Pages

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

Nếu không có sự quyết liệt tranh đấu, không gian tự do ngôn luận ở Việt Nam đang khép lại

Cho dầu có Khổng Minh, cùng với Từ Thứ, Châu Du… tái thế, hợp tác với những « mưu sĩ » thông kim bác cổ kim thời, tất cả hợp sức hiến kế… tôi e rằng phe dân chủ VN sẽ không bao giờ tìm ra được « đáp số » cho chính mình. « Kế sách » nào rồi cũng bị « bác ». 40 năm trước ra sao, 40 năm sau vẫn vậy. Họ luôn lẫn lộn giữa mục tiêu và phương tiện ; lẫn lộn giữa lòng yêu nước với lòng hận thù ; giữa cái lợi ích ngắn hạn và lợi ích trường kỳ ; giữa lợi ích chung và lợi ích của cá nhân bè phái… Họ sẵn sàng cãi nhau đến chết về các việc này.

Nếu bây giờ, do thoái hóa và tranh chấp nội bộ, đảng CSVN tan rã. Một điều chắc chắn là « phe dân chủ VN » cũng không có khả năng mai táng cái xác thối này. Cho dầu đây là việc dễ làm nhất, và phải làm tức khắc. Họ sẽ cãi nhau (đến chết) về các vấn đề băm xác đảng này thành một trăm hay 1000 mảnh ? sẽ địa táng hay hỏa táng… vân vân và vân vân…

Trong vụ ông Nguyễn Quang Lập bị bắt ta thấy rõ rệt việc này.

Đối với bất kỳ một người tranh đấu (dân chủ hay cộng sản cũng vậy), điều quan trọng nhất là phải giữ lấy thành quả đã đạt được trong quá khứ. Ông Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh… trước đây đã bị nhà cầm quyền bắt vì tội « lợi dụng các quyền tự do dân chủ » mà thực chất quí ông này chỉ đơn thuần sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình, thể hiện qua phương tiện truyền thông internet, để chuyển tải những suy tư, những « bức xúc », những vấn đề của người VN trong xã hội.

Phải thực thà nhìn lại, xã hội VN cho đến khi quí ông này bị bắt, đã có một sự « nới lỏng » rất quan trọng từ phía nhà cầm quyền. Sự « nới lỏng » này do đâu ? Do sự tranh đấu của mọi người VN hay do nhà cầm quyền « ban bố » ?

Nếu ta nghĩ đó là « thành quả tranh đấu » thì nó là « thành quả tranh đấu ». Còn nếu ta xem đó là sự « ban bố » của nhà cầm quyền thì nó sẽ là sự ban bố của nhà cầm quyền.

Dĩ nhiên, là người « dân chủ VN », ta phải xem đó là « thành quả tranh đấu ». Và dĩ nhiên, bổn phận của chúng ta là phải bảo vệ thành quả này.

Phương pháp bảo vệ thành quả này là tiếp tục tranh đấu. Sao cho sự nhượng bộ của nhà nước CSVN trở thành « một quyền » chính đáng của người dân.

Nếu là « quyền » thì nhà cầm quyền phải tôn trọng nó. Còn nếu ta xem đó là sự « ban bố », thì lẽ thường, người « cho » có thể lấy lại bất cứ lúc nào.
Thực ra « quyền tự do ngôn luận » là một trong các quyền cơ bản của con người (nhân quyền). Nhà nước CSVN đã vi phạm nhân quyền, đã tước đoạt các quyền cơ bản nhất của người dân. Tranh đấu « nhân quyền » thực ra chỉ việc giành lại các quyền (tự nhiên của người dân) bị nhà nước CSVN tước đoạt mà thôi.

Sau khi các ông Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Nguyễn Hữu Vinh… bị bắt, ta thấy có nhiều « bloggers » khác tiếp nối làm công việc tương tự như các ông này. Trong những người tiếp nối có quí ông Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ.

Công cuộc tranh đấu vẫn tiếp tục và tăng thêm cường độ.

Phải nhìn nhận rằng, cho đến khi ông Lập, ông Thọ bị bắt, không gian « tự do ngôn luận » của VN đã mở rộng ra hơn. Nhưng không gian này vẫn hạn hẹp nếu so sánh với tiêu chuẩn các nước tiên tiến. Điều quan trọng nhất, không gian này vẫn chưa được sự nhà nước CSVN nhìn nhận (là một quyền của người dân).

Trước sự đe dọa của nhà cầm quyền hiện nay, không gian « tự do ngôn luận » này có nguy cơ khép lại, nếu không có sự tiếp nối quyết liệt từ phía những người tranh đấu.

Đây đâu phải là lúc tranh cãi ai « xứng đáng » để tiếp tục con đường (của ông Lập, ông Thọ…), mà vấn đề là thế nào để không gian này không bị nhà cầm quyền đóng lại. Ai có thể làm việc đó?

Đây cũng không phải là lúc tranh cãi nhà cầm quyền CSVN có dám bắt 1.000 người hay không mà mọi người (tranh đấu) có sẵn sàng bảo vệ thành quả đã đạt được hay không ? Ai có thể làm con chim đầu đàn ?

Có cả ngàn trang blog, facebook của VN đã được thành lập, hầu hết có hình thức sinh hoạt tương tự. Không nói ra, những người này đã thể hiện « quyền tự do ngôn luận » của mình. Nhưng tập thể này chỉ là những hạt cát rời, nếu không được lãnh đạo.

Mà người VN mình ai cũng có một « ông quan » trong bụng. Thích làm « lãnh đạo », thà làm đầu chuột chứ không chịu làm đuôi trâu. Không ai chịu nghe ai. Biết người ta nói phải, nhưng nguyên tắc là mình phải phản đối.

40 năm rồi vẫn thế. Cho dầu có Khổng Minh, cùng với Từ Thứ, Châu Du… tái thế thì cũng bó tay chấm còm mà thôi.

Trương Nhân Tuấn 

(FB. Trương Nhân Tuấn)

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Đồng bào chúng tôi biết hết sự hy sinh cao cả của các anh ,chị,em ,cô,chú. Chúng đag cố nhịn nó đây đến lúc x,y nào đó ĐCS sẽ biế sức mạnh của nhândân Việt.