Pages

Thứ Bảy, 6 tháng 12, 2014

Công văn liên tịch (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, toà án) của thành phố Tuy Hoà nhằm mục đích gì?

Cựu chiến binh - Luật sư Cao Xuân Bái (Đoàn LS TP HCM)

Sáng nay (05/12/2014) một loạt các báo in, báo mạng đồng loạt đưa tin: Ba cơ quan tiến hành tố tụng của TP Tuy Hòa gửi công văn liên tịch đến Sở Tư pháp và Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên “đòi” xử lý kỷ luật đối với luật sư Võ An Đôn, người “bảo vệ linh hồn” của anh Ngô Thanh Kiều. Mặc dù chưa trực tiếp đọc được toàn văn cái công văn kia, nhưng chỉ lướt qua vài “trích đoạn” mà các báo đã đăng tải, tôi thực sự mắc cười, và rồi cười vãi cả... bọt mép !
Theo công văn, sau khi kết thúc phiên tòa, LS Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế. Trong đó LS Đôn cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án. LS Đôn đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của LS khi hành nghề. Công văn cho rằng LS Đôn đã “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”. Theo đó, LS Đôn đã vi phạm các điểm g, i khoản 1 Điều 9 Luật LS.


Từ đó liên ngành công an, VKS và tòa án kiến nghị Đoàn LS, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên kịp thời kiểm tra, xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề LS đối với LS Võ An Đôn vì đã vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.

Luật sư Võ An Đôn hay chính các cơ quan tiến hành tố tụng của TP Tuy Hòa đã tạo “điểm nóng”?

Xem xét lại quá trình bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, truy tố và xét xử anh Ngô Thanh Kiều, người ta không khỏi bàng hoàng vì có quá nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng. Mức vi phạm đã “chạm ngưỡng, chạm trần”, dư luận nhân dân và báo chí lên tiếng dữ dội, Chủ tịch nước phải ra chỉ thị cho các cơ quan Trung ương vào cuộc mới lôi thêm được bị can Lê Đức Hoàn ra ánh sáng. Tòa áp dụng khoản 1 Điều 298 BLHS xử phạt các bị cáo Quyền, Mẫn, Quang và Huy là nhạo báng công lý. Chính các cơ quan tiến hành tố tụng của TP Tuy Hòa đã “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương”, chứ không phải là luật sư Võ An Đôn!

Người Việt mình có câu “vừa ăn cướp, vừa la làng”. Liệu câu nói đó có dùng được cho trường hợp này?

Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành là thành viên có cấp bậc nhỏ nhất trong “tổ tra tấn” đến chết anh Ngô Thanh Kiều, chỉ được phân công canh giữ anh Kiều trong lúc các điều tra viên ăn cơm trưa, không có trách nhiệm điều tra. Ấy vậy mà Thành lại được Tòa “ưu ái” giành cho mức án cao nhất. Nghe các bị cáo đổ lỗi qua lại cho nhau tại phiên tòa, người ta không khỏi thốt lên: Thuận buồm xuôi gió thì chén chú, chén anh. Lên thác xuống ghềnh thì buồi anh, dái chú.

Qua cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau, Nguyễn Thân Thảo Thành, sau hai phiên tòa sơ và phúc thẩm, có lẽ đã thấu hiểu và cảm nhận được hết “tấm lòng” đồng đội.

Sau khi có công văn liên tịch, tổ phóng viên của PHÁP LUẬT TPHCM đã liên lạc với ông Trần Văn Xít, Phó Chánh án TAND TP Tuy Hòa, người ký vào công văn. Tuy nhiên, ông Xít từ chối với lý do đã ra ngoài làm việc. Tương tự, ông Nguyễn Văn Thu, Phó Công an TP Tuy Hòa, cũng từ chối với lý do bận họp cả ngày. Đến cuối giờ, khi PV đăng ký xếp lịch làm việc,
ông Thu nói: “Tôi không trả lời một cái gì hết!”.

Còn ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, thì cho biết vi phạm của ông Đôn là có những phát ngôn không đúng với Luật luật sư. “Thiếu tướng Phạm Văn Hóa, (Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên) làm gì mà ông Đôn đề nghị Ổng từ chức”?

Để xem kiến nghị của LS Võ An Đôn có “đúng người, đúng tội” hay không, phải nhìn lại “án lệ” trong vụ Năm Cam và đồng bọn. Mặc dù không dính dáng, không liên quan gì tới băng nhóm này, nhưng vì tội phạm xảy ra trên địa bàn TP.HCM mà Hội nghị Ban chấp hành TƯ Đảng lần thứ 7, kỳ II (ngày 21/1/2003) đã quyết định kỷ luật ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM Trương Tấn Sang (hiện nay Ông là Chủ tịch nước), vì lý do trách nhiệm của người đứng đầu. Thiếu tướng Bùi Quốc Huy, giai đoạn đó là giám đốc công an TP.HCM, khi Ông đã lên tới trung tướng, thứ trưởng Bộ công an mà vẫn bị “triệu hồi” về TP.HCM để nghe phán quyết của các cơ quan chức năng và cuối cùng Ông phải ... vào tù!

Việc kiến nghị yêu cầu ông thiếu tướng, giám đốc công an tỉnh Phú Yên phải từ chức vì trách nhiệm của người đứng đầu là hoàn toàn phù hợp. Thậm chí còn được coi là kiến nghị quá nhẹ nhàng so với trách nhiệm mà đáng lẽ phải hứng chịu, bởi mức độ ảnh hưởng xấu của vụ án này là hết sức nghiêm trọng. Vả lại, hàm thiếu tướng, chức vụ giám đốc sở chưa phải là “quá to” để pháp luật không thể đụng tới. Tại phiên phúc thẩm, LS Đôn còn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

Trả lời câu hỏi của PV PHÁP LUẬT TPHCM khi nhận được “công văn lạ”, Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên, LS Nguyễn Khả Thành nói: “Trong quá trình tham gia tố tụng, LS có quyền đề nghị khởi tố người có dấu hiệu phạm tội. Qua theo dõi vụ án, tôi thấy việc LS Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Lê Minh Chánh là có cơ sở, đúng pháp luật. Đến nay một số đề nghị của LS Đôn đã được đáp ứng, điển hình là ông Hoàn đã bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Cũng theo LS Thành, văn bản kiến nghị của ba cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cho rằng LS Đôn xúc phạm người khác nhưng không nói xúc phạm ai, xúc phạm như thế nào, không chứng minh được thiệt hại. “Nếu muốn nói xúc phạm ai thì phải chứng minh được thiệt hại, sau đó bản thân người bị xúc phạm khởi kiện ra tòa dân sự. Đến nay tôi chưa thấy ai kiện LS Đôn. Tôi cũng chưa nghe LS Đôn có lời lẽ nào gọi là thiếu văn hóa. Ngược lại, tôi thấy có rất nhiều comment ủng hộ LS Đôn”.

Giáng một đòn chí tử vào cái công văn liên tịch kia, phải kể đến phát biểu của Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, ông Lê Tiến Dũng, rằng: “Họ yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhưng có lý do gì đâu mà tước!”.

Thiết nghĩ các cơ quan tiến hành tố tụng TP Tuy Hòa, lúc này nên ngồi lại với nhau để “nghiêm khắc kiểm điểm” những sai phạm trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử trong vụ án này. Kịp thời rút ra những bài học về chuyên môn nghiệp vụ, về đạo lý, về lẽ sống. Bàn biện pháp khắc phục hậu quả nặng nề mà chính họ đã gây ra cho bản thân cũng như gia đình anh Ngô Thanh Kiều hơn là ngồi lại chỉ để biên soạn ra một cái công văn mang rõ hàm ý thù vặt, trả đũa luật sư Võ An Đôn !

C.X.B.


Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào: