Pages

Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

Trung Quốc hàn gắn, Việt Nam trông Ấn Độ

Việt-Long - RFA

sinking-vietnam-ship
Nơi tàu Việt Nam bị đâm chìm
Using Google Earth















Thủ tướng Dũng "đi vắng"

Nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao Trung Quốc được đón tiếp nồng nhiệt tại Việt Nam, trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ trong chuyến công du hai ngày, sắp hội kiến với Thủ tướng Narenda Modi trong ngày hôm nay, thứ ba.
Chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết-Trì được gọi là nhằm hàn gắn quan hệ song phương sau thời gian khó khăn vì chuyện giàn khoan HD-981 của Trung Quốc khai thác vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó tại Ấn Độ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời hãng thông tấn Press Trust of India, tuyên bố ông hy vọng Ấn Độ với tư cách một cường quốc chính yếu của khu vực và của thế giới, sẽ tích cực ủng hộ các bên liên quan giải quyết mọi cuộc tranh chấp trong hòa bình; nhờ đó đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải và tự do giao thông trên biển Đông.
Cùng ngày thứ hai, sau cuộc họp giữa Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết-Trì, bộ ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo cho hay Trung Quốc và Việt Nam đồng ý sẽ sử dụng một cách thích hợp cơ chế thảo luận hiện có về vấn đề biên giới để tìm một giải pháp căn bản, lâu dài cho cuộc tranh chấp trên biển Đông, mà cả hai bên có thể chấp nhận. Hai bên cũng nói không muốn vấn đề này gây ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.
vietnam-pm-in-india
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến Ấn Độ cùng 50 doanh gia, viên chức tháp tùng - Courtesy of indiatimes.com
Tin tức cũng cho hay hai nhà lãnh đạo ngoại giao Việt Trung đã đồng thuận sẽ cùng xử lý và điều kiểm cuộc tranh chấp về vùng biển một cách thích hợp, không có hành vi nào gây phức tạp hay mở rộng tranh chấp.
Thông cáo của Trung Quốc dẫn lời Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết-Trì tuyên bố hiện nay mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam đang ở giai đoạn cốt yếu để tăng tiến và phát triển. Giới thạo tin quốc tế lưu ý rằng thông cáo của bộ ngoại giao Trung Quốc không nhắc gì việc Trung Quốc di dời giàn khoan HD-981 ra khỏi lãnh hải tranh chấp vào hôm 15 tháng 7.

Hình ảnh trái ngược

Trước báo chí, hai nhà lãnh đạo ngoại giao hai nước đã tươi cười nồng nhiệt bắt tay nhau, trái ngược hẳn với chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên họ Dương hồi tháng sáu.
Chuyến đi tháng 6 đã kết thúc đầy cay đắng với lời lên án của Ủy viên Quốc Vụ Viện Dương Khiết-Trì rằng Việt Nam chỉ thổi phồng cuộc tranh chấp, trong lúc tàu lớn của Trung Quốc  liên tục đâm húc tàu Việt Nam cố tiến vào quanh khu vực giàn khoan HD-981 hoạt động. Báo Global Times của Trung Quốc sau đó giáng cho Việt Nam những lời đắng cay gấp bội, nói rằng họ Dương đi Việt Nam để "gọi đứa con hoang đàng về nhà". Giới quan sát quốc tế gọi đây là lần đổ vỡ tệ hại nhất trong mối quan hệ song phương kể từ trận chiến biên giới Việt-Trung 1979.
Lần này, giới phân tích chính trị quốc tế cho rằng sự tiếp cận ngoại giao Trung Quốc- Việt Nam đã khởi đầu từ hạ tuần tháng 8, sau khi Việt Nam bắt đầu tỏ giọng ngọt ngào với các quốc gia liên quan đến những tranh chấp về hải phận với Trung Quốc, gồm cả Philippines lẫn Nhật Bản. Và Nhật đã hứa sẽ trang bị cho Việt Nam 6 hộ tống hạm và các dàn radar.

Kéo lại vì Mỹ?

Tuy nhiên trong thời gian đó, điều có ý nghĩa hơn hết đối với Việt Nam, vẫn theo giới phân tích quốc tế, là xứ này đã tăng tiến quan hệ quốc phòng với cựu thù Hoa Kỳ. Đầu tháng 10 Hoa Kỳ đã khởi sự nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí từng bị áp đặt từ 30 năm nay. Việc này giúp củng cố lực lượng tuần phòng duyên hải của Việt Nam, trong tương lai dẫn đến việc bán vũ khí, tàu bè và các hệ thống hoạt động trên không.
Tuần trước tại hội nghị thượng đỉnh  ASEM hôm 16-17 tháng 10, hai nhà lãnh đạo Việt Trung đã hội họp và đồng ý cùng xử trí và điểu kiểm cuộc tranh chấp ở biển Đông.
Mối quan hệ nồng ấm với Trung Quốc sẽ làm hài lòng giới lãnh đạo Việt Nam, những người tự biết mình đang ở vị thế rất tế nhị trong nền nội trị. Họ cần khống chế lòng dân sôi nổi chống Trung Quốc ức hiếp, đồng thời tránh gây tác động bất lợi với nước láng giềng có ảnh hưởng kinh tế quyết định đối với nền kinh tế nhỏ bé của Việt Nam. Bên cạnh ảnh hưởng kinh tế, Bắc Kinh còn là chỗ dựa vững chắc về chính trị cho chế độ Cộng Sản của Hà Nội, giữa những đòi hỏi sôi nổi cho đổi mới, đa nguyên của nhiều thành phần dân chúng Việt Nam.
yang-in-hanoi-june-2014
Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết-Trì tại Hà Nội, ảnh tháng 6, 2014 - Courtesy of vietnambrreakingnews.com

Chỉ là lời hoa mỹ

Giới phân tích tin rằng vẫn có những cuộc bàn cãi sôi nổi trong nội bộ giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam, là nơi người ta cho rằng những đảng viên cốt cán không thể nhất trí về lập trường quan điểm trong vấn đề quan hệ với Trung Quốc và với các nước khác.
Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc sang Việt Nam rõ ràng để làm dịu cuộc tranh chấp, nhưng không có gì bảo đảm Bắc Kinh sẽ nhượng bộ hay lùi một bước nào trong những hành động củng cố vùng đảo lấn chiếm ở Trường Sa, hay những hành động ngang nhiên tấn công tàu cá Việt Nam.
Mới trưa chủ nhật 26 tháng 10 tàu cá BĐ 95393 TS bị ‘tàu lạ’ đâm chìm tại tọa độ 17 độ vĩ bắc, 108,40 độ kinh đông. Trước đó một tháng vào ngày 27 tháng 9 tàu QNg96017-TS của ngư dân Nguyễn Ngọc Khánh ngụ tại xã An Vĩnh, đảo Lý Sơn bị tàu số hiệu 46106 đến tấn công. Chủ tàu kể lại là tàu 46106 thả ca nô và sáu người xuống truy đuổi, rồi nhày sang tàu Việt Nam dùng hung khí uy hiếp, chặt phá dụng cụ hành nghề và đổ toàn bộ rau chân vịt khai thác được xuống biển.
Vì lý do trong mối bang giao Việt Trung, Việt Nam tin rằng chỉ đạt được những lời hứa suông hoa mỹ mà Việt Nam có thể lường trước, nên Thủ tướng Việt Nam vẫn ung dung đi cầu viện ở Hội nghị Thượng đỉnh ASEM và nay ông đến Ấn Độ cũng cùng mục đích mong được giúp sức giải quyết vấn đề biển Đông với Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: