Pages

Thứ Năm, 15 tháng 1, 2015

Kiều hối giúp nền tài chính trụ vững

(Tài chính) - Phải coi kiều hối là nguồn tài chính rất hùng hậu có thể giúp nền kinh tế phát triển thông qua kênh kinh tế dân doanh của mỗi hộ gia đình....

CIEM vừa công bố kết quả “Nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Theo đó, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1991 – 2013 đạt trên 80,38 tỉ USD. Dự kiến hết năm 2014 nhận thêm hơn 11 tỉ USD, nâng tổng lượng kiều hối đã nhận trong 14 năm vượt mức 90 tỉ USD.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng con số này thực tế còn lớn hơn rất nhiều lần thống kê.

Đất Việt xin đăng tải bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của chuyên gia Bùi Kiến Thành.

http://tinnhanhchungkhoan.vn/images/upload/Image/Thang%2012.2013/2013122511702.jpg

Kiều hối về Việt Nam thật sự là bao nhiêu?

Thứ nhất, số liệu CIEM công bố chỉ là số lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong khoảng chục năm trở lại đây. Nói đến kiều hối phải tính từ khoảng hơn 30 năm về trước, lượng kiều hối từ nhiều nước khác vẫn chảy về Việt Nam chứ không riêng gì Mỹ.

Nếu tổng kết lượng kiều hối kể từ thời kỳ đó, kể cả kiều hối gửi về theo kênh không chính thức, quà gửi, thuốc men…trong thời kỳ bị Mỹ cấm vận, con số này còn lớn hơn gấp nhiều lần con số 90 tỷ USD như báo cáo; cao hơn tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ hai, đó là loại kiều hối không tính ra bằng tiền, là tiềm năng của cộng đồng Việt kiều trong việc thu hút đầu tư nước ngoài thì chưa được nghiên cứu.

Ví dụ điển hình là việc Intel quyết định lựa chọn xây dựng nhà máy tại Việt Nam thay vì Ấn Độ là nơi sản xuất tới 80% bộ vi xử lý Haswel của Intel để cung cấp cho thị trường toàn cầu với tổng vốn 1 tỷ USD. Một viên chức cao cấp Việt Kiều của Intel đã phải dùng tất cả kinh nghiệm, kiến thức, quan hệ để đạt được kết quả này.

Đây cũng là một loại kiều hối, nhưng là kiều hối không quy ra tiền, kiều hối ảnh hưởng của một Việt kiều với một tập đoàn kinh tế lớn. Loại kiều hối này chưa thật sự được nghiên cứu, đánh giá đúng tiềm năng trong việc thu hút đầu tư vốn nước ngoài vào Việt Nam.

Kiều hối duy trì sức sống nền kinh tế

Tại TP.HCM hiện đang có một Hiệp hội khởi nghiệp, tiền thân của hiệp hội này là hàng trăm, nghìn doanh nghiệp tư nhân, dân doanh được thành lập từ nguồn kiều hối của kiều bào nước ngoài gửi về viện trợ cho bà con trong nước suốt nhiều thập kỷ qua.

Nguồn tiền này khác hẳn với tiền ODA hay FDI của nước ngoài vào Việt Nam. Nếu so sánh về bản chất, vai trò là hoàn toàn khác nhau. Đây là số tiền của bà con ở nước ngoài, bà con đi lao động ở nước ngoài gửi về… đó là nguồn tiền không hoàn lại. Trong khi đó, ODA không phải là khoản tiền cho không, biếu không, mà là cho vay dài hạn, còn FDI là đầu tư nhằm mục đích kinh doanh, kiếm lời, và cuối cùng sẽ chuyển trả trở về nước ngoài.

Chẳng những thế mà để thu hút nguồn vốn FDI nhà nước phải trả bằng quá nhiều ưu đãi, doanh nghiệp FDI được hưởng mức thuế thấp, được miển thuế, giảm thuế v.v, được cấp đất, rồi miển tiền thuê đất trong nhiều khu công nghiệp trong 5 năm, 10 năm, thậm chí có nơi lên đến 15 năm…Việt Nam chỉ nhận được phần gia công, và ô nhiễm môi trường…

Vậy mà chúng ta đã đối xử với kiều hối và tiền đầu tư nước ngoài như thế nào? Với các nguồn đầu tư nước ngoài, Việt Nam luôn trải thảm đỏ, có chính sách khuyến khích, ưu đãi kịch trần như Samsung, Formosa… Với ODA mỗi năm Việt Nam họp lại 2 lần, rất trịnh trọng báo cáo những thành tựu với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, với các quốc gia cho Việt Nam vay. Còn đối với kiều hối, một lời cảm ơn cũng chưa có.

So sánh ở khía cạnh khác, giả sử coi kiều bào Việt Nam ở nước ngoài như là một “doanh nghiệp”, Nếu 12 tỷ USD kiều hối chuyển về mỗi năm là lợi nhuận sau thuế thì doanh thu phải là bao nhiêu? Giả dụ tỷ lệ lợi nhuận sau thuế là 10% thì doanh thu sẽ là 120 tỷ USD gần bằng GDP của cả nước với 90 triệu dân Việt Nam.

Và nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư “ICOR” là 5 USD để tạo ra 1 USD sản phẩm, thì phải cần tới 600 tỷ USD đầu tư mới tạo ra được 12 tỷ USD lợi nhuận để gửi về. Bằng bao nhiêu lần tổng mức vốn đầu tư trong nước và nước ngoài năm 2014?

Ở khía cạnh dự trữ ngoại hối thì sao? Theo báo cáo gần nhất của Ngân hàng Nhà nước dự trữ của ta bây giờ là 35-36 tỷ đô, nếu không có 100 tỷ đô la kia về thì dự trữ ngoại tệ là âm 65 tỷ USD. Một nước mà nếu có tổng số dự trữ âm như thế thì đối với thế giới hệ số tín nhiệm tài chính của mình sẽ ra sao? Có thể nói đó là nền tài chính phá sản, mất khả năng thanh toán.

Vậy thì phải đặt ra câu hỏi, nếu không có kiều hối gửi về từ 30 năm nay thì tình hình nền kinh tế Việt Nam sẽ ở đâu? chỉ giống như Cuba bây giờ? Tức là không có vốn để khởi nghiệp, không có nền kinh tế thị trường, không có khả năng hội nhập.

Giải pháp

Mặc dù nguồn kiều hối lớn như vậy, nhưng hỏi kiều hối đã phát huy hiệu quả tốt nhất hay chưa?. Vậy có nên quản lý kiều hối thành một hệ thống hay không? Đây là câu hỏi phải hết sức thận trọng và phải tính toán cẩn thận.

Trước hết, phải có chính sách với người nhận được kiều hối, phải tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ họ đầu tư, sử dụng nguồn tiền tiết kiệm nhàn rỗi đó ra sao. Nói rộng ra là phải có chính sách phát triển ngành kinh tế dân doanh trong nước, trong đó có nguồn vốn từ kiều hối gửi về. Như vậy, kiều hối gửi về sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn.

Hiện nay, chúng ta chưa thật sự có được chính sách khuyến khích, ủng hộ phát triển doanh nghiệp dân doanh. Khu vực doanh nghiệp tư nhân còn bị chèn ép, gây khó khăn, DNNN vẫn được xem là con cưng, là chủ đạo.

Phải coi kiều hối là nguồn tài chính rất hùng hậu có thể giúp nền kinh tế phát triển thông qua kênh kinh tế dân doanh của mỗi hộ gia đình. Từ đây, phải có một ý niệm rõ ràng về vai trò, đóng góp của kiểu hối với nền kinh tế từ khi khởi thủy đến bây giờ.

Và nên có chính sách đặc biệt thu hút và vận dụng kiều hối vào phát triển kinh tế. Tức là phải có chính sách ưu đãi đối với kiều hối không kém hơn đối với đầu tư nước ngoài FDI, đồng thời phải có chính sách ứng xử với Việt kiều như thế nào cho phù hợp, tạo được lòng tin.

Chuyên gia Bùi Kiến Thành

(Đất Việt)

Không có nhận xét nào: