng dầu với giá cả phải chăng cho một số bộ tộc địa phương nhằm mua chuộc sự trung thành của họ. Một số xe chở dầu vượt sang biên giới Irak, tiến về phía Thổ Nhĩ Kỳ thông qua khu vực Kurdistan của Irak.
Hiện các nghi ngờ về việc tổ chức EI bán dầu hỏa cho chế độ Damas vẫn chưa được chính thức công nhận. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius phát biểu trên France Infos hôm thứ 5 như sau : « Mọi sự đang diễn ra làm cho ai nấy đều nghĩ là các giếng dầu do EI kiểm soát dùng để chu cấp cho chế độ Al-Assad ».
Dầu hỏa, mối lợi trời cho của EI
Qua một bài viết khác, Le Monde dẫn lời các chuyên gia cho rằng hằng ngày, hoạt động buôn lậu dầu hỏa bơm vào ngân khố của EI từ một đến hai triệu đô la. Một nguồn tài chính quan trọng giúp tổ chức này có kinh phí để chi tiêu cho các hoạt động về dân sự lẫn quân sự. Bà Valérie Marcel, chuyên gia trong lĩnh vực dầu hỏa, nhận định : « Tổ chức EI hoạt động như một nhóm mafia. Buôn lậu dầu hỏa là nguồn nhu nhập chính, cộng với việc cướp bóc. Dầu hỏa mang lại cho tổ chức này nhiều tiền hơn là các nguồn tài trợ tư nhân đến từ vùng Vịnh ».
Theo Le Monde, hầu hết các nguồn tài nguyên dầu khí của tổ chức này tập trung tại Syria. Tuy nhiên, tờ báo nhấn mạnh, quân thánh chiến còn lâu mới có đủ chuyên môn và trang thiết bị cần thiết để khai thác hết công suất các giếng dầu này. Chuyên gia Valérie Marcel đánh giá : « Giếng dầu Al-Omar có khả năng sản xuất đến 75.000 thùng dầu mỗi ngày, nhưng người ta ước tính rằng hiện nay EI chỉ khai thác được 20.000 thùng mỗi ngày. »

Không có nhận xét nào: