Pages

Thứ Năm, 4 tháng 12, 2014

Kinh tế Trung Quốc - Đừng vội đặt cược vào Bắc Kinh

Một báo cáo gần đây vạch ra những thách thức nghiêm trọng của nền kinh tế Trung Quốc

Nhà chọc trời mọc lên như nấm sau mưa
Tờ The Financial Times gần đây cho rằng Trung Quốc đã lãng phí gần 7 ngàn tỉ Mỹ kim kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Theo nghiên cứu của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia thuộc bộ kế hoạch Trung Quốc, "đầu tư không hiệu quả" chiếm gần một nửa tổng số vốn đầu tư trong nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 2009.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự lãng phí là sự xuất hiện dày đặc các tòa nhà chọc trời bị bỏ trống và các khu dân cư chen chúc nhau mọc lên ở các thành phố cấp ba và cấp bốn. Cùng với lượng tiền vốn khổng lồ bị phân bổ không hợp lý là hàng tỷ Mỹ kim được bơm vào để kích thích nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng đã chui vào túi riêng của các quan chức đảng cộng sản. Ra đời ngay sau Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương hồi đầu tháng này tại Bắc Kinh, nơi Tập Cận Bình tái khẳng định “một kiểu quan hệ siêu cường mới" giữa Hoa Kỳ và một Trung Quốc đang lên, các báo cáo về sự lãng phí khủng khiếp này cho thấy những thách thức ghê gớm mà đảng cộng sản Trung Quốc phải giải quyết trước khi một sự chuyển giao quyền lực thế giới mà họ thèm muốn có thể xảy ra.

Theo những nhà phân tích bi quan của Mỹ hay những học giả quá lạc quan của Trung Quốc thì nước này chắc chắn sẽ vượt qua Hoa kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất trong một tương lai gần, sau khi đã trở thành quốc gia có nền thương mại lớn nhất trong năm 2013. Ba thập kỷ tăng trưởng hai con số của Trung quốc, cộng với sự rối loạn tài chính và sự thiểu năng của nền chính trị của Hoa kỳ, đã dẫn tới một niềm tin khá phổ biến là "kỷ nguyên Trung Quốc" đang thật sự đến gần. Niềm tin này dựa trên giả định là GDP có mối tương quan chặt chẽ với sức mạnh của một quốc gia, một giả định chỉ mang tính tương đối khi được xem xét nghiêm túc. Nếu tính theo cách đó thì Trung Quốc đã luôn là nền kinh tế lớn nhất thế giới (ít nhất là dựa trên sức mua tương đương) trong phần lớn của "kỷ nguyên sỉ nhục" khi những tàu chiến của Anh và Pháp thi thoảng vào bắn phá các hải cảng của Trung Quốc và sỉ nhục hoàng cung mà không hề bị trừng phạt, hay khi quân đội Nhật Bản chiếm đóng một khu vực rộng lớn trong hoàng thành. Do đó một mình GDP thì chưa đủ để Trung Quốc thách thức quyền bá chủ của Mỹ. Một yếu tố cũng rất quan trọng không kém là sự giàu có trong thu nhập bình quân đầu người. Với thước đo này thì nước Mỹ vẫn hoàn toàn chiếm ưu thế. Theo Ngân hàng Thế giới, GDP bình quân đầu người của Mỹ cao hơn GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ít nhất là $45000, và khoảng cách này trên thực tế đã lớn hơn trong hai thập kỷ qua. Rõ ràng là xu hướng này hoàn toàn đi ngược lại với những dự đoán bi quan của nhiều người Mỹ.

Đương nhiên là còn có nhiều lý do khác nữa để ta phải thận trọng trong việc "đặt cược vào Trung Quốc". Quan trong nhất trong số đó là yếu tố về nhân khẩu học: chẳng bao lâu nữa Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một sự lão hoá dân số đột ngột nhất trong lịch sử loài người, mà nguyên nhân là chính sách một con của nước này. Theo dự báo, tỷ lệ số người lao động trên số người về hưu sẽ sụt giảm từ 8/1 hiện nay xuống còn 2/1 vào năm 2040. Một xu hướng nhân khẩu học khác ít được biết đến cũng đang nổi lên từ chính sách một con: số lượng những người đàn ông trẻ không có cơ hội kết hôn sẽ ngày một gia tăng. Đây là hậu quả của nhiều thập niên khi người dân phá thai để lựa chọn giới tính cho đứa con duy nhất mà họ được phép có, và điều này đã dẫn tới tỷ lệ sinh 118 bé trai trên 100 bé gái. Những xu hướng này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt xã hội, văn hóa, và tài chính. Về viễn cảnh cho việc tiếp tục tăng trưởng cao trong ngắn hạn và trung hạn, năm nay Trung Quốc sẽ có mức tăng trưởng hàng năm chậm nhất kể từ năm 1990. Người ta thường chỉ nói về chuyện mượn nợ của nước Mỹ, nay hãy nhìn vào Trung quốc: tỷ lệ tín dụng trên GDP của Trung Quốc đã tăng 58 phần trăm kể từ đầu năm 2009, kết quả của sự bùng nổ bất động sản dựa trên nợ. Sức mạnh kinh tế của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức thực tế trong các thập niên tới.

Đúng là nhiều người trước đây đã sai khi dự đoán về việc vỡ bong bóng của nền kinh tế Trung Quốc. Bộ Chính trị Trung Quốc giỏi xoay xở hơn ta tưởng, họ nhận thức được sự cần thiết phải có những cải cách sống còn. Tốc độ công nghiệp hoá của Trung Quốc là độc nhất, vô tiền khoáng hậu, nên việc dự đoán diễn biến của nó thật không hề dễ. Tuy nhiên, việc Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo thông thái của đảng cộng sản cầm quyền, sẽ đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển, hay thậm chí mạnh ngang Mỹ, mà không hề phải trải qua ít nhất một thất bại đau đớn về kinh tế hay chính trị, là một kịch bản khó xảy ra. Còn việc xuống hạng được cho là không thể tránh khỏi của nước Mỹ, việc công bố vào tuần trước rằng quân đội Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để đối phó với ảnh hưởng của Mỹ là một chỉ dấu thực tế cho thấy Bắc Kinh và Matxcơva vẫn sợ hãi trước Hoa Kỳ, sức mạnh siêu cường mà có lúc họ nói là đã hết thời.

Sam Winter-Levy
Liem Nguyen lược dịch theo The Diplomat(Blog Liem Nguyen)

Không có nhận xét nào: