Pages

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

RFS: Thảm kịch Charlie Hebdo là tấn công nhắm vào nền dân chủ

Thanh Trúc, phóng viên RFA

prehome-charlie-en-622.jpg

Hình ảnh minh họa.
RSF PHOTO



Sau vụ thảm sát nhắm vào tuần báo Charlie Hebdo ở Paris, mà mọi người tin là do các phần tử Hồi Giáo cực đoan thực hiện hôm thứ Tư 7 tây khiến 12 người thiệt mạng, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới tại Pháp bày tỏ sự thương tiếc những người bị giết hại, đồng thời mạnh mẽ lên án đây là vụ tấn công nhắm vào nền dân chủ và nền tự do báo chí của nước Pháp cũng như của thế giới.

Thể hiện quyền tự do ngôn luận

Trả lời Thanh Trúc từ Paris, bà Claire San Silippo, giám đốc phòng Châu Mỹ trong Reporteurs Sans Frontieres, khẳng định:
Claire San Silippo: Chuyện xảy ra hôm thứ Tư rõ ràng là một thảm kịch khủng khiếp chưa từng thấy, những ác thủ với súng máy hạng nặng ngang nhiên bắn giết giữa trung tâm Paris. Quả thật đó là cơn ác mộng.
Phóng Viên Không Biên Giới ngưỡng mộ lòng quả cảm của những người muốn chứng tỏ rằng tự do báo chí là một trong những nền tảng và giá trị quan trọng của truyền thông và của dân chủ trên thế giới ngày nay mà họ có quyền theo đuổi.
-Bà Claire San Silippo
Là một trong những tổ chức quốc tế, Phóng Viên Không Biên Giới từng nhìn thấy những cảnh bắn giết, tấn công nhắm vào giới truyền thông như đã xảy ra tại Iraq, Pakistan, Somalia, Philippines… Nhưng một chuyện như thế xảy ra ngay giữa lòng ở Paris thì thật không tưởng tượng nỗi, không thể tin nỗi. Cảm giác sửng sốt, bàng hoàng trước cái chết của những người chúng tôi gọi là đồng nghiệp, sự đau xót khi nghĩ đến thân nhân gia đình những người xấu số cứ như đọng lại trong lòng người dân Pháp, trong lòng các phóng viên người Pháp nói riêng và báo giới trên toàn cầu nói chung.
Thanh Trúc: Phóng Viên Không Biên Giới RSF thấy gì qua vụ thảm sát tại Charlie Hebdo vốn chỉ là một tuần báo nhỏ so với những nhật báo lớn khác của Pháp?
Claire San Silippo: Trước hết Charlie là một tuần báo trào phúng khá nổi tiếng đã góp mặt vào làng báo nước Pháp mấy chục năm qua. Với những cây bút hoạt họa tài tình, Charlie chọc cười độc giả khi đưa ra những tranh vẽ và tin tức trào lộng, châm biếm về tất cả mọi người và mọi khía cạnh trong cuộc sống. Đó là hình thức của tự do ngôn luận, tự do báo chí dù như hình thức đó nhiều lần mang lại phiền phức cho Charlie.
Trong quá khứ, tòa soạn của tuần báo Charlie từng bị đốt phá, điển hình như năm 2011 sau khi đăng lại hình vẽ có ý châm biếm giáo chủ Mohamed của đạo Hồi do một phóng viên nước ngoài thực hiện mà đã gây phẩn nộ tại các quốc gia Hồi giáo. Công việc của Charlie Hebdo thực tế không có gì ngoài thể hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Điểm đáng nói ở đây là ban biên tập của Charlie đã k hông lùi bước không sợ hãi trước những lời đe dọa của những kẻ nhân danh lý tưởng và niềm tin để bịt miệng những tiếng nói trung thực từ mọi giới mà báo chí có bổn phận phải nêu lên. Phóng Viên Không Biên Giới ngưỡng mộ lòng quả cảm của những người muốn chứng tỏ rằng tự do báo chí là một trong những nền tảng và giá trị quan trọng của truyền thông và của dân chủ trên thế giới ngày nay mà họ có quyền theo đuổi.

Chúng ta đứng về phía Charlie

Thanh Trúc: Phóng Viên Không Biên Giới nghĩ sao về phản ứng hoặc cáo buộc mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo thế giới cũng như từ những tổ chức báo chí hay nhân quyền quốc tế. Những bình luận đó có trung thực không?

000_Par8069566-400.jpg
Cảnh sát Pháp truy lùng các phần tử Hồi Giáo cực đoan thực hiện vụ thảm sát nhắm vào tuần báo Charlie Hebdo ở Paris. Ảnh chụp hôm 9/1/2015 tại Dammartin-en-Goele. AFP PHOTO.
Claire San Silippo: Theo tôi nước Pháp và người Pháp, trong lúc đau buồn vì vụ thảm sát, vẫn cảm thấy được an ủi trước những bình luận cứng rắn như vậy từ các vị nguyên thủ thế giới.
Quá nhiều tiếng nói từ báo giới năm châu gởi về nước Pháp, gởi về cho Charlie Hebdo. Cảm tưởng mà họ bày tỏ là hình như chính nền báo chí tự do bị tấn công, bị chết thảm bởi khủng bố.
Trong nhiều năm qua Phóng Viên Không Biên Giới nhận thấy bạo lực và giết hại là phương tiện được sử dụng để tiêu diệt tự do báo chí. Đó cũng là hành động chống lại dân chủ, thí dụ như hành động cắt cổ những nhà báo Mỹ chẳng hạn, nhưng qua vụ thảm sát Charlie Hebdo thì mức độ đe dọa báo chí trở nên khủng khiếp và đáng ngại hơn bao giờ hết. Dù chưa biết các sát thủ thuộc tổ chức nào nhưng hy vọng cảnh sát lần ra manh mối và mang chúng ra trước công lý. Có như vậy thì phóng viên khắp nơi mới cảm thấy mình được bảo vệ khi tác nghiệp cũng như khi tường trình những gì thuộc về dân chủ và truyền thông đúng theo trách nhiệm của mình.
Thanh Trúc: Theo tin từ Charlie Hebdo thì bất kể vụ tấn công đẫm máu và chết người hôm thứ Tư, số báo tuần tới vẫn ra đúng kỳ, Phóng Viên Không Biên Giới nghĩ sao về chuyện này?
Claire San Silippo: Đó là lời hứa thật can đảm và rất đáng ngưỡng mộ mà báo giới dành cho đồng nghiệp của họ ở Charlie Hebdo. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ban biên tập còn lại sẽ vượt qua khó khăn tang tóc hầu tiếp tục công việc. Số phát hành tuần tới chắc chắn gây nhiều cảm xúc mà khó có ngôn từ nào diễn tả nỗi, thế nhưng quan trọng nhất là Charlie vẫn sống, Charlie vẫn tiếp tục và chúng ta đứng về phía Charlie.
Thanh Trúc: Sau cùng, thưa bà San Silippo, Phóng Viên Không Biên Giới có thể làm điều gì gì cụ thể trong việc ủy lạo gia đình các nhà báo Charlie Hebdo bị bắn chết?
Claire San Silippo: Dù đã nói rồi song Phóng Viên Không Biên Giới cũng một lần nữa qua quí đài để bày tỏ sự đau buồn sâu sắc đến cha mẹ, anh em, vợ con và bạn bè của những nhà báo bị giết hại.
Phóng Viên Không Biên Giới sãn lòng hỗ trợ một cách cụ thể qua một quĩ tương trợ nạn nhân Charlie Hebdo đang được tiến hành. Phóng Viên Không Biên Giới cam kết tiếp tục nêu cao tinh thần quả cảm của Charlie, tiếp tục lên tiếng đòi quyền tự do báo chí, tự do phát biểu, tiếp tục tranh đấu để ký giả khắp nơi được bảo vệ hữu hiệu trong khi tác nghiệp.
Thanh Trúc: Xin cảm ơn bà Claire San Silippo
.

Không có nhận xét nào: