Pages

Thứ Hai, 29 tháng 12, 2014

Nga triển khai loạt tên lửa mạnh nhất thế giới

(VnMedia) Bảy lữ đoàn tên lửa Nga sẽ được trang bị tổ hợp tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng Sarmat 100 tấn triển khai từ tàu ngầm, một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ với hãng tin RIA Novosti. 
Phát biểu trước báo giới, Đại tướng Sergei Karakayev cho biết: "Theo kế hoạch của chúng tôi, mọi thứ đã được quyết định. Loại tên lửa hạng nặng mới này sẽ được triển khai tại Uzhur ở vùng lãnh thổ Krasnoyarsk (miền trung nước Nga) và tại làng Dombarovsky ở khu vực Oregnburg (ở miền nam)".

Theo đó, 2 sư đoàn tên lửa ở hai địa điểm trên sẽ được trang bị 7 lữ đoàn tên lửa tên lửa gồm 46 tên lửa phóng đi từ tàu ngầm. 


Ông Karakayev nói thêm rằng: “Chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu phóng thử tên lửa này vào cuối năm 2017”.

Tên lửa Sarmat với tầm bắn không thấp hơn 5500 km này sẽ thay thế cho loại tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-18 Satan trong khoảng năm 2018-2020.

Đặc điểm vật lý và thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa mới này vẫn được giữ bí mật, và các bộ phận của hệ thống đang được thử nghiệm. Chỉ có các doanh nghiệp Nga tham gia vào việc sản xuất loại tên lửa hiện đại này. Tuy nhiên, trước đó, hồi tháng 12/2013, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Các tên lửa SS-18 Satan, được biên chế từ năm 1975, là những tên lửa đầu tiên do Liên Xô chế tạo được trang bị nhiều đầu đạn dẫn hướng độc lập. Những tên lửa đặt dưới hầm silo và có độ chính xác cao này được cho là sẽ tạo nên một mối đe dọa thực sự đối với các hệ thống tên lửa chiến lược trên đất liền của Mỹ.

Cũng liên quan đến lực lượng tên lửa của Nga, hôm 26/12 vừa qua, Lực lượng Vũ trang Chiến lược của Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn Yars từ Trung tâm Vũ trụ Plesetsk ở miền đông bắc nước Nga.

Phát biểu với phóng viên sau vụ thử, phát ngôn viên Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết: “Vào lúc 11h02 theo giờ Moscow ngày 26-12, một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 Yars sử dụng nhiên liệu rắn, với một đầu đạn có thể tháo rời, đã được tiến hành từ một bệ phóng dưới mặt đất ở trung tâm phóng vũ trụ Plesetsk”.

Theo Đại tá Igor Yegorov, đầu đạn giả định được sử dụng trong vụ phóng thử lần này đã được cài đặt để tấn công các mục tiêu tại bãi thử nghiệm Kura ở bán đảo Kamchatka, trên Thái Bình Dương, và đã đáp ứng theo đúng yêu cầu đặt ra.
RS-24 Yars là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới, có biệt danh là “Con trai của Satan”. Về cơ bản, đây là phiên bản nâng cấp đa đầu đạn của tổ hợp tên lửa Topol-M.

RS-24 Yars (NATO gọi là SS-29) được phát triển bởi Viện thiết kế công nghệ nhiệt Moskva, cũng chính là nơi thiết kế ra tên lửa Topol-M. Tên lửa thế hệ thứ 5 RS-24 là một phiên bản nâng cấp của tên lửa đạn đạo Topol-M.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-24 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn mục tiêu độc lập, được thiết kế để tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa ở tầm phóng lên tới 12.000 km.

Nó được thiết kế để mang tối đa 6 đầu đạn, với mỗi đầu đạn có thể bắn xuống các mục tiêu khác nhau. Tên lửa RS-24 Yars có chiều dài 23 mét, đường kính 2 mét, tầm bắn tối đa là 11.000 km. Phần đầu đạn tên lửa gồm bốn khối chiến đấu độc lập. Công suất đầu đạn từ 150 đến 300 kiloton.

RS-24 Yars là tên lửa đạn đạo liên lục địa thế hệ mới có tốc độ hành trình Mach 13+. Tên lửa RS-24 Yars góp phần đáng kể để lực lượng tên lửa chiến lược Nga bảo đảm chắc chắn an ninh quốc gia trong mọi diễn biến của tình hình quốc tế.

Tên lửa RS-24 Yars được đánh giá có khả năng "chọc thủng mọi lá chắn tên lửa" trong vòng 15-20 năm tới nhờ tốc độ bay nhanh hơn tất cả các loại tên lửa hiện hành, khả năng thay đổi linh hoạt độ cao và hướng bay khiến cho tên lửa đánh chặn của đối phương không thể tiếp cận. Tên lửa này được thử nghiệm lần đầu tiên vào ngày 29/5/2007.

Đây được đánh giá là một trong những loại tên lửa nhanh nhất thế giới./Đan Khanh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: