Pages

Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Ca nhiễm Ebola đầu tiên ngoài Tây Phi

Tây Ban Nha đang áp dụng các biện pháp phòng dịch hết sức nghiêm ng̣ặt
Nhà chức trách Tây Ban Nha đang tiến hành điều tra tại một bệnh viện ở Madrid sau khi một y tá ở đây trở thành người đầu tiên trên thế giới nhiễm virus Ebola bên ngoài các nước Tây Phi.
Người y tá này đã chăm sóc cho hai nhà truyền đạo Thiên chúa giáo Tây Ban Nha. Hai người này đã qua đời sau khi được đưa về nước từ Tây Phi.
Trong lúc này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thông báo kế hoạch kiểm tra các hành khách đi đến Mỹ.

Khoảng 3.400 đã chết trong đợt bùng phát dịch Ebola, hầu hết là ở các nước Tây Phi.

Mỹ chỉ trích

Ông Obama đã chỉ trích các nước đã không ‘hành động quyết liệt một cách cần thiết’ để chống dịch.
“Có những nước nghĩ rằng họ chỉ cần ngồi một bên để nước Mỹ hành động – điều này sẽ khiến phản ứng thiếu hiệu quả, thiếu nhanh chóng và cũng có nghĩa là người bệnh sẽ chết,” ông nói.
“Và điều này cũng có nghĩa là khả năng dịch Ebola lan ra khỏi phạm vi các nước Tây Phi ngày càng hiển hiện,” ông nói thêm.
Người y tá 40 tuổi này nằm trong đội y tế của Madrid chăm sóc cho các linh mục Manuel Garcia Viejo và Miguel Pajares, giới chức Tây Ban Nha cho biết.
Bệnh viện Carlos III de Madrid, nơi hai linh mục này được chữa trị, được cho là đã áp dụng các biện pháp phòng dịch cực kỳ nghiêm ngặt như hai lớp áo bảo hộ, găng tay và kính mắt.
Người y tá này hiện trong tình trạng ổn định và đã được đưa từ bệnh viện Alcorcon đến một khoa chuyên trách tại bệnh viện Carlos III.
Những người còn lại trong nhóm chăm sóc hai linh mục đang được giám sát.
Y tá này cảm thấy không được khỏe hôm 30/9 nhưng chỉ đến hôm Chủ nhật ngày 5/10 mới đi khám.
Hai nhà truyền giáo Tây Ban Nha được đưa về nước đã qua đời
Khả năng bùng phát dịch Ebola ở Mỹ là ‘cực kỳ thấp’, Tổng thống Obama nói hôm 6/10.
Tiến sỹ Tom Frieden, giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh của Mỹ, đã loại trừ khả năng cấm các chuyến bay từ vùng dịch đến Mỹ với lý do việc cô lập sẽ càng làm dịch bệnh ở châu Phi thêm tồi tệ và khiến các nước này không nhận được những trợ giúp thiết yếu.
Hiện đã có gần 7.500 ca nhiễm Ebola đã được xác nhận trên toàn cầu trong khi các quan chức cho rằng con số thật sự có thể cao hơn nhiều.
Trong lúc này, ông Thomas Duncan, bệnh nhân đầu tiên xác nhận có Ebola trên đất Mỹ, đang được chữa trị cách ly ở một bệnh viện ở Dallas. Ông bị nhiễm Ebola ở quê nhà Liberia trước khi bay sang Mỹ thăm thân nhân.
Tình trạng của ông hiện nay đang nguy kịch nhưng ổn định, các bác sỹ cho biết hôm 6/10.
Bệnh nhân này đang được chữa trị bằng Brincidofovir, một loại thuốc thử nghiệm trị Ebola được phát minh ở bang North Carolina.

Không có nhận xét nào: