Pages

Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Obama bỏ chính sách đối ngoại thực tiễn


estonia-585x400
“…Trung Quốc có lẽ cũng đã không lộng hành đến thế để ngày càng gây lo ngai và bị tẩy chay nếu Hoa Kỳ có một tổng thống mạnh bạo hơn. Chính quyền Obama cuối cùng đã nhận ra là chính sách đối ngoại thực tiễn không thực tế và sửa sai, bởi vì dù muốn hay không Hoa Kỳ cũng vẫn phải đóng góp quả quyết cho một trật tự thế giới dân chủ…”

Một đặc tính của nước Mỹ là các tổng thống thường hiểu biết rất ít về thế giới. George W.Bush vừa quá tự tin vừa vụng về và đã tạo ra trong hai nhiệm kỳ của ông hình ảnh một nước Mỹ cao ngạo bất chấp thế giới. Obama, ngược lại đã từ nhiệm và đã khiến thế giới phải trả giá đắt cho sự từ nhiệm đó, tại Trung Đông và châu Phi cũng như tại Ukraine và châu Á.
Khi Obama đắc cử tổng thống cuối năm 2008 cuộc chiến tại Iraq tuy đã khiến Hoa Kỳ phải hy sinh hơn 3000 quân và tốn kém hàng ngàn tỷ USD đã gần như kết thúc trong thắng lợi. Tiến trình xây dựng một chế độ dân chủ, và thay đổi hẳn bối cảnh chính trị tại Trung Đông, chỉ còn đòi hỏi một cố gắng vừa phải. Tuy vậy Obama, trung thành với lời hứa hồ đồ khi tranh cử, đã quyết định rút lui. Kết quả là chính quyền tân lập Baghdad phân hóa, loạn quân Hồi Giáo quá khích dần dần phục hồi, chiếm được những kho vũ khí tối tân mà quân Mỹ để lại, tàn sát hàng nghìn người vô tội tại Iraq và Syria, cắt cổ hai ký giả Mỹ trước ống kính, ào ạt tiến về thủ đô và tuyên bố thiết lập một “nhà nước Hồi Giáo” toàn nguyên thách thức các giá trị nhân quyền phổ cập và đe doạ nghiêm trọng hòa bình thế giới. Thắng lợi của loạn quân Hồi Giáo Iraq cũng đã khuyến khích các lực lượng khủng bố Hồi Giáo tại Mali và nhiều nước châu Phi khác. Chính quyền Obama đã hốt hoảng can thiệp và kêu gọi thành lập một liên minh thế giới để tiêu diệt lực lượng “nhà nước Hồi Giáo”. Trên thực tế nước Mỹ đã bị bắt buộc phải tái can thiệp quân sự tại Iraq. Can thiệp lúng túng bởi vì dù Obama liên tục nhắc lại là sẽ không gửi bộ binh sang Iraq, gần 2000 quân Mỹ đã có mặt tại đây và con số này sẽ còn tăng lên. Cuối cùng quyết định triệt thoái đơn phương của Obama đã khiến nước Mỹ phải can thiệp mạnh hơn nhiều, sau những thảm kịch kinh khủng.
Obama không phải chỉ đã quyết định sai lầm mà còn chứng tỏ thiếu kiến thức và tầm nhìn. Ngay khi nhận chức tổng thống Obama, trong bài diễn văn nhận chức cũng như tại Cairo vài tháng sau đó, đã dõng dạc tuyên bố sẵn sàng bắt tay với các chế độ hung bạo bởi vì theo ông “không một nước nào có quyền quyết định thế nào là một chế độ đúng cho một nước khác”. Các chế độ độc tài bạo ngược không mong muốn gì hơn. Obama không chỉ bỏ rơi các giá trị đạo đức quốc tế mà còn hãnh diện với chính sách đối ngoại thực tiễn của mình vì đã tìm được những công thức hoa mỹ để nói lên chọn lựa chẳng có gì đáng tự hào đó. Càng hãnh diện khi ông được giải thưởng Nobel về hòa bình. Cũng chính sách đối ngoại thực tiễn nhu nhược đó đã khiến Obama tuyên bố cương quyết đánh gục chế độ Bachar al-Assad tại Syria lúc ban đầu khi nghĩ rằng chế độ này sắp sụp đổ, rồi bỏ cuộc sau đó và bây giờ lại phải can thiệp. Chính quyền Putin chắc chắn đã không lộng hành tại Ukraine với hậu quả là vừa gây ra vừa gánh chịu những thiệt hại lớn và Trung Quốc có lẽ cũng đã không lộng hành đến thế để ngày càng gây lo ngai và bị tẩy chay nếu Hoa Kỳ có một tổng thống mạnh bạo hơn. Chính quyền Obama cuối cùng đã nhận ra là chính sách đối ngoại thực tiễn không thực tế và sửa sai, bởi vì dù muốn hay không Hoa Kỳ cũng vẫn phải đóng góp quả quyết cho một trật tự thế giới dân chủ.
Nhưng Hoa Kỳ quá mạnh nên dù sai lầm đến đâu họ vẫn đứng vững rồi tỉnh ngộ và sửa đổi. Đó là điều đang diễn ra. Một giai đoạn mới của thế giới đã bắt đầu.
Ban biên tập Tổ Quốc

Không có nhận xét nào: