Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Việt Nam và Mỹ nên cẩn trọng trong các mối quan hệ

Mặc dù có một mối quan hệ chiến lược trên văn bản, cả hai phía nên kềm chế những mong đợi của mình.

http://static9.nguyentandung.org/files/2014/08/vietnam-master675.jpg

Trong những tháng gần đây, đã có một ý nghĩ phổ biến trong một số người ở Washington về khả năng của một mối quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Trong bài báo gần đây, Tiến sĩ Patrick Cronin, Giám đốc cao cấp của Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương (Asia-Pacific Security Program) tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ (CNAS-Center for a New American Security), ủng hộ một số biện pháp có thể nên được Washington và Hà Nội cùng tiến hành để hạn chế những gì nhiều người cho là "hành vi hung hăng" của Trung Quốc trong khu vực châu Á-thái Bình Dương. Trong số các biện pháp ấy của Cronin có việc phát triển các chiến lược bắt phải trả giá để ngăn chặn các nỗ lực muốn thay đổi hiện trạng trong khu vực của Trung Quốc; các cuộc tập trận tập song phương lớn, thường xuyên hơn; và việc tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương của Mỹ cho Việt Nam.

Có lẽ đáng chú ý nhất trong số các biện pháp mà Cronin đề nghị là việc tháo gỡ lệnh cấm bán vũ khí sát thương, vốn đã đạt được sự ủng hộ của một số nhà lãnh đạo chính trị và quân sự có ảnh hưởng trong những tháng gần đây, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân Mỹ tướng Martin Dempsey, người vừa trở thành quan chức quân sự cao cấp nhất từng đến thăm đất nước này kể từ năm 1971. Đối với hai nước có quan hệ ngoại giao chính thức chỉ tái lập chưa đầy hai mươi năm trước, mối quan hệ dường như đã di chuyển với một tốc độ nhanh chóng. Có lẽ là hơi quá nhanh .

Không khó khăn gì để hiểu tại sao ở cả hai nước đều có người ủng hộ một mối quan hệ như vậy. Đối với Hoa Kỳ, quyền lợi cốt lõi công khai của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương là sự ổn định và nền trật tự liên tục mà họ đã hình thành sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai. Và mặc nhiên, Mỹ có quyền lợi trong việc duy trì vị thế là một thế lực thống trị trong khu vực - do đó, đất nước này phải cạnh tranh với một Trung Quốc đang lên, vốn đang tìm cách lên ngôi ở phía tây của quần đảo Hawaii.

Kể từ khi chính quyền Obama thông báo chỉ thị của mình vào năm 2011, Mỹ đã tìm cách để củng cố các liên minh khu vực lâu đời với Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines và Úc. Việc có thêm một đối tác chiến lược với Việt Nam sẽ là một cái "được" quan trọng trong việc tăng cường danh mục đầu tư đã vượt trội trong khu vực của mình. Từ một quan điểm về an ninh, một mối quan hệ thân thiện với một quân đội quân đội nhân dân Việt Nam (VPA) đang hiện đại hóa nhanh chóng sẽ mang lại thêm một tài sản quý giá trong khu vực đối với Mỹ, cho phép một nước nữa chia sẻ trách nhiệm giám sát hoạt động của quân đội Trung Quốc trong khu vực. Ngoài ra, đưa Việt Nam vào cấu trúc an ninh do Mỹ đứng đầu có thể đưa ra được một tập hợp những thách thức đối với Bắc Kinh để phải cân nhắc trước khi tiến hành những hành động được coi là khiêu khích trong khu vực, chẳng hạn như một động thái yêu sách lãnh thổ đơn phương, hoặc đặt một giàn khoan dầu trong khu vực đặc quyền (EEZ) của một quốc gia khác. Đối với Việt Nam, một mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Hoa Kỳ tương đương với việc có nhiều cơ hội hơn cho cả về an ninh và có lẽ quan trọng hơn: cả về quan điểm kinh tế. Mặc dù có những mặt tích cực tiềm năng mà hai nước có thể đạ được theo thỏa thuận như vậy, nhưng nói vẫn dễ hơn là làm.

Từ góc nhìn của Hà Nội, bất kỳ sự gia tăng quan hệ nào với Hoa Kỳ mà phương hại đến mối quan hệ lâu đời với Trung Quốc nên được xem là một nỗ lực nguy hiểm. Quan hệ kinh tế với Trung Quốc hiện quá sâu sắc, khi nước này có đến 30 phần trăm tổng số nhập khẩu là từ láng giềng phía bắc; cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc, tăng vọt từ $ 370 triệu trong năm 2012 lên mức cao chưa từng có là 2.3 tỉ trong năm 2013 Ngoài ra, các công ty Trung Quốc chiếm đến 90 phần trăm các hợp đồng xây dựng, kỹ thuật và mua sắm khác nhau trong các khu công nghiệp của Việt Nam. Và dù người dân Việt Nam có thể ủng hộ các mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, những đầu tư tiếp diễn của Trung Quốc sẽ có khả năng lấn áp thiện cảm ủng hộ đó trong quan điểm của chính phủ nước này vốn coi trọng ổn định kinh tế hơn tình bạn.

Và trong khi một số trường phái cho rằng đưa Việt Nam vào các cuộc đàm phán đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ giải phóng đất nước này khỏi xiềng xích phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc, nhưng trong thực tế một nước Việt Nam mới đúc ra từ lò TPP có thể là ngược lại, khi các công ty Trung Quốc đổ xô đầu tư vào thị trường dệt may của Việt Nam để gặt hái những lợi ích mà TPP dự kiến sẽ cung cấp. Mặc dù chính phủ Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng của việc phải đa dạng hoá khỏi ảnh hưởng từ Trung Quốc, việc tái lập quan hệ với Mỹ vẫn là chưa đủ để cho phép đất nước này đi lạc quá xa khỏi quỹ đạo kinh tế của Bắc Kinh. Có lẽ nhận thức được thực tế này, trong tháng Năm, Hà Nội quyết định cho phép dân chúng mình được "xả hơi" ngắn qua hình thức các cuộc chống đối nhắm vào Trung Quốc về vị trí của giàn khoan HD-981 trong khu vực đặc quyền kinh tế EEZ, để vài tuần sau, Chính phủ lại xì hơi cho tình cảm chống Trung Quốc giảm xuống.

Trong những tuần gần đây Việt Nam đã tiếp tục hàn gắn với phía Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh gần đây mô tả sự cố giàn khoan dầu như chỉ là một bất đồng nhỏ giữa các "anh em", trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, người được cho là có một quan điểm "thân phương Tây" đã bị Hà Nội cấm không cho đi Hoa Kỳ trong thời gian bế tắc vũ giàn khoan. Ngay cả sau khi Trung Quốc dời dàn khoan ra khỏi khu vực, và phái đoàn Việt Nam cuối cùng đã được cử đến Washington, Phạm Bình Minh vẫn vắng mặt. Hành động đó cho thấy một phe nhóm mạnh mẽ trong chính phủ Việt Nam vẫn có mối quan tâm sâu xa trong việc tiếp tục quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh. Cuối cùng là tuần trước Uỷ viên Bộ Chính trị Lê Hồng Anh đã được phái đến Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong đó cả hai bên đồng ý "... tránh các hành động có thể làm phức tạp và mở rộng tranh chấp" - một ngôn ngữ rõ ràng là nhắm vào Washington từ Bắc Kinh.

Việc Việt Nam thiếu vắng một đòn bẩy với Trung Quốc, cũng như việc một số người trong chính phủ của đất nước này mong muốn điều ấy sẽ cảnh báo các quan chức Mỹ trong việc nên theo đuổi mối cam kết với Việt Nam trong mức độ và tốc độ như thế nào. Những "ve vãn ngoại giao" gần đây và thời gian mà Hà Nội đã tận dụng  để theo đuổi các mối quan hệ như vậy với Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ, có thể được sử dụng như con bài mặc cả hiệu quả khi đàm phán với Trung Quốc. Một cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ được phỏng vấn cho bài viết này bày tỏ "... mối lo ngại rằng có thể [chúng ta] đang trói buộc quyền lợi của mình vào các diễn viên có quyền lợi trong khu vực vốn có khác biệt rất lớn với chính lợi quyền của chúng ta."

Trong chuyến thăm Việt Nam, Tướng Dempsey nói rằng ông cảm thấy "hàng hải là nơi chốn cho quan tâm về an ninh chung, mối quan tâm chung quan trọng nhất hiện nay. Tôi đề nghị, nếu lệnh cấm (vũ khí sát thương) được dỡ bỏ, chúng ta sẽ bắt đầu từ đó. "Trong khi Mỹ có một quyền lợi quốc gia khẳng định trong việc phải nhìn thấy ổn định tiếp tục trong khu vực, định nghĩa về sự ổn định của Mỹ có thể rất khác  với Việt Nam, vốn nhìn ổn định như chủ quyền của mình đối với các vùng lãnh thổ đang tranh chấp trong khu vực.

Trong khi Hoa Kỳ có thể sử dụng tình bạn mới của mình với Việt Nam để khuyến khích việc kềm chế trong các tranh chấp lãnh thổ với các bên khiếu kiện khác, có khả năng là Hà Nội cũng có thể cảm thấy khích lệ với một sự tự tin không có cơ sở rằng bằng một cách nào đó, Mỹ sẽ ủng hộ mình qua một số hành động gia tăng mạnh mẽ hơn(ví dụ như việc bán vũ khí cho Việt Nam). Và mặc dù trong nhiều thập kỷ Hoa Kỳ thận trọng tạo nên mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực đến mức từ những hiểu biết tốt đẹp với nhau có thể dựa vào nhau khi có khủng hoảng, vẫn chưa hề tồn tại một mối quan hệ như vậy với Việt Nam.

Nhìn vào số lượng lớn của các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia đang diễn ra trong khu vực, tạo dựng một quan hệ đối tác an ninh mới trong không khí hiện nay, có thể chẳng khác gì việc gặp gỡ một người xa lạ trên đường rồi đi theo kẻ ấy vào một cuộc đấu súng. Do đó, cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều phải nên thận trọng trong các mối quan hệ.

Brian Benedictus - The Diplomat
Lê Quốc Tuấn dịch Việt Ngữ 


1 nhận xét:

người Việt già đau khổ nói...

Mỹ-TQ-csVN đều lợi dụng nhau cả . TQ lợi dụng csVN thì muôn mặt và lợi dụng ngay chính sự can dự của Mỹ trong chiến lược chuyển trục thì có mấy mặt ,mà việc csVN xích lại gần Mỹ là để TQ biết thêm đứa nào trong đảng csVN thân Mỹ nhằm có kế hoạch dùng đảng trị cho kế hoạch sát nhập VN bớt chông gai .csVN lợi dụng trong việc nhờ Mỹ làm đối trọng "tạm thời" vì dã tâm bán nước còn lắm chông gai nguy hiểm .Mỹ lợi dụng csVN vì thế trận chuyển trục chưa đủ sức kiềm chế TQ hiện nay và Obama cũng sắp hết nhiệm kỳ .Khi đảng Cộng Hòa thắng ,tôi tin là thế , trong bầu cử tới thì số phận csVN sẽ được định đoạt :hoặc làm Thái thú hoặc phải thay đổi tận gốc để tồn tại mà tranh đua chính trị một cách công bình,tự do và dân chủ theo chuẩn mực văn minh .