Pages

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2015

Lê Công Định - Cách ghi biên bản hỏi cung của Việt Nam

Hôm nay gặp anh bạn, tán gẫu về tin vui anh Nguyễn Quang Lập được tại ngoại về nhà trước Tết, anh có hỏi tôi sự thật về các bản tường trình và bản cung mà tôi đã ký vào trong lúc thẩm vấn khi bị bắt. Sự việc là thế này. Điều tra viên thường nêu trước câu hỏi, tôi trả lời, sau đó họ hỏi mở rộng dựa trên câu trả lời ấy. Sau đó, họ yêu cầu tôi viết xuống dưới dạng “bản tường trình”, rồi yêu cầu đọc lại nguyên văn để ghi hình. Cuối cùng, một cán bộ, thường là cấp thấp nhất, viết lại tất cả dưới dạng bản cung hỏi-đáp.

Ls Lê Công Định. Ảnh Dân Làm Báo
Cách viết bản cung đôi khi thật buồn cười, vì lời lẽ diễn đạt trong đó hoàn toàn là của họ, chứ không phản ánh chính xác cách trình bày của tôi. Chẳng hạn, bao giờ nhắc đến Việt Tân, họ cũng ghi là “tổ chức khủng bố Việt Tân” dù tôi không chấp nhận điều đó. Tất nhiên, nếu ghi trong phần hỏi thì tùy họ, nhưng ngay cả ở phần trả lời của tôi, họ cũng viết như vậy. Tôi luôn bất đồng cách ghi kiểu ấy và luôn được trả lời rằng, “đó là cách chúng tôi ghi biên bản, anh không có quyền cho ý kiến!”

Một lần, tôi phản ứng lại bằng cách không ký vào biên bản, thì họ trả lời tỉnh bơ: “Anh Định, nếu anh không ký, chúng tôi vẫn có thể có được chữ ký của anh trên biên bản. Cả chữ viết và giọng nói của anh, nếu cần!” Nghe xong, tôi bật ngửa người, tựa lưng vào ghế, lắc đầu hỏi lại: “Vậy các anh bày ra trò này làm chi mất thời gian?” Điều này lý giải vì sao họ đã rất ngại cho luật sư đọc hồ sơ vụ án về sau. Lúc kết thúc giai đoạn điều tra và chuẩn bị xét xử, tuy tôi đã chủ định không dùng luật sư, nhưng vẫn muốn tìm hiểu cách lập hồ sơ vụ án của họ, nên đã cố tình kéo dài thời gian khước từ luật sư để một luật sư được tòa chỉ định có cơ hội đọc hồ sơ trước.

Khi nghe tôi vừa nêu đề nghị đưa vị luật sư ấy (vốn là một bạn đồng nghiệp trước đây của tôi) vào xem hồ sơ vụ án, thì như “đỉa phải vôi”, các điều tra viên ngay lập tức giẫy nảy gạt phăng đề nghị của tôi và tìm mọi cách ép tôi viết giấy khước từ luật sư sớm. Quả nhiên, với cách ghi biên bản hỏi cung như trên, họ đã rất ngại trao toàn bộ hồ sơ vụ án cho luật sư tham khảo. Thú thật, tôi không biết luật sư của các bạn trong cùng vụ án với tôi đã được cho đọc những tài liệu nào (?).

Mặt khác, với tư cách là người tự biện hộ cho mình, tôi cũng đã đề nghị được đọc hồ sơ vụ án, nhưng họ cũng dứt khoát từ chối luôn. Đối chiếu với vụ án của ông Nelson Mandela nhiều thập kỷ trước bên Nam Phi, ông cũng như tôi, quyết định tự biện hộ cho mình tại phiên tòa, nhưng số phận lại khác nhau ở chỗ hệ thống tư pháp của chính quyền phân biệt chủng tộc ấy đã ngay lập tức trao cho ông tư cách luật sư của chính mình và đương nhiên tạo điều kiện cho ông đọc và tham khảo bất cứ tài liệu nào, dù thuộc hay không thuộc hồ sơ vụ án, cũng như được gặp và thẩm vấn bất kỳ nhân chứng và người có liên quan nào, kể cả nhân viên công quyền, mà ông xét thấy cần thiết cho việc tự biện hộ trước tòa.

Ngẫm chuyện của xứ sở từng bị xem là địa ngục của người da đen, tôi không khỏi bật cười thú vị về hệ thống tư pháp của “tư tưởng thiên tài” ở thiên đường Việt Nam thế kỷ 21 này. Thiên tài thật! Anh bạn tôi nghe xong, ngán ngẩm nhận xét, “để thay đổi mọi thứ ở đất nước này chắc phải cần một quả bom nguyên tử.” Tôi sửa lại câu đó ngay, “một quả liệu có đủ không?”

Lê Công Định

(FB Lê Công Định)

Không có nhận xét nào: