Pages

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

"Hồ sơ Biển Đông ở ASEAN": Việt Nam cần tranh thủ Malaysia

Các ngoại trưởng Asean trước hội nghị với ngoại trưởng Trung Quốc tại Naypyitaw ngày 9/8/2014.REUTERS/Soe Zeya Tun

Trong năm 2015 Malaysia lên làm chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á ASEAN. Vào lúc tình hình Biển Đông vẫn chưa hết căng thẳng do tranh chấp chủ quyền giữa 4 thành viên ASEAN - trong đó có Malaysia - với Trung Quốc, câu hỏi được giới quan sát đặt ra là Kuala Lumpur sẽ xử lý hồ sơ Biển Đông như thế nào trong bối cảnh Trung Quốc đã vươn lên thành đối tác kinh tế lớn nhất của Malaysia.

Bên cạnh đó, cũng có một câu hỏi khác liên quan đến Việt Nam, nước bị yêu sách Biển Đông của Trung Quốc gây hại nhiều nhất, đồng thời là đối tượng bị Bắc Kinh dùng sức mạnh chèn ép dữ dội trong năm 2014 với vụ hạ đặt giàn khoan HD-981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Giới quan sát đang tự hỏi là Việt Nam cần phải làm gì để tranh thủ sự kiện Malaysia - một bên tranh chấp ở Biển Đông - làm chủ tịch ASEAN, để thúc đẩy một giải pháp đa phương nhằm hạn chế được các hành vi lấn lướt của Trung Quốc.

Về câu hỏi thứ nhất, trước lúc Malaysia chính thức tiếp nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN từ tay Miến Điện vào tháng 11 năm ngoái 2014, đã có nhiều ý kiến quan ngại rằng Kuala Lumpur có thể tránh né hồ sơ Biển Đông để bớt đụng chạm Trung Quốc. Nguyên do gây quan ngại là khối giao dịch thương mại khổng lồ giữa hai nước, đã lên đến 88 tỷ đô la vào năm 2012, với chỉ tiêu đề ra là sẽ được nhân đôi từ nay đến năm 2017.

Tuy nhiên, như để phản bác dư luận quan ngại đó, ngày 28/01/2015, Malaysia đã mở đầu nhiệm kỳ chủ tịch của mình bằng cách tổ chức một cuộc họp kín – tiếng Anh gọi là retreat – của các ngoại trưởng ASEAN, trong đó vấn đề Biển Đông được cho là đã chiếm một nửa phần thảo luận về « những vấn đề khu vực và quốc tế ».

Theo ghi nhận của một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore trên nhật báo The Straits Times ngày 05/02/2015, bản thông cáo của Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman về cuộc họp, ngoài việc khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ Bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đúc kết các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), còn yêu cầu các bên tự kiềm chế trong các hoạt động và công việc cải tạo, bồi đắp địa hình ở Biển Đông.

Theo chuyên gia này : « Bản thông cáo đã được soạn thảo một cách khách quan mà không đổ lỗi hay quy kết bất kỳ bên nào. Tuy nhiên, việc nêu lên vấn đề cải tạo đất đai biểu thị rõ ràng lời phản đối của Philippines đối với công trình bồi đắp, xây dựng của Trung Quốc trên đá Gạc Ma (Johnson South Reef). »

Tóm lại, cuộc họp ngày hôm 28/01 cho thấy rằng Biển Đông sẽ là một trong những chủ đề quan trọng được Malaysia nêu lên trong nhiệm kỳ của mình, một yếu tố thuận lợi cho Việt Nam và Philippines, hai nước đang là đối tượng bị Trung Quốc công kích.

Để tìm hiểu thêm về quan điểm Biển Đông của Malaysia, những gì mà nước này có thể thực hiện trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2015, và những điều Việt Nam có thể làm để thuyết phục Malaysia thúc đẩy thêm hồ sơ Biển Đông, RFI đã đặt câu hỏi với nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, một người theo dõi sát tình hình ASEAN và Biển Đông.

Quan điểm của Malaysia về Biển Đông : Không khấu đầu trước Trung Quốc

Có nhiều yếu tố chi phối chính sách Biển Đông của Malaysia. Nước này chia sẻ quan điểm chung của toàn khối ASEAN, muốn có một khu vực an ninh, ổn định, nếu có mâu thuẫn thì giải quyết bằng phương tiện thương thuyết hòa bình, bảo đảm quyền tự do hàng hải...

Tuy nhiên Malaysia cũng có thể e ngại phản ứng từ phía Trung Quốc, vì nước này là cường quốc kinh tế đồng thời là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia. Nhưng theo tôi nghĩ, điều đó không có nghĩa là Malaysia sẽ yếu trước áp lực của Trung Quốc bởi vì Malaysia theo đuổi một chính sách ngoại giao tương đối độc lập, độc lập hơn Việt Nam...

Malaysia cũng như một vài quốc gia khác trong ASEAN theo đuổi mạnh mẽ vấn đề hợp tác kinh tế với Trung Quốc để phát triển kinh tế của chính nước mình, nhưng đồng thời cũng phát triển hợp tác an ninh và quốc phòng chặt chẽ hơn là Việt Nam, với các quốc gia dân chủ phương Tây, nhất là với Hoa Kỳ.

Một cách tổng quát, trong vai trò chủ tịch ASEAN năm 2015, Malaysia sẽ đi theo con đường gần gũi với Indonesia năm 2011 hơn là với Cam Bốt năm 2012.

Malaysia mở đầu nhiệm kỳ chủ tịch với một cuộc họp Ngoại trưởng ASEAN có bàn về Biển Đông

Đây là một cuộc họp kín, nên nội dung không được chính thức tiết lộ. Nhưng theo Ngoại trưởng Singapore, được báo chí địa phương, đặc biệt là tờ The Straits Times đăng tải, thì về Biển Đông, Malaysia đã cố gắng thúc đẩy tiến trình thương thuyết với Trung Quốc, để chuyển từ bản Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) để tiến tới một văn kiện ràng buộc hơn là Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), vì ngày nào mà Trung Quốc và ASEAN không đạt được COC, thì Trung Quốc vẫn không tuân thủ các nguyên tắc mà họ đã đồng ý trong DOC.

Điểm thứ hai là trong cuộc họp đó, các Ngoại trưởng ASEAN đã ủy thác cho Thái Lan, trong tư cách là quốc gia phối hợp giữa ASEAN và Trung Quốc, nhiệm vụ đẩy mạnh tiến trình thương thuyết COC.

Điểm quan trọng cần nhắc là liên hệ giữa Thái Lan và Trung Quốc hiện đang rất tốt đẹp. Sau cuộc đảo chánh, chế độ quân sự đã được tái lập tại Bangkok, trong khi Hoa Kỳ đang gặp những khó khăn về nhân quyền và tự do dân chủ ở Thái Lan, Trung Quốc vốn không để ý đến những vấn đề đó, đã đẩy mạnh quan hệ hợp tác với Thái Lan, và nước này đang ở trong tình trạng rất gần gụi với Trung Quốc.

Cho nên, Thái Lan có thể đóng được vai trò tích cực trong việc thu xếp với Trung Quốc để tiến tới một thỏa hiệp về một bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông.

Tôi cũng xin nói thêm là vai trò quốc gia phối hợp với Trung Quốc của Thái Lan sẽ chấm dứt vào tháng 08/2015, và sau đó đến lượt Singapore, và Singapore là cũng là một quốc gia " tinh khôn " theo nghĩa là có chính sách rất thân thiết với Trung Quốc về phương diện kinh tế, tài chánh, nhưng lại rất thân thiện, gần gụi với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ Tây phương khác.

Do đó, dù ASEAN không có một lập trường thuần nhất về Biển Đông, nhưng nếu trong cốt lõi mà Malaysia và Singapore tiếp tục chính sách như hiện nay, một mặt giữ bang giao tốt đẹp với Trung Quốc về kinh tế, một mặt khác thắt chặt hợp tác về an ninh và quốc phòng với Hoa Kỳ, thì không có lý do gì mà Malaysia không tìm đủ mọi cách chống đỡ phần nào các áp lực từ Trung Quốc, và bảo vệ quyền lợi của chính mình vì Malaysia cũng là một bên tranh chấp tại Biển Đông.

Malaysia đã nhìn thấy mối đe dọa của Trung Quốc về an ninh và quốc phòng, nên trước hết phải bảo vệ quyền lợi của chính mình, rồi sau đó là quyền lợi của các nước hội viên ASEAN như Việt Nam hay là Philippines. Không phải là Malaysia tranh đấu vì quyền lợi của Việt Nam hay Philippines, nhưng từ năm 2009, Malaysia đã chia sẻ cái nhìn chiến lược của Việt Nam và Philippines về sự đe dọa của Trung Quốc.

Malaysia sẽ cố sức giữ cho Biển Đông ổn định nhưng vấn đề lại tùy thuộc vào Trung Quốc

Malaysia có thể tiếp tục phương thức mà Indonesia và Miến Điện đã theo đuổi, tức là đóng vai trò trung gian, làm thế nào tạo được môi trường đối thoại để Biển Đông bớt căng thẳng, đồng thời kết thúc việc đàm phán về COC với Trung Quốc.

Malaysia sẽ không để cho tình hình căng thẳng trở lại, nhưng điều này tùy thuộc vào Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Trung Quốc từ nay đến cuối năm, hoặc qua đầu năm 2016, có lẽ sẽ theo đuổi một chính sách tương đối « hòa dịu », nhưng trong cốt lõi vẫn là như cũ, tức là sử dụng chiến lược « tằm ăn dâu », để càng ngày càng lấn áp các nước như Việt Nam và Philippines, nghĩa là tiếp tục xây dựng các đảo mới, tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng để có thể sử dụng về phương diện chiến lược, quân sự. Tôi không nghĩ là Trung Quốc sẽ dừng lại.

Đề nghị của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tại Miến Điện đã bị ASEAN bỏ rơi, không cứu xét, một phần cũng vì sự chống đối của Trung Quốc.

Nói một cách cụ thể, Malaysia sẽ làm hết sức để gìn giữ tình trạng ổn định, tương đối hòa bình, tạo điều kiện để bớt căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp thuộc tổ chức ASEAN.

Nếu Malaysia đạt được điều này, thì đây là một việc quan trọng vì vào năm 2016, quốc gia lên lên làm chủ tịch ASEAN sẽ là Lào, mà Lào cũng như Cam Bốt, đã trở thành hai quốc gia nhận rất nhiều viện trợ và chịu áp lực mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Do đó, nếu trong năm 2015 mà Malaysia không đạt được hai mục tiêu theo đuổi, thứ nhất là trên vấn đề Biển Đông, và thứ hai là đạt thỏa hiệp để ASEAN trở thành một thị trường chung, thì đến năm 2016, chúng ta sẽ thấy là tổ chức ASEAN bị thụt lùi, như trong thời kỳ năm 2012, khi Cam Bốt làm chủ tịch.

Quan hệ song phương Việt Nam-Malaysia : Tiền lệ tốt về Biển Đông

Một góc cạnh rất quan trọng trong bang giao song phương giữa Malaysia và Việt Nam : Ngày 07/05/2009, hai chính phủ đã đệ nạp một submission (đề xuất) chung trong vấn đề thềm lục địa chiếu theo Công ước quốc tế về Luật Biển, và tuy rằng chưa chính thức dàn xếp hay đồng ý về việc phân định thềm lục địa, hai bên đã ký kết một thỏa hiệp vào năm 1992 để cùng khai thác tài nguyên trong vùng.

Đó là yếu tố rất tích cực, nhưng trong bang giao song phương cũng có một yếu tố tiêu cực. Malaysia cũng có tranh chấp với Việt Nam tại Biển Đông : Malaysia đã chiếm một đảo và khoảng một chục bãi đá tại vùng Trường Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền.

Tuy nhiên tranh chấp này đang tương đối bất động, nghĩa là hai bên không dùng quân lực hay áp lực quân sự để thay đổi nguyên trạng. Hai bên có tranh chấp ở Trường Sa, nhưng đó không phải là tranh chấp nóng, trong lúc tranh chấp với Trung Quốc lại là tranh chấp nóng, theo nghĩa là Trung Quốc ngày càng lấn át, không những đối với Việt Nam, mà cả đối với Malaysia và Philippines.

Đây cũng là cơ hội mà Việt Nam có thể phát triển một cách chặt chẽ hơn bang giao song phương với Malaysia, đặt trên cơ sở hợp tác giữa hai nước về vấn đề thềm lục địa, và trên cơ sở cùng đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Nhưng không nên quên rằng Malaysia luôn hành xử theo quyền lợi quốc gia của họ, trên phương diện kinh tế thì thân thiết với Trung Quốc, còn trên phương diện an ninh, quốc phòng thì phát triển hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ.

Đấy là tình trạng mà theo tôi, tốt đẹp hơn so với Việt Nam hiện giờ, (trong quan hệ với Trung Quốc) đang vấp phải vấn đề " sông liền sông, núi liền núi" , bang giao giữ hai nước không chỉ giữa hai chính phủ, theo công pháp quốc tế, mà còn giữa hai đảng, vấp phải các khó khăn trong vấn đề " 16 chữ vàng ", " 4 tốt ", và đặc biệt trong chính sách quốc phòng " 3 không ".

Chính sách quốc phòng " 3 không " hoàn toàn thuận lợi cho Trung Quốc theo nghĩa bảo vệ quyền lợi chiến lược của Trung Quốc hơn là của Việt Nam. Vì lý do đó mà sự phát triển quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc hay với Ấn Độ, tương đối gặp nhiều khó khăn hơn, trong khi đó thì Malaysia có một chính sách rất độc lập, và phát triển hợp tác an ninh và quốc phòng với các quốc gia dân chủ một cách dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Trọng Nghĩa

(RFI)

Không có nhận xét nào: