Pages

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2015

Khủng hoảng Biển Đông trầm trọng hơn và nguy hiểm hơn người ta tưởng

Hải quân Hoa Kỳ chính là cứu cánh của các quốc gia có tranh chấp với TQ. Tuy dựa vào Hoa Kỳ nhưng trên thực tế, các quốc gia này vẫn sẽ duy trì vị trí trung lập trong tranh chấp của Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển quốc tế. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Hoa Kỳ là rất cần thiết để cân bằng cán cân vũ trang trên Biển Đông. Chỉ cần một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ rút ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ khiến cục diện thay đổi.
  
Năm quốc gia cùng tuyên bố chủ quyền trên một số phần của quần đảo Trường Sa. Photo Courtesy: http://amti.csis.org/atlas/
 
Cali Today News - Biển Đông vốn đóng vai trò là đường huyết mạch nối liền giữa Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - là điểm giao nhau của các tuyến đường biển trên toàn cầu. Hàng năm có đến hơn một nửa lượng hàng hoá của các đội tàu buôn lớn trên thế giới được chuyển qua con đường này. Đó là chưa kể đến 1/3 giao thông hàng hải trên thế giới sử dụng Biển Đông như một con đường chính yếu. 
 
Dầu được vận chuyển qua eo biển Malacca từ Ấn Độ Dương, trên đường đến Đông Á cũng phải đi qua Biển Đông. Mỗi năm, lượng dầu vận chuyển qua Biển Đông nhiều gấp ba lần so với ở qua kênh đào Suez, và gấp 15 lần so với kênh đào Panama. 
 
Khoảng 2/3 nguồn cung cấp năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% của Nhật Bản và Đài Loan, 80% dầu thô nhập cảng của Trung Quốc đều phải đi qua Biển Đông. Trong khi Vịnh Ba Tư chỉ là một con đường để vận chuyển năng lượng thì Biển Đông lại là nơi tập trung lượng lớn năng lượng, hàng hoá, hoặc các nguyên vật liệu.
 
Ngoài vị trí trung tâm, Biển Đông còn cho thấy nó có nguồn dự trữ dầu khổng lồ, với khối lượng khoảng 7 tỷ thùng dầu thô và khoảng 900 nghìn tỷ feet khối khí đốt tự nhiên. Nhưng theo tính toán của phía Trung Quốc thì Biển Đông có thể mang lại đến 130 tỷ thùng dầu chứ không phải chỉ 7 tỷ thùng. Nếu tính toán này là chính xác thì Biển Đông sẽ trở thành nơi có trữ lượng dầu nhiều nhất so với bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, ngoại trừ Saudi Arabia. Thậm chí, một số nhà quan sát Trung Quốc đã gọi Biển Đông là Vịnh Ba Tư thứ hai. 
 
Và nếu thực sự trong lòng Biển Đông có trữ lượng dầu lớn như vậy, mối lo ngại của Trung Quốc về eo biển Malacca sẽ không còn nữa. Vì vốn phần lớn nhu cầu năng lượng của Trung Quốc phụ thuộc vào vùng Trung Đông, năng lượng được chuyển sang eo biển hẹp Malacca. 
 
Với niềm tin mạnh mẽ về trữ lượng dầu khổng lồ, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã đầu tư 20 tỷ Mỹ Kim cho các dự án thăm dò và khai thác dầu ở vùng biển này. Hiện Trung Quốc đang trong tình trạng tìm kiếm nguồn năng lượng mới một cách tuyệt vọng. Sản lượng dầu mỏ hiện tại của Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1.1% tổng sản lượng dầu thế giới. Nhưng lượng dầu tiêu thụ của người dân nước này lại lên đến 10% lượng dầu của toàn thế giới và trên 20% tất cả các loại năng lượng của thế giới.
 
Biển Đông trở thành điểm nóng tranh chấp không chỉ vì vị trí của nó hay trữ lượng dầu khổng lồ, mà còn vì tầm quan trọng chiến lược. Xung quanh vùng biển này có đến 200 hòn đảo, đá và rạn san hô lớn nhỏ, nhưng chỉ khoảng 30 trong số đó tồn tại vĩnh viễn trên mặt nước. Brunei từng tuyên bố một rạn san hô phía nam của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của họ. Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền ở ba hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Philippines cũng chẳng vừa khi cho hay tám hòn đảo thuộc quần đảo nói trên cùng với một phần quan trọng của Biển Đông thuộc chủ quyền của mình. Chưa hết, Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc cũng không ít lần khẳng định mình là chủ sở hữu của một số phần trên Biển Đông, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 
Vào giữa năm 2010, sóng gió thực sự nổi lên khi Trung Quốc gọi Biển Đông là nguồn lợi ích cốt lõi của nó. Bắc Kinh tuyên bố nó có chủ quyền ở phần lớn các khu vực trên Biển Đông, và đưa ra các bằng chứng là các tài liệu lịch sử. Một bản đồ có hình lưỡi bò trên Biển Đông được Bắc Kinh dùng làm vật chứng cho chủ quyền của mình. Đường lưỡi bò này bao quanh các nhóm đảo từ Hải Nam của Trung Quốc đến gần Singapre và Malaysia. Kết quả là tất cả các quốc gia ven biển, những quốc gia có lãnh thổ bị Trung Quốc cướp đi, dù ít hay nhiều cũng đã quay sang cậy dựa vào Hoa Kỳ để tìm lại công bằng. Hoa Kỳ trở thành một chỗ dựa vững chắc về cả ngoại giao và quân sự đối với các quốc gia nạn nhân của Trung Quốc. 
 
Những tuyên bố mâu thuẫn về các khu vực chủ quyền chồng lấn lên nhau ở khu vực Biển Đông càng trở nên nghiêm trọng hơn khi lượng năng lượng tiêu thụ của các nước đang phát triển ở châu Á ước tính sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Trong đó Trung Quốc chiếm hơn một nửa. 
 
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhu cầu hàng hải tăng cao chính là một sản phẩm tạo ra bởi nền kinh tế toàn cầu hoá. Nhưng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gây ra hỗn loạn tại một trong những tuyến đường huyết mạch hàng hải đã trở thành một mối quan tâm không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực châu Á, mà còn với các nước khác trên thế giới. Trung Quốc đang làm ảnh hưởng đến sự tự do thương mại và hàng hải toàn cầu. Nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang giữa tàu thuyền trong khu vực Biển Đông cũng trở nên cao hơn bao giờ hết. Một quan chức của một quốc gia ven Biển Đông đã từng nói trong năm 2011 rằng:
 
"Trung Quốc không bao giờ đưa ra lý lẽ trong những tuyên bố của mình. Bản chất của họ thực sự là một quốc gia thích xâm chiếm. Nhưng điều đáng nói ở đây là khi có quốc gia nào đó muốn đưa những tranh chấp ra toà án quốc tế, Trung Quốc sẽ quyết liệt từ chối tham dự đến cùng. Trung Quốc đã không công nhận quyền của chúng tôi trên chính vùng đất mà chúng tôi sở hữu. Nhưng chúng tôi sẽ không dễ bị khuất phục như Tây Tạng hay Tân Cương trước đây."
 
Cũng theo vị quan chức này, Trung Quốc đặc biệt tỏ ra cứng rắn đối với một số quốc gia như Philippines và Việt Nam, bởi vì đó là những quốc gia yếu thế nhất trong danh sách của Bắc Kinh. Trước đây Trung Quốc chưa dám manh động vì họ biết rõ họ vẫn chưa đủ mạnh. Một khi Trung Quốc lên tiếng thì có nghĩa rằng họ đã tính toán kĩ khả năng họ sẽ đi được bao xa trên con đường này. Trung Quốc ngày nay đã mạnh mẽ hơn rất nhiều cả về kinh tế lẫn chính trị. Khi căn cứ tàu ngầm dưới lòng đất của Trung Quốc ở đảo Hải Nam được hoàn thành, Trung Quốc sẽ có thể làm được nhiều hơn những gì mà họ muốn. 
 
Quan chức này còn cho biết thêm lực lượng Hải quân Hoa Kỳ chính là nguồn cứu cánh của các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc. Tuy dựa vào Hoa Kỳ nhưng trên thực tế, các quốc gia này vẫn sẽ duy trì vị trí trung lập trong tranh chấp của Mỹ và Trung Quốc ở vùng biển quốc tế. Sự hiện diện của lực lượng quân sự Hoa Kỳ là rất cần thiết để cân bằng cán cân vũ trang trên Biển Đông. Thậm chí chỉ cần một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ rút ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương cũng sẽ khiến toàn bộ cục diện thay đổi. Trong thời gian đó, Biển Đông sẽ trở thành một khu trại vũ trang, ngay cả khi những tranh giành các rạn san hô đã kết thúc. 
 
Chỉ riêng trong quần đảo Trường Sa, nơi có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn, đã có đến năm quốc gia tranh giành khu vực này: Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Malaysia. 
 
Trung Quốc đã cho xây dựng sân đỗ trực thăng bê tông và cấu trúc quân sự trên bảy rạn san hô và bãi cát ngầm. Trên Mischief Reef, nơi mà Trung Quốc đã lấy khỏi tay hải quân Philippines trong những năm 1990, Trung Quốc đã xây dựng một toà nhà ba tầng và năm kết cấu bê tông hình bát giác dành cho mục đích quân sự. Trên Johnson Reef, Trung Quốc cũng cho xây dựng một cấu trúc có trang bị súng máy. 
 
Đài Loan chiếm giữ đảo Aba Island, tại đây Đài Loan cũng cho xây dựng hàng chục toà nhà cho quân đội sử dụng, được bảo vệ bởi hàng trăm binh lính và hai mươi khẩu súng lắp đặt ven biển.
 
Việt Nam chiếm đến hai mươi mốt hòn đảo lớn nhỏ trong quần đảo này. Chính quyền Hà Nội cũng cho xây dựng phi đạo, cầu cảng, doanh trại, bồn chứa và các ụ súng. 
 
Malaysia hiện đang nắm giữ năm đảo và Philippines chín đảo. Những nơi này cũng đang được hải quân hai nước đóng quân.
 
Bất cứ ai cho rằng toàn cầu hoá làm mất đi ý nghĩa về biên giới lãnh thổ và chiến đấu bảo vệ lãnh thổ, người đó hãy nhìn vào những gì đang xảy ra ở Biển Đông. 
 
Biển Đông thật sự nằm trong khủng hoảng to lớn và nguy hiểm hơn nhiều so với tưởng tượng của nhiều người.
 
Linh Lan (Theo Business Insider)

Không có nhận xét nào: