Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Indonesia sẽ là mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh trên Biển Đông?

BienDong.Net: Tờ The Diplomat của Nhật Bản mới đây đăng tải bải viết của tác giả Victor Robert Lee phân tích âm mưu của Trung Quốc trong việc thôn tính quần đảo Natuna hiện do Indonesia quản lý.
BDN xin giới thiệu bản lược dịch bài viết này.
Natuna (hay còn gọi là Natuna Besar) là hòn đảo lớn nhất thuộc Indonesia đang nằm trong khu vực tranh chấp được cho là mục tiêu tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông. Vào thời điểm hiện tại, sau khi hạ cánh máy bay xuống hòn đảo này, bất kì hành khách nước ngoài nào cũng phải đăng kí và cung cấp bản sao hộ chiếu cho cơ quan chức năng dù họ di chuyển trên các chuyến bay nội địa. Đến khi rời đảo, tất cả hành khách nước ngoài sẽ có một cuộc thẩm tra nhỏ về việc họ đã làm gì, ở đâu trong suốt thời gian ở trên đảo. Hành khách cũng bị cấm chụp ảnh cho đến khi ra bên ngoài sân bay vì sân bay này cũng chính là một căn cứ không quân của Indonesia. Khí tài của hải quân Indonesia có thể đang ở một căn cứ ở gần đấy, tại quần đảo Anambas, cách Natuna 210 dặm về phía Tây Nam. Quy định nghiêm ngặt không cho du khách chụp ảnh được cho là để che dấu những điểm yếu hơn là để giữ các bí mật quân sự.

Gần đây Bắc Kinh ban hành một tấm bản đồ mới, trong đó tuyên bố chủ quyền trên một vùng biển lớn bao gồm quần đảo Natuna, khiến Indonesia phải tăng cường an ninh tại vùng đảo này. Tuy nhiên, theo nhận định của tác giả bài báo thì sức mạnh quân sự tương đối yếu mà Indonesia bố trí tại khu vực này sẽ khiến Bắc Kinh thấy rất ít khó khăn trong quá trình thôn tính toàn bộ Biển Đông.
Trước đây Indonesia dường như đứng ngoài cuộc trước những hành động khiêu khích của Bắc Kinh trên Biển Đông, Chính phủ Indonesia lúc đó cũng tự đóng vai trò là một nhà trung gian hòa giải đáng tin cậy cho các quốc gia láng giềng đang có tranh chấp bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi Trung Quốc đưa cả khu vực xung quanh đảo Natuna vào bản đồ xử phạt mới của mình (và cả trên hộ chiếu Trung Quốc), tân tổng thống Indonesia Joko Widodo có thể đã thấy sự hung hăng của Trung Quốc sẽ trở thành một trong những mối quan tâm đầu tiên khi ông này chính thức nhậm chức vào tháng 10/2014.
Tháng Ba năm nay, lần đầu tiên Chính phủ Indonesia thừa nhận rằng các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông bao gồm các vùng của tỉnh Riau, thuộc Indonesia. Indonesia, một quốc gia với 250 triệu dân, có thể bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm tránh dính líu trực tiếp đến các tranh chấp trên Biển Đông, vẫn có thể trở thành nạn nhân cuối cùng của chiến dịch thâu tóm của Trung Quốc.
Quần đảo Natuna vốn là chủ đề tranh cãi giữa Trung Quốc và Indonesia từ trước. Các cuộc bạo loạn chống lại người Hoa đã nổ ra tại đây vào những năm 1960, đầu những năm 1980 và năm 1998 đã làm dân số người Hoa tại khu vực này giảm từ khoảng 6.000 người xuống còn khoảng 1.000 người. Năm 1996, nhận thấy rằng Trung Quốc chuẩn bị đưa ra tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển gần Natuna, Indonesia đã thực hiện một cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử với việc gửi gần 20.000 quân đến vùng biển của Natuna. Jakarta khi đó cũng hợp tác chặt chẽ với các công ty dầu mỏ của Mỹ nhằm thể hiện khả năng chống lại bất kì nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc kiểm soát những khu vực biển đang phát triển về lĩnh vực sản xuất khí đốt. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, với tương quan lực lượng ngày càng lớn, hoàn cảnh tương tự khó có thể xảy ra.
Tác giả bài báo cũng dẫn lời của cựu chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình về tranh chấp Biển Đông, đó là “Nếu thế hệ này không đủ khôn ngoan để giải quyết một vấn đề khó khăn đến như vậy, thì hãy coi đây là một ý tưởng để thế hệ sau dựa vào đó mà giải quyết”. Tuy nhiên, châm ngôn đó của Đặng Tiểu Bình đã bị thay thế. Chủ tịch Trung Quốc hiện tại là ông Tập Cận Bình, đang thành công trong việc giành quyền kiểm soát phần lớn khu vực Biển Đông bằng vũ lực, dường như đang tuân theo châm ngôn của nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng cộng sản Trung Quốc, Mao Trạch Đông, với câu nói “quyền lực chính trị phát sinh từ miệng nòng súng”.
Vào thời điểm năm 1996, khi cuộc diễn tập bảo vệ khu vực Natuna diễn ra, một chuyên gia thuộc Viện khoa học Indonesia đã nói: “Trung Quốc ưa dùng vũ lực. Nếu họ thấy bạn đang yếu, họ sẽ ăn tươi nuốt sống bạn”. Điều đó đang trở thành sự thật và vị chuyên gia này hiện đang là cố vấn cho phó Tổng thống của Indonesia.
Trong hơn 2 năm qua, Trung Quốc đã gia tăng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông thông qua một loạt các hoạt động như đe dọa, tuần tra hải quân, phong tỏa cục bộ, hạ đặt các giàn khoan, đâm va tàu cá, và xây dựng cơ sở hạ tầng trên nhiều đảo nhỏ và bãi đá ngầm.
BDN

Không có nhận xét nào: