Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 1, 2015

Bản quyền báo chí và đạo đức làm báo

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Le Media JSC
Ông Lê Quốc Vinh tham dự hội thảo hôm 28/1
Hội thảo Vấn đề bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số vừa được Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Hồ Chí Minh đồng tổ chức.
Đây là đề tài được Việt Nam và Hoa Kỳ bàn thảo từ nhiều năm nay và hiện vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh luận.
Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Le Media JSC, đã có bài tham luận, đề xuất "gói giải pháp liên hoàn để giải quyết bài toán bảo vệ tác quyền báo chí" tại hội thảo hôm 28/1/2015 và dưới đây là toàn văn bài tham luận tại hội thảo này.

Tôi không chỉ là chủ tịch một tập đoàn truyền thông đang hợp tác với nhiều cơ quan nhà nước, xuất bản tạp chí, trang thông tin điện tử và sản xuất chương trình truyền hình, tôi còn là chủ tịch của Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (Vietnam Creative Entrepreneurs’ Club), một tổ chức tự nguyện của các doanh nhân hoạt động trong 15 ngành kinh tế mà sự tồn vong hoặc suy thoái của nó đều phụ thuộc vào khả năng bảo hộ tác quyền và sở hữu trí tuệ của các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo, trong đó có truyền thông, báo chí, xuất bản, truyền hình.
Báo chí, cho dù là truyền thông truyền thống như báo in, radio, truyền hình, hay truyền thông mới như báo điện tử hoặc truyền hình internet, đều dựa trên hai mô hình kinh doanh cơ bản: hoặc là bán nội dung bằng cách gia tăng tia-ra (số lượng phát hành), số lượng người thuê bao, hoặc là bán cơ hội và không gian quảng cáo.
Cả hai mô hình kinh doanh này đều phụ thuộc vào lượng độc giả, lượng khán giả xem truyền hình hoặc truy cập vào trang thông tin điện tử đó – mà chúng ta thường gọi là “lượng view”.
Mọi nỗ lực của người làm báo để có một bài phóng sự hay, một bài phỏng vấn độc quyền hoặc một tin tức nóng, đều nhằm một mục đích duy nhất là tạo cơ hội gia tăng “lượng view” cho cơ quan báo chí.
Việc một cơ quan báo chí khác (hoặc cái gọi là báo chí) copy, đăng lại phóng sự đó, phỏng vấn đó chính là chặt đứt cơ hội kéo người xem cho tờ báo hay website có bài nguyên gốc, đánh thẳng vào hầu bao của cơ quan báo chí. Đó là cuộc chơi không bình đẳng và ăn chặn của đồng nghiệp.
Tôi chưa nói đến các trang thông tin tổng hợp, các loại website chuyên nhặt nhạnh bài vở của báo chí, đăng lại, hoặc sao chép chỉnh sửa để câu view. Đó là hàng ngàn loại tầm gửi, tác nhân của việc làm suy thoái các kênh thông tin truyền thống, và chặn đứng sự phát triển của cả các cơ quan báo chí điện tử.
Thiết nghĩ, chúng ta không cần phải tốn giấy mực để nói về tác hại của việc vi phạm sở hữu trí tuệ và quyền tác giả báo chí và sự cần thiết phải ngăn chặn, tiến tới xoá bỏ tình trạng vi phạm bản quyền báo chí. Mà chúng ta cần đặt ra hai (02) vấn đề thôi: Thứ nhất, như thế nào là vi phạm bản quyền báo chí; và hai là, bảo vệ bản quyền báo chí như thế nào?

Có thể bảo vệ được bản quyền báo chí?

Vấn đề thứ nhất chắc chắn sẽ được nhiều bài tham luận trong hội nghị này mổ xẻ, cho nên tôi xin phép chỉ đi vào vấn đề thứ hai: Bản quyền báo chí có bảo vệ được không?
Để trả lời câu hỏi này, cần phải nghiên cứu, chỉ rõ những nguyên nhân tạo ra tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan hiện nay. Theo tôi, có bốn (04) nguyên nhân cơ bản:
Một là, chúng ta chưa bao giờ coi báo chí là sản phẩm đúng nghĩa cả, càng không bao giờ coi báo chí là một loại hàng hoá, mà hàng hoá thì mới sinh ra tiền, ra lợi nhuận, và bởi vậy nó mới là xương máu và cần sống chết bảo vệ nó.
Báo chí thực ra là một loại hàng hoá cao cấp, một loại hàng hoá mà giá trị của nó nằm ở sức sáng tạo của con người, ở trí tuệ của con người, và giá trị của một bài báo, của một bức ảnh, của một chương trình truyền hình không nằm ở số lượng con chữ, độ lớn của bức ảnh, hay thời lượng chương trình truyền hình, mà nằm ở giá trị thông tin mà các tác phẩm báo chí này mang lại, và phụ thuộc ở danh tiếng và uy tín của tác giả của nó.
Nhiều cơ quan báo chí thích “khai thác” nội dung của báo bạn vì không hình dung hết giá trị của nó đối với báo bạn. Nhiều người trong số họ còn cho rằng việc đăng lại bài của các website nhỏ là vinh dự cho họ. Ngược lại, vì không ý thức đầy đủ về giá trị bản quyền, nên nhiều cơ quan báo chí không quyết liệt bảo vệ sáng tạo của chính mình khi bị vi phạm.
Hai là, nhiều chính sách quản lý báo chí của chúng ta còn rất nhiều kẽ hở, thậm chí dung túng cho sự copy, sao chép các sản phẩm báo chí.
Có thể quý vị sẽ ngạc nhiên về điều tôi vừa nói, nhưng xin khẳng định rằng không có quốc gia nào đưa vào luật định yêu cầu các trang tin tổng hợp phải có được sự chấp thuận của ít nhất 5 cơ quan báo chí cho phép copy bài vở. Quy định này nghiễm nhiên thừa nhận một khối lượng lớn các website được sao chép bài vở của cơ quan báo chí, chứ không hề khuyến khích họ trả tiền mua nội dung từ các cơ quan báo chí.
Ba là, chúng ta chưa bao giờ xem trọng vấn đề giáo dục về bản quyền và tôn trọng bản quyền.
Lẽ ra, bản quyền và tôn trọng bản quyền phải được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, bên cạnh các vấn đề luân lý và đạo đức trong môn giáo dục công dân.
Tôi đã từng xấu hổ vì một người bạn Mỹ kiên quyết từ chối copy cho tôi một phần mềm mà công ty anh ta phải bỏ tiền ra mua, trong khi nhiều đồng nghiệp là lãnh đạo các tờ báo lớn vẫn thản nhiên cho phép phóng viên của mình sao chép, đăng lại bài của báo khác, nếu họ quên không ghi một dòng cảnh báo cấm sao chép.
Cùng với một vài tờ báo như VietnamPlus, tạp chí Đẹp do Le Media của tôi hợp tác với Báo Ảnh Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam) đã tuyên chiến với vấn nạn vi phạm bản quyền bằng cách tuyên bố không copy của bất cứ cơ quan báo chí nào, và cũng không cho phép ai copy bài của mình, nếu không có sự chấp thuận chính thức.
Chúng tôi đã bền bỉ kiên trì với cam kết của mình trong suốt 6 năm qua, trung thành kiên định với việc chỉ đăng tải nội dung gốc, xử phạt phóng viên, biên tập viên nào sao chép bài của báo bạn. Trong khi đó, nhiều trang web tổng hợp tin tức, và cả các cơ quan báo chí chính thống vẫn tiếp tục thản nhiên sao chép bài của chúng tôi.
Khi chúng tôi lên tiếng, yêu cầu dỡ bài vi phạm thì họ nói họ “không biết Đẹp không cho phép sao chép”. Điều này nói lên rằng, ngay cả các lãnh đạo báo chí cũng không tự nguyện coi trọng bản quyền, thì phóng viên, biên tập tự giác sao được. Càng khó yêu cầu các trang tin tổng hợp – vốn không được thừa nhận là báo chí – tôn trọng bản quyền của chính chúng ta.
Bốn là, chính sách chế tài hầu như không có. Chưa bao giờ có các quyết định từ cấp có thẩm quyền xử phạt một trường hợp vi phạm bản quyền báo chí. Cũng không có văn bản pháp luật quy định cụ thể về mức phạt vi phạm bản quyền báo chí, và nếu có, chắc chắn mức phạt cũng không đủ sức răn đe hành vi vi phạm, giống như các quy định xử phạt khác.
Trên thực tế, việc kiện tụng vi phạm bảo hộ tác quyền và sở hữu trí tuệ cực kỳ phức tạp. Đa phần các trường hợp kiện tụng đều kéo dài, tốn kém đến mức mà ngay cả khi người bị vi phạm bản quyền thắng kiện đi chăng nữa cũng đã thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với số tiền thắng kiện.
Ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng phải lệ thuộc phần lớn vào ý thức của công dân đối với sự tôn trọng bản quyền của người khác. Trong trường hợp này, sẽ phải cần đến một cơ quan trọng tài, kiểu như Trung tâm Bản quyền Âm nhạc trong lĩnh vực báo chí.

Cách tiếp cận để bảo vệ bản quyền báo chí

VietnamPlus
VietnamPlus là một trong số ít báo mạng "tuyên chiến với vấn nạn vi pham bản quyền", theo ông Lê Quốc Vinh
Để giải quyết bài toán hóc búa bảo vệ bản quyền báo chí cần tiếp cận ở cả hai phương diện khách quan và chủ quan.
Về khách quan, công nghệ có thể trở thành một vị quan toà công minh. Trên thế giới, từ lâu, các trường đại học, và cả trung học, đã có công cụ giúp các giáo sư chấm bài học sinh ra soát siêu xa lộ internet để kiểm tra có đạo văn hay không.
Con trai tôi học trung học tại Australia, chép lại bài thơ do chính mình sáng tác và đã đăng trên blog, tất nhiên với một cái tên khác. Cô giáo dạy văn buộc con tôi phải chứng minh được tác giả hai phiên bản là một thì mới cho qua môn thi ấy.
Turnitin.com là một dịch vụ chống đạo văn do công ty iParadigms, LLC cung cấp lần đầu từ năm 1997, đã được các trường học mua licence để sử dụng trên toàn thế giới. Công ty này cũng cung cấp một công cụ tương tự gọi là iThenticate cho các biên tập viên báo chí và nhà xuất bản.
Ở Việt Nam, các website như Báo Mới, Đọc Báo, về bản chất là đã dùng phần mềm rà soát hàng trăm website, mạng xã hội để lựa chọn bài báo nào nguyên gốc, bài nào là copy, để chọn đăng lại trên trang tổng hợp của họ.
Khó như video, các chuyên gia công nghệ của YouTube đã hoàn tất được thuật toán kiểm soát và biết chính xác các đoạn video và âm nhạc nào vi phạm bản quyền. Họ khuyến nghị chúng tôi upload toàn bộ chương trình truyền hình hoặc video lên YouTube và họ sẽ giúp kiểm soát, ngăn chặn việc sao chép bất hợp pháp. Nhiều kênh truyền hình và chủ sở hữu các sản phẩm video cũng đã làm như vậy.
Về chủ quan, khó hơn nhưng không phải là không làm được. Bản thân tạp chí Đẹp Online đã nói không với sao chép lậu. VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam và Saigon Times cũng thế. Chúng tôi quyết định giữ cho mình trong sạch trong khi vẫn bị các báo bạn sao chép không xin ý kiến, tuy nhiên số lượng giảm đi đáng kể, bởi chúng tôi đã hội đủ tư cách để có thể lên tiếng phản đối.
Quý vị sao chép được thì đương nhiên người khác sẽ sao chép của quý vị. Chỉ khi nào tất cả các cơ quan báo chí chính thống cùng đồng lòng cam kết không sao chép và chống sao chép lậu thì chúng ta mới có thể thống nhất trong một mặt trận chống nạn vi phạm bản quyền báo chí trên các trang thông tin không chính thống.
Nhưng cam kết đó không thể là một lời nói suông, mà phải là chính sách nội bộ nghiêm túc, có biện pháp chế tài đối với hành vi xâm phạm bản quyền của phóng viên, biên tập trong toà báo.
Một giải pháp khác, thay vì cấp phép cho các trang tin điện tử tổng hợp, cơ quan quản lý nên xem xét cấp phép mở thêm các trang thông tin điện tử cho các cơ quan báo chí nghiêm túc, cam kết không xâm phạm bản quyền báo chí. Như trong ngành y với lời thề Hypocrite, lời thề không xâm phạm bản quyền của đồng nghiệp cũng thiêng liêng như vậy.

Cần một cơ quan bảo vệ bản quyền báo chí

Bên cạnh đó, tôi tin rằng, để giải quyết tận gốc vấn đề bản quyền báo chí, trong khi chờ đợi các văn bản pháp lý và hệ thống tư pháp cải tiến theo hướng bảo hộ người sở hữu bản quyền thay vì gây khó khăn cho việc chứng minh vi phạm, thì một cơ quan bảo vệ bản quyền cho báo chí, hoạt động độc lập, nhưng được thừa nhận bởi cơ quan quản lý cao nhất và sự đồng thuận của các cơ quan báo chí là điều cần thiết.
Cơ quan này, tương tự như Trung tâm Bảo vệ Tác quyền Âm nhạc, nhưng phải được trao quyền lực cao hơn, phải được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép thành lập, và phải được đông đảo các cơ quan báo chí chấp thuận và trở thành thành viên.
Kinh tế Sài Gòn Online
Cuộc chiến sẽ không thể thắng được nếu chỉ có Tạp chí Đẹp, VietnamPlus, Le Media, Thời báo Kinh tế Saigon tôn trọng bản quyền báo chí, ông Lê Quốc Vinh nói
Cơ quan này sẽ được trang bị công cụ công nghệ, tự động giám sát và phát hiện mọi vi phạm bản quyền, từ đó có các quyết định xử phạt hoặc yêu cầu thanh toán phí bản quyền theo một barem quy định.
Như vậy, thay vì cấm đoán việc sao chép lậu, trung tâm bảo vệ bản quyền báo chí sẽ thu phí các sản phẩm báo chí bị sao chép, đương nhiên cao hơn so với việc mua bản quyền trực tiếp.
Phí bản quyền thu được sẽ được trả 50% cho cơ quan báo chí bị sao chép, và 50% dùng để duy trì hoạt động của trung tâm. Trung tâm này hoạt động phi lợi nhuận, và vì mục đích bảo vệ quyền lợi cho các cơ quan báo chí là thành viên.
Chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan quản lý báo chí thu hồi giấy phép hoặc hạn chế xuất bản đối với các website và các nền tảng truyền thông không chấp thuận tham gia bảo hộ bản quyền và tôn trọng bản quyền.
Bằng việc từ chối tham gia, mặc nhiên họ bị coi là có mục đích xâm phạm bản quyền, và nếu bị Trung tâm Bảo vệ Bản quyền Báo chí phát hiện vi phạm thì phải bị xử lý hành chính hoặc đưa ra toà dân sự.
Chúng tôi gọi đây là cuộc chiến bản quyền giữa những cơ quan báo chí và những người làm báo trung thực, chuyên nghiệp, với những kẻ lợi dụng, ăn cắp bản quyền.
Đây không còn là những tranh chấp lặt vặt kiểu “đạo báo” đơn giản. Sự tồn tại của các cơ quan báo chí và truyền thông nằm ở việc chúng ta có bảo vệ được bản quyền các sản phẩm sáng tạo của chúng ta hay không.
Cuộc chiến này sẽ không bao giờ thắng được, nếu chỉ có một tạp chí Đẹp, một VietnamPlus, một Le Media hay một Thời báo Kinh tế Saigon.
Cuộc chiến này chỉ có thể thắng được nếu tất cả các quý vị lãnh đạo các cơ quan truyền thông hiểu rõ tương lai của quý vị phụ thuộc vào việc chúng ta có đồng lòng nhất trí đứng về một phía hay không.
Cuộc chiến này cũng chỉ có thể thắng được, nếu cơ quan quản lý báo chí và các cơ quan nhà nước liên quan có những hành động quyết liệt như các gợi ý trên đây.
Trở lại câu hỏi nêu ra từ đầu bài phát biểu này: Bản quyền báo chí có bảo vệ được không? Tôi xin trả lời rằng: “Được”, với rất nhiều chữ “nếu”.
Vấn đề là chúng ta có chuyển những chữ “nếu” đó thành hành động hay không, hay là chỉ là một tiếng kêu cứu lạc lõng như mỗi lần chúng ta tổ chức các hội nghị tương tự trước đây.

Không có nhận xét nào: