Pages

Thứ Ba, 2 tháng 12, 2014

Căng thẳng tuyến khí đốt Nga - EU

EU cho rằng tuyến khí đốt phía Nam sẽ tăng vùng ảnh hưởng của ông Putin ở châu Âu
Không được châu Âu đồng ý, Nga đành tìm cách chuyển hướng tuyến khí đốt phía Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong lúc báo chí quốc tế nói nhiều đến ‘mối đe dọa’ bành trướng ảnh hưởng của Kremlin sang Đông Âu.
Hôm 1/12/2014, Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin nói Liên Hiệp châu Âu đã có quan điểm “thiếu tính xây dựng” vì không chấp nhận để dự án mang tên Dòng khí phía Nam (South Stream) chạy qua Bulgaria, nước thành viên EU.

Thay vào đó, sau khi hội đàm với lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, ông Putin xác nhận việc xây tuyến dẫn khí từ Nga qua ngả Nam Âu vào Tây Âu sẽ chuyển hướng.
Báo chí Nga gọi đây là vụ “EU cưỡng bức Nga thay đổi” dự án này trong lúc lo ngại tăng lên ở Hoa Kỳ và châu Âu về điều được cho là chiến lược bành trướng trở lại châu Âu của Kremlin.
Cùng lúc, kinh tế Nga có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm 2015 vì giá dầu sụt giảm và các bế tắc tài chính do cấm vận của Phương Tây.
Hôm thứ Hai 1/12, đồng tiền Nga mất giá ở mức cao nhất từ 1998.
Phó thủ tướng Alexi Vedev của Nga nay cho rằng tăng trưởng kinh tế nước này sẽ sụt 0,8% vào năm tới.
Trước đó, bộ này dự đoán nền kinh tế Nga sẽ tăng 1,2% vào 2015.
Theo Jeffrey Gedmin viết trên trang Politico, cả EU và Hoa Kỳ đều phải gây sức ép để Bulgaria bỏ dự án cho Nga xây tuyến dẫn khí đốt qua lãnh thổ của mình.
Vẫn tác giả này cho rằng không chỉ Bulgaria 'ngả về phía Nga', và cả lãnh đạo CH Czech, Milos Zeman cũng bị cáo buộc thân Nga.
Cạnh Czech, nước Slovakia hiện cũng đang có một thủ tướng thân Nga, ông Robert Fico.
Và Hungary dù là thành viên NATO, cũng đã thông qua quyết định cho Nga xây tuyến khí đốt phía Nam.
Tại Serbia, nước chưa gia nhập EU, Nga có kế hoạch đầu tư 1,5 tỷ euro vào nhà máy lọc dầu Pancevo và đưa Serbia vào mạng nhận khí đốt qua tuyến dẫn phía Nam.

Không có nhận xét nào: