Pages

Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Trung Quốc khẳng định thực hiện chính sách ngoại giao nước lớn

mediaChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh chụp ngày 19/11/ 2014, nhân một diễn đàn tại Sydney, Úc.REUTERS/Jason Reed
    Tại Hội nghị Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc, được tổ chức ở Bắc Kinh trong hai ngày, 28 và 29/11/2014, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc « cần có nền ngoại giao nước lớn mang đặc sắc » của mình.



    Theo Tân Hoa Xã, Hội nghị này có nhiệm vụ đề ra « những đường hướng, nguyên tắc cơ bản, mục tiêu chiến lược và những nhiệm vụ chính của nền ngoại giao Trung Quốc trong thời kỳ mới ».
    Khi yêu cầu thực thi một chính sách đối ngoại nước lớn, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, nền ngoại giao này mang đậm « đặc sắc Trung Quốc, phong cách Trung Quốc và khí phách Trung Quốc ».
    Đây là lần đầu tiên kể từ 8 năm qua, Bắc Kinh tổ chức một hội nghị bàn về công tác đối ngoại ở tầm cỡ này, với sự tham dự của Tổng bí thư đảng Cộng sản Tập Cận Bình và 6 ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị. Năm 2006, ông Hồ Cẩm Đào cũng đã cho tổ chức một hội nghị như vậy.
    Theo giới quan sát, bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cho thấy Trung Quốc đã gạt bỏ châm ngôn chỉ đạo đường lối đối ngoại mà Đặng Tiểu Bình đưa ra cách nay hai thập niên là« giấu mình chờ thời ». Sau khi lên cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã liên tiếp công du Châu Á, Châu Âu và Châu Phi và gần đây, Bắc Kinh đón tiếp Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), cố gắng tạo dựng cho Trung Quốc một vai trò cường quốc về kinh tế, an ninh quan trọng, sau nhiều năm phải chấp nhận sự thống trị của Hoa Kỳ trong khu vực.
    Theo một giáo sư Trung Quốc về quan hệ quốc tế, thuộc đại học Bắc Kinh, được hãng tin Bloomberg trích dẫn, « rõ ràng là lãnh đạo hiện nay không muốn thực hiện châm ngôn này nữa »và « đây là chỉ dấu rất quan trọng cho thấy sự thay đổi trong chính sách đối ngoại » của Trung Quốc.
    Dười thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đẩy mạnh hiện đại hóa bộ máy quân sự, tỏ thái độ hung hăng và quyết đoán hơn trong các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông, tăng cường đầu tư và trao đổi thương mại với các nước láng giềng. Thậm chí, lãnh đạo Trung Quốc đưa ra dự án Con đường tơ lụa mới thế kỷ 21, tăng cường mậu dịch với Châu Âu, để thực hiện « giấc mơ Trung Hoa », mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc về kinh tế, chính trị và văn hóa.
    Nếu so sánh với phương châm đối ngoại của Đặng Tiểu Bình « giấu mình chờ thời », ra đời trong bối cảnh Trung Quốc tập trung phát triển kinh tế và ổn định chính trị, thì quan niệm về ngoại giao của ông Tập Cận Bình hướng ra bên ngoài nhiều hơn và thể hiện phong cách cá nhân, một phong cách đầy tham vọng lớn.
    Chuyên gia Trương Bảo Huy (Zhang Bahui), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á-Thái Bình Dương, đại học Lĩnh Nam (Lingnan) Hồng Kông, nhận định : « Bài phát biểu (của ông Tập Cận Bình), khẳng định, Trung Quốc đã chuyển sang một bố cục khác – một bố cục mà Trung Quốc chủ động tạo ra môi trường riêng cho mình » và « Trung Quốc không còn là một tác nhân thụ động như lời Đặng Tiểu Bình căn dặn ».
    Trong bài phát biểu, khi khẳng định « kiên quyết giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển, giữ gìn sự thống nhất đất nước », ông Tập Cận Bình lại nhắc nhở ngoại giao Trung Quốc phải « xử lý ổn thỏa vấn đề tranh chấp lãnh thổ biển đảo ». Theo giáo sư Joseph Fewsmith, thuộc đại học Boston, Hoa Kỳ, mặc dù bài diễn văn thể hiện một sự tự tin của Trung Quốc là cần phải chủ động trong ngoại giao, nhưng đồng thời cũng cho thấy ông Tập Cận Bình dường như muốn « gọt dũa » các góc cạnh thể hiện trong chính sách đối ngoại gần đây của Bắc Kinh, khi lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh phải tạo dựng được một « cộng đồng vận mệnh các nước xung quanh ».
    Về phần mình, giáo sư Trương nhận định, bài phát biểu phản ánh nỗ lực của Bắc Kinh muốn sử dụng sức mạnh kinh tế và gạt bỏ lo ngại của các nước láng giềng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chiến lược này cho phép khai thác các thế mạnh của Trung Quốc, bởi vì « các xung đột do tranh chấp lãnh thổ có thể đẩy các nước khác đi với Hoa Kỳ ».

    Không có nhận xét nào: