Pages

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Làm gì với vi phạm đạo đức tôn giáo?

Tôn giáo
Tôn giáo và tín ngưỡng tiếp tục có những vai trò gì trong xã hội hiện đại?
BBC và các khách mời thảo luận một số vấn đề của tôn giáo trong đời sống hiện nay, từ các vấn đề như nạn ấu dâm, tệ buôn thần bán thánh, thương mại hóa tôn giáo và cơ chế xử lý vi phạm đạo đức tôn giáo.
Trước hết từ Đài Loan, Linh mục Nguyễn Văn Hùng nói với cuộc Tọa đàm của BBC về kinh nghiệm xử lý các vấn đề được cho là lệch chuẩn trong tín ngưỡng tôn giáo, đặc biệt là xử lý 'thương mại hóa tôn giáo' trong cộng đồng cũng như trong giới tu hành, tu sỹ.

Linh mục nói: "Ở bên này, người tín đồ người ta khá rộng rãi trong việc cúng dường cũng như đóng góp về phía các tôn giáo khác, còn bên phía Công giáo, tôi thấy liên quan đến những vấn đề sắc dục, thương mại hóa, thì hầu như đều có cơ chế của từng địa phận.
"Ví dụ như tôi đang làm việc trong địa phận Tân Trúc chẳng hạn, thì trong địa phận Tân Trúc có quy định liên quan vấn đề sử dụng, vấn đề quyên góp, hầu như mọi sự phải gửi về cho bên Giáo phận.
"Rồi Giáo phận sẽ kiểm soát và lúc đó sẽ gửi đi cho các nơi có nhu cầu. Thành ra vấn đề thương mại hóa trong lĩnh vực tôn giáo ở địa phận Tân Trúc ở đây, tôi thấy là nó không có.
"Liên quan đến vấn đề tà dâm, cá nhân tôi là tu sỹ của một dòng, ở trong Nhà dòng của chúng tôi có một điều lệ (Code of conduct - quy tắc ứng xử đạo đức) phải tuân theo.
"Và chúng tôi phải theo điều lệ đó, mà bất cứ người nào phát giác những điều gì đó đi sai với cái đó, họ có quyền trình báo và lập tức là Nhà dòng sẽ ngưng ngay công việc của chúng tôi và sau đó họ sẽ điều tra về những việc có người trình báo hay là nghe ngóng."

'Xử lý nghiêm khắc'

Khi được hỏi hiện tượng "ấu dâm" có hay không trong giới tu hành nói chung ở các tôn giáo ở Đài Loan, và nếu có thì xử lý ra sao, Linh mục Hùng nói:
Linh mục Nguyễn Văn Hùng
Linh mục Hùng nói giáo hội kiểm soát nghiêm khắc tu sỹ bằng quy định đạo đức ở Đài Loan.
"Tôi chưa thấy những thông tin đó trên báo chí, nhưng thông thường ngay địa phận tôi đang làm việc ở đây, Đức Giám mục tổ chức những buổi học để nghiêm khắc trình bày những việc đó.
"Và như Đức cha có nói, khi có một sự kiện xảy ra liên quan đó, đầu tiên phải làm thông báo cho ban quản trị để họ đến họ điều tra và làm việc về điều này, đó là cách xử lý nghiêm khắc của Giáo hội Công giáo," Linh mục cho hay.
Từ phòng thu của BBC Việt ngữ tại London, sư Tịnh Thông, phụ trách Dược sư Phật đường ở Dartford, bình luận về việc xuất hiện một số hiện tượng vi phạm chuẩn mực đạo đức của giới tu hành, thậm chí có các hành vi 'thác loạn' ở một số 'nhà sư', 'thầy tu'.
Ông nói: "Những người lãnh đạo về tinh thần, nếu thực sự chưa đủ phẩm chất, cũng như chưa đủ năng lượng chánh niệm và chưa đủ năng lượng của từ bi, trí tuệ, thì chuyện thác loạn tinh thần xảy ra.
"Tuy nhiên, nói cho cùng thì đối với người Việt nói chung, tất cả các vị hướng dẫn tâm linh (như thế) đó thực sự rất ít, không đáng kể.
"Tuy nhiên đối với bổn phận người tu sỹ như chúng tôi, thì chúng tôi phải lưu ý về những việc đó."
Bình luận về cơ chế kiểm soát các hành vi, hiện tượng này, như với một số 'nhà sư' ở Việt Nam, sư Tịnh Thông nói:
"Ở Việt Nam thì chúng tôi đi ngoại quốc lâu rồi, không biết được, nhưng ở ngoại quốc, như Giáo hội ở bên Hoa Kỳ thì có trung ương Giáo hội, ở bên châu Âu thì có trung ương Giáo hội châu Âu giám sát."
Ông khẳng định: "Trong Phật giáo có giới gọi là không được tà dâm."

'Ưu tiên, thiên vị?'

Trước câu hỏi liệu một số tăng ni, phật tử ở Việt Nam hiện nay có đang được sự 'ưu tiên' nào không so với các đạo khác, hoặc các phái khác trong Phật giáo Việt Nam, đặc biệt với việc nhà nước gần đây tham gia vào nhiều hoạt động Phật giáo, sư Tịnh Thông nói:
Studio
Sư Tịnh Thông (trái) nói nhiều nhà tu hành bị 'thác loạn' do chưa đủ năng lượng 'chánh niệm'.
"Thực sự mà nói, Phật giáo từ xưa tới nay không cần một sự ưu tiên hết...
"Tất cả những lễ lạt, hay những đại lễ lớn đối với Phật giáo có tính chất tín ngưỡng chứ không có tính cách là thực tập pháp thực sự, thì nhà nước thực sự có đi đôi với những nơi tổ chức như thế đó."
Từ Sài Gòn, Mục sư Phạm Đình Nhẫn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thông công Tin lành Việt Nam, bình luận thêm về câu hỏi liệu giáo hội phật giáo được nhà nước công nhận ở Việt Nam có được chính quyền ưu tiên hay không.
Ông nói: "Theo chúng tôi để ý là nhà nước Việt Nam từ những năm sau 1975, rất dè dặt với tôn giáo nói chung,
"Nhưng càng về những năm sau này thì nhu cầu tín ngưỡng là nhu cầu không thể thiếu được, mà chúng tôi nghĩ là nhà nước cũng có phần ưu đãi cho Giáo hội Phật giáo.
"Cụ thể là trong những dịp lễ hội, chúng tôi thấy họ cho phép Giáo hội Phật giáo được tự do tổ chức lễ hội rất lớn.
"Tôi nghĩ là về một phương diện thì nhà nước cũng thấy tôn giáo là nhu cầu không thể thiếu được của dân chúng, nhưng có lẽ Phật giáo là một cái gì đó gần gũi hơn."
Hội luận BBC Tiếng Việt hôm 18/12/2014 do Nguyễn Giang chủ trì và cùng tham gia trong phòng thu tại London là sư Thích Tịnh Thông từ London.
Các vị khách khác gồm có Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Hùng từ Đài Loan, Giáo sư thần học Nguyễn Đăng Trúc từ Strassbourg, Pháp.
Ngoài ra còn có nhà hoạt động văn hóa - giáo dục Nguyễn Quang Thạch từ Việt Nam và phóng viên Nguyễn Lễ tham gia từ văn phòng BBC ở Bangkok, Thái Lan.
Mục sư Phạm Đình Nhẫn
Mục sư Tin lành Phạm Đình Nhẫn cho rằng nhà nước Việt Nam có phần 'ưu tiên' đạo Phật.

Không có nhận xét nào: