Pages

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Lại thêm một dự định… trên giời

Mới đây, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã đưa ra một dự định: Sẽ kết hợp với Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát để xây dựng những quán nhậu “Kinh doanh bia rượu an toàn giao thông”.

Theo đó, tại các điểm kinh doanh trên, sẽ có một lực lượng chờ sẵn, để vận động khách hàng không lái xe sau khi uống bia, rượu, có dịch vụ trông giữ xe qua đêm và có dịch vụ đưa người đã uống bia, rượu say về nhà, để bảo đảm an toàn giao thông. 

Ý tưởng trên đã khiến không ít người bật cười vì cái tầm… trên giời, và phi thực tế của nó.

Ảnh minh họa

 Bởi thứ nhất là Ủy ban An toàn Giao thông sẽ lấy người đâu để thực hiện dịch vụ đó cho đủ? Chỉ nói riêng địa bàn Hà Nội thôi chẳng hạn. Thủ đô ta có cả ngàn quán nhậu được coi là “có thương hiệu”, mỗi ngày mỗi quán đón tiếp vài ba trăm khách. Rồi còn cả vạn quán nước vỉa hè, quán nào chả bán bia, bán rượu? 

Người nhậu có thể bị say ở bất cứ đâu. Không lẽ tại hàng ngàn hàng vạn quán nhậu từ lớn đến vỉa hè đó, nơi nào cũng phải bố trí mấy ông bà “dịch vụ” ngồi sẵn ở đó để chờ khách say?

 Hai là những quán nhậu, quán vỉa hè đó đều chỉ kinh doanh đến một thời gian nào đó trong ngày là nghỉ, và đều không có dịch vụ trông giữ xe qua đêm. Nên nếu muốn mang xe của họ đến một địa điểm khác để giữ thì phải làm rất nhiều thủ tục lôi thôi. Nào phải giám định tình trạng xe, nào phải kiểm tra xem trong xe có tiền bạc hay có giấy tờ gì quan trọng không… Và ai cho phép những ông bà “dịch vụ” đó giám định, kiểm tra, rồi mang phương tiện của họ đến nơi khác để giữ khi họ mới say tại quán chứ chưa điều khiển phương tiện giao thông của mình để tham gia giao thông. Tức là họ chưa phạm luật? Về mặt pháp lý, muốn kết luận người ta có say hay không, thì phải căn cứ vào lượng cồn trong hơi thở của người ta, rồi áp vào quy định của pháp luật: Lượng cồn trong hơi thở của một người là bao nhiêu thì người đó sẽ không còn làm chủ được hành vi của mình nữa, tức là đã say. Muốn đo độ cồn trong hơi thở, phải có máy móc. Ngoài cảnh sát giao thông ra, ai có máy móc? Và ai có thẩm quyền để đo nồng độ cồn của một người, khi người đó chưa vi phạm pháp luật? Trong một nhà nước pháp quyền, mọi tổ chức, cá nhân đều phải hành xử theo luật. Những văn bản quy phạm pháp luật về việc xử lý những người lái xe tham gia giao thông mà trong hơi thở có cồn, đã rất đầy đủ. Cơ quan được giao việc xử lý đó là cảnh sát giao thông. Thế thì cứ luật mà làm. Việc gì phải nghĩ ra những chuyện… trên giời ấy, để mua cười, mua phiền cho thiên hạ.  


VŨ HỮU SỰ

(Nông Nghiệp)

Không có nhận xét nào: