Pages

Thứ Hai, 3 tháng 11, 2014

Bùi Bảo Trúc – Trước lạ sau…vẫn lạ



1Câu tục ngữ “trước lạ sau quen” thực ra không phải là một câu nói cầu kì gì lắm cho cam. Chúng ta ai chẳng đã nghe, đã sử dụng nó ít nhất một hai lần trong đời sống. Nhưng hình như câu tục ngữ khá quen thuộc này đã bị quên đi, không còn được dùng nữa, ít nhất là tại một số vùng ở Việt Nam.
Tiếng nói có đời sống của nó. Chữ nghĩa ra đời, sống rồi chết đi là chuyện thường. Không thế thì sao lại gọi là sinh ngữ. Cứ mở đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du mà coi. Tuy tác phẩm văn học này được đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần bởi bao nhiêu thế hệ người Việt, vậy mà vẫn xảy ra nhiều trường hợp của những chữ biến mất hồi nào không hay:

…Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung…
Ngày nay còn ai dùng đại danh từ “nghỉ” này nữa, kể cả ở chính quê hương của tác giả cũng không còn ai nghe thấy, nói chi tới những nơi khác.
Hay chữ “rốn” và chữ “chỉn” cũng thế:
…Rốn ngồi chẳng tiện, dứt về chỉn khôn…
Câu tục ngữ “trước lạ sau quen” mãi gần đây tôi mới biết nó đã biến mất ở ngoài Bắc. Câu này tôi nhớ rất rõ là nó được những người di cư cẩn thận để trong tay nải, va ly, hay những cái túi hành lý, nhảy lên tàu há mồm đem vào trong Nam. Nhưng ngay khi vào đến miền Nam thì người Việt miền Nam ra đón Bắc kỳ di cư cũng nhanh nhảu trấn an phe Bắc kỳ di cư bằng câu “trước lạ sau quen.” Thế là mọi người yên trí, không sợ câu tục ngữ đó biến mất, rơi vào quên lãng nữa. Ở miền Nam, ai cũng dùng câu tục ngữ thân quen đó một cách thoải mái nên người ta thấy không có lý do gì để tin là nó sẽ biến mất đi được.
Tưởng chuyện gìn giữ cho ngôn ngữ khỏi biến đi, khỏi mất đi thì người Việt miền nào cũng đều làm như thế cả. Nhưng không hiểu vì sao đặc biệt câu tục ngữ “trước lạ sau quen” lại bị để cho rơi rớt ở đâu rồi biến mất luôn.
Câu tục ngữ này không còn thấy được dùng nữa, ít nhất thì cũng là ở miền Bắc, và nay, có thể sự biến mất ấy cũng đang lan xuống cả miền Nam không biết chừng.
Nó biến mất nên cái gì bị coi là “lạ” thì bị coi là “lạ” luôn. Không cho trở thành quen được. Tất cả, người cũng như vật. Hễ lần đầu chưa quen biết, bị gọi là “lạ” thì mãi mãi, vĩnh viễn bị coi là lạ. Không thể có chuyện dần dần, từ từ chuyển từ lạ sang quen được. Dẫu cho chiều dài thời gian có là bao nhiêu đi chăng nữa.
Lạ thì cho lạ luôn. Một tuần, một tháng, một năm, nhiều năm cũng kệ. Cứ lạ tiếp. Không thể “trước lạ sau quen” như câu tục ngữ kia được.
Từ hơn một năm nay, người dân đánh cá Việt Nam ở những tỉnh miền Trung đã nhiều lần bị những chiếctàu vũ trang tấn công, làm đắm một số, gây hư hại nặng cho một số khác. Một số ngư dân thiệt mạng, một số mất tích, một số bị bắt giữ làm con tin đòi tiền chuộc mạng. Báo chí trong nước khi tường thật những việc làm ngang ngược, vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, bất chấp luật lệ quốc tế của những chiếc tàu vũ trang trong khu vực Hoang Sa, Trường Sa và những vùng cận duyên của Việt Nam đều cho biết đó là những chiếc “tàu lạ.” Trong khi các hình ảnh chụp được tại hiện trường đều cho thấy rõ quốc tịch của những chiếc tàu đó qua quốc kỳ và những hàng chữ viết rõ trên tàu.
Thực ra những hành động ngang ngược của những chiếc tàu hải giám đó đã diễn ra từ lâu, từ mấy năm nay chứ đâu phải chỉ mới từ hơn một năm trở lại đây. Nhưng rõ ràng là sau một thời gian dài như thế, những chiếc tàu hải giám đó vẫn còn bị coi là tàu lạ. Vụ đụng chạm mới nhất chỉ vừa diễn ra hồi giữa tháng 10. Báo chí trong nước vẫn gọi chúng là tàu “lạ.”
Người ta không chờ đợi là những người có quyền ở Việt Nam thay đổi và bỗng nhiên nhớ lại câu tục ngữ “trước lạ sau quen” và nói lên sự “quen biết” với bọn hải tặc ấy.
Nhưng “lạ” cả mấy năm rồi mà vẫn chưa “quen” được nhau thì có hơi chậm.
Tán gái mà chậm như thế thì cả làng cười cho đấy! Bác Hồ được giới thiệu chị Nông thị Xuân chỉ vài tháng sau là có thằng cu Nguyễn Tất Trung ngay đó thôi. Hết “lạ” ngay lập tức đó thôi!
Thế rồi mấy cái tàu ngầm kilo mua của Nga cũng là đống sắt vụn như tàu Vinashin cả hay sao mà vẫn chỉ nằm chơi ở Cam Ranh vậy?
Không dám rời bến chạy ra hỏi giấy mấy cái tàu lạ ăn hiếp tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam thì mua về làm quái gì?
Vì câu “trước lạ sau quen” đã biến mất từ hồi nào rồi nên những cái tàu ấy vẫn là tàu “lạ” là như vậy.
Bố khỉ!

Không có nhận xét nào: