Pages

Chủ Nhật, 1 tháng 2, 2015

Căn nguyên và phương thuốc chữa tham nhũng

Tác giả: Gary S. Becker
Người dịch: Nguyễn Huy Hoàng
01-02-2015
Trong những năm gần đây, các cáo buộc tham nhũng trong giới quan chức đã lật đổ hay làm suy yếu đáng kể chính phủ nhiều nước, và làm giảm sự ủng hộ của công chúng đối với quá trình chuyển đổi từ chủ nghĩa cộng sản ở nhiều quốc gia thuộc đế chế Xô-viết cũ. Không cách nào loại bỏ được hoàn toàn hành vi tham nhũng, nhưng một số bước nhất định chắc chắn sẽ giúp giảm bớt những cám dỗ.

Các quan chức chính phủ dù được bầu hay đề cử đôi khi cũng phản bội lại lòng tin của công chúng khi họ cấu kết với các công ty và đoàn thể thông qua các quy định về hoạt động kinh doanh và thị trường lao động, và thông qua việc chính phủ mua bán hàng hóa và dịch vụ. Cám dỗ nảy sinh là bởi những giao dịch như thế thường có giá trị gấp nhiều lần mức lương của các quan chức chính phủ. Những vụ bê bối quy mô lớn tiếp diễn ở Mexico, Colombia, Cuba, Panama và nhiều nơi ở châu Á có liên quan đến những khoản đút lót từ tay các băng đảng và đầu nậu phân phối ma túy khác. Nhưng đa số các trường hợp tham nhũng lại liên quan đến các khoản hối lộ hay đút lót cho quan chức để giành được những hợp đồng từ chính phủ, để những đạo luật tránh cạnh tranh được thông qua, để có những khoản vay được ưu đãi, hoặc để tránh phải thực hiện các quy định về môi trường cùng nhiều khoản tốn kém khác.
Với những quy định không hiệu quả của chính phủ cùng sự quản lý nhà nước yếu kém bao quát các ngân hàng và doanh nghiệp khác, các quan chức tham nhũng vô tình có thể phục vụ cho một chức năng hữu ích thông qua việc cắt giảm các quyết định công chuyên quyền, cũng như giúp giới thương nhân và những người khác tránh được các điều luật và quy định bất lợi. Nhưng tham nhũng tràn lan trong giới quan chức sẽ khiến mọi quan chức chính phủ đều bị mất lòng tin và ngăn cản những người trung thực và có năng lực làm việc cho chính phủ. Nó cũng khiến các doanh nhân tài ba có xu hướng tiếp cận quyền lực chính phủ thay vì tham gia vào các hoạt động sản xuất trực tiếp.
Cách duy nhất để vĩnh viễn giảm thiểu tham nhũng là dứt khoát hạn chế vai trò của chính phủ trong nền kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là loại bỏ hàng ngàn quy định tủn mủn phiền toái và các điều luật trên sách vở ở hầu hết các nước, vốn gây hại nhiều hơn là có lợi, những thứ khuyến khích hối lộ và cố gắng gây ảnh hưởng không tốt lên các quan chức chính phủ. Trên thực tế, các vụ bê bối tham nhũng đã thúc đẩy các phong trào bãi quy (deregulation) ở cả Hàn Quốc và Nhật Bản.
Thật không may, việc cắt giảm số lượng và bãi bỏ hiệu lực của những điều luật và quy định không mong muốn một cách đáng kể là hầu như bất khả thi về mặt chính trị. Tuy nhiên, những cải cách khả dĩ ít quyết liệt hơn cũng có thể làm giảm tỉ lệ tham nhũng. Quan chức chính phủ nói chung được trả công rất thấp, đặc biệt là ở châu Mỹ Latin và châu Phi. Ngay cả ở châu Âu và Hoa Kỳ, các quan chức cấp cao thường có thu nhập ít hơn nhiều so với những người có kỹ năng và nhiệm vụ tương đương trong khu vực tư nhân. Ở mọi quốc gia, nhiều quan chức chính phủ rất tận tâm và hoàn toàn trung thực, nhưng mức lương thấp lại thu hút nhiều con sâu sẵn sàng làm rầu nồi canh bằng cách nâng cao thu nhập của chúng qua việc nhận hối lộ và dính líu đến những hành vi tham nhũng khác. Ngay cả một số quan chức trung thực cũng có thể bị vỡ mộng và đầu hàng trước nhiều cám dỗ, sẵn sàng lợi dụng các phương tiện bất hợp pháp để nâng cao thu nhập đến mức họ cho là phù hợp hơn với nhiệm vụ và kỹ năng của mình.
Nhiều năm trước, nhà kinh tế quá cố George Stigler và tôi có xuất bản một bài viết trong đó có đề xuất một phương pháp để hạn chế những hành động phi pháp giữa các nhân viên chính phủ. Một trong những điều mà chúng tôi đề nghị là các quan chức đảm nhận những vị trí quan trọng và dễ bị tổn thương nên được nhận mức lương cao hơn thay vì thấp hơn so với những người lao động tương đương trong khu vực tư nhân. Mức thu nhập lớn sẽ hạn chế hành động phi pháp bằng cách tạo ra một chi phí kinh tế ngầm đáng kể đối với hành vi tham nhũng. Những cán bộ bị đuổi việc vì bị phát hiện mình đã nhận hối lộ hoặc các khoản thanh toán bất hợp pháp khác tự khắc sẽ bị trừng phạt bằng cách mất đi lợi thế thu nhập của họ.
Có tài liệu cho rằng các phán quan thời phong kiến Trung Hoa được hưởng phụ cấp để “tưởng lệ tính thanh liêm.” Cả Singapore và Hồng Kông ngày nay đều tiếp tục truyền thống phương Đông cổ đại này bằng cách trả lương hậu hĩnh cho công chức để hạn chế những hành động phi pháp. Những nền kinh tế này không chỉ phát triển nhanh chóng mà còn xếp hạng rất thấp khi so sánh mức độ phổ biến tham nhũng giữa các quốc gia.
Dù Singapore hay Hồng Kông đều không là nền dân chủ, các cuộc bầu cử và nền dân chủ thường xuyên giúp hạn chế hành động phi pháp bởi các cử tri có thể phế truất chính quyền tham nhũng. Đôi khi các chính quyền toàn trị có vẻ xuất hiện rất ít tham nhũng nhưng điều đó chỉ đơn giản là do một nền báo chí bị kiểm soát và độc đảng chính trị hiếm khi cố gắng điều tra và công khai những hành động phi pháp của các quan chức chính phủ. Ở các nước như Hàn Quốc, chỉ khi có một nền tự do báo chí và các cuộc bầu cử thì tham nhũng mới nổi lên như một vấn đề chính trị.
Trong những thập niên qua, các vụ bê bối tham nhũng đã giúp đánh bại nhiều chính trị gia máu mặt ở Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Mexico, Ecuador, và Nhật Bản. Không phải ngẫu nhiên mà ở các quốc gia này các đảng đối lập lại có thể dùng những cáo buộc tham nhũng để giành chiến thắng ấn tượng trước các đảng cầm quyền. Tham nhũng trong quan chức là phụ phẩm tất yếu của chính phủ lớn. Nhưng các quan chức sẽ ít có khả năng đầu hàng trước những cám dỗ phi pháp hơn nếu họ được trả lương hậu hĩnh và tỉ lệ thuận với trách nhiệm và cơ hội của họ đối với những hành động bất hợp pháp.
Gary S. Becker (1930-2014) nguyên là Giáo sư Kinh tế và Xã hội học tại Đại học Chicago. Ông được trao giải Nobel Kinh tế năm 1992.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Một CHÍNH THỂ ĐỘC (TÀI ,ĐẢNG )TỪ ĐÓ DẪN ĐẾN ĐỘC QUYỀN,BAO GIỜ THAM NHŨNG CŨNG PHÁT SINH MẠNH MẼ KHỐC LIỆT DAI DẲNG SỐ TIỀN LÊN ĐẾN HÀNG NGÀN TỈ NHƯ VINASIN VN ,TROG TƯ BẢN CŨNG CÓ NHƯNG KG ĐẾN NỔI CHUA CHÁT.