Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Mỹ bẽ bàng vì bị hai đồng minh thân thiết “qua mặt”

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã không hề tham vấn Washington trước khi đến thủ đô Moscow để tiến hành đàm phán trực tiếp với Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, một nguồn tin từ chính phủ Pháp đã tiết lộ như vậy.
Hành động trên của Pháp và Đức rõ ràng là một sự “qua mặt” đối với Mỹ bởi lâu nay Mỹ được cho là vẫn dẫn dắt các nước phương Tây trong đường hướng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine cũng như trong cách đối phó với Nga.

Tổng thống Pháp Hollande (bên trái) và Thủ tướng Đức Merkel

Thủ tướng Merkel và Tổng thống Hollande là một phần của cái gọi là “Bộ Tứ Normandy” cùng với Moscow và Kiev. Hai nhà lãnh đạo của Pháp và Đức hôm 4/2 đã quyết định thực hiện một chuyến đi đến Ukraine và Nga đem theo sáng kiến mới để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine, một quan chức giấu tên của Pháp cho biết. Bà Merkel và ông Hollande dự kiến sẽ đặt chân đến thủ đô Moscow trong ngày hôm nay (6/2) sau khi có mặt ở thủ đô Kiev để hội đàm với Tổng thống Petro Poroshenko. 



“Cùng với nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel, chúng tôi quyết định đưa ra một sáng kiến mới”, Tổng thống Hollande hôm qua (5/2) cho biết tại một cuộc họp báo.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov cho hay, “lãnh đạo của 3 nước Nga, Pháp, Đức sẽ bàn thảo cụ thể về việc các nước có thể làm gì để đóng góp cho việc kết thúc nhanh chóng cuộc nội chiến ở miền đông Ukraine - một cuộc chiến đang leo thang nhanh chóng trong những ngày gần đây và đang gây ra ngày càng nhiều thương vong”.

Sau cuộc gặp gỡ ngày hôm qua (5/2) với hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã nói rằng, cuộc đàm phán cho thấy một lệnh ngừng bắn là điều có thể thực hiện ở miền đông Ukraine.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Pháp hôm qua đã nói trên tờ tạp chí hàng tuần Le Nouvel Observateur rằng quyết định gặp mặt trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin được đưa ra sau khi ông chủ điện Kremlin lên tiếng kêu gọi cả hai bên đối địch nhau trong cuộc xung đột ở miền đông Ukraine chấm dứt ngay các hành động thù địch và quân sự.

Tạp chí hàng tuần của Pháp cũng đưa tin, “sáng kiến lịch sử” của hai nhà lãnh đạo Châu Âu được đưa ra trước các cuộc đàm phán “bí mật” giữa Paris, Berlin và Moscow.

Khi Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel đang tập trung vào thảo luận một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine thì Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng đang có mặt ở Ukraine để trả lời lời cầu khẩn của Kiev về việc cung cấp thêm vũ khí cho quân đội nước này. Ngoại trưởng Kerry nói với cánh phóng viên rằng Tổng thống Barack Obama sẽ đưa ra quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine vào tuần tới.

Tuy nhiên, Nhà Trắng hôm qua thừa nhận, sự giúp đỡ về quân sự của Mỹ có thể làm gia tăng tình trạng đổ máu trong khu vực.

Phóng viên Vincent Jauvert của tạp chí Le Nouvel Observateur tin rằng, sở dĩ Tổng thống Hollande và Thủ tướng Merkel ra quyết định nhanh chóng về việc tiến hành đàm phán với Tổng thống Nga Putin ở thủ đô Moscow là vì họ muốn “đi trước một bước so với Mỹ - nước đang tìm cách áp đặt phương Tây theo giải pháp của họ để giải quyết vấn đề Ukraine: đó là việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine”.

Phóng viên Jauvert thẳng thừng cho rằng, hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức đã tới thẳng thủ đô Kiev ngay sau Ngoại trưởng Kerry bởi họ “không tin tưởng vào chính quyền Mỹ” và muốn “đưa ra các giải pháp ngoại giao ngay trước khi Phó Tổng thống Mỹ Biden đưa ra kế hoạch cung cấp vũ khí gây sát thương cho chính quyền Kiev tại hội nghị an ninh Munich vào ngày thứ Bảy (7/2).

Sáng kiến hoà bình của Pháp, Đức giúp tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới 

Nỗ lực mới của Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế và nó cũng đốt lên tia hy vọng về việc chấm dứt được cuộc nội chiến đẫm máu đang leo thang ở miền đông Ukraine.

Sáng kiến hoà bình mới của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức nhằm kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine có thể tạo cho Châu Âu một cơ hội để tránh một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một nhà lịch sử cũng là một chuyên gia về Nga của Pháp – bà Helene Carrere d’Encausse đã nhận định như vậy trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Le Figaro.

"Tổng thống Francois Hollande và Thủ tướng Angela Merkel đã đi con đường đúng đắn duy nhất - đó là giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine trên cơ sở các sáng kiến chính trị", bà Helene Carrere d’Encausse - Thư ký thường trực Viện Hàn lâm Pháp, cho biết. “Đó chính xác là con đường có thể giúp Châu Âu tránh việc quay trở lại thời Chiến tranh Lạnh. Chúng ta đã có một cơ hội để biết việc cung cấp vũ khí sẽ gây ra kết quả gì trong cuộc xung đột ở Syria và sự can thiệp ở Libya - tình trạng phổ biến vũ khí không thể kiểm soát đã khiến vũ khí rơi vào tay nhiều nhóm khác nhau”, nhà lịch sử người Pháp phân tích.

Nói về các cuộc đàm phán sắp tới giữa ba nhà lãnh đạo Nga, Pháp, Đức ở thủ đô Moscow, bà Helene Carrere d’Encausse cho rằng, “các thoả thuận Minsk có thể được xem như nền tảng, cở sở để tìm kiếm một sự thoả hiệp, nhượng bộ".

Theo bà Helene Carrere d’Encausse, thái độ hiện nay của phương Tây đối với Nga có thể đẩy Nga ngày một tiến gần hơn đến Châu Á. "Đối với Châu Âu, điều này đồng nghĩa với nguy cơ tách biệt, cô lập với khu vực đó. Khu vực này hiện tại quyết định rất nhiều đến tình hình quốc tế. Nga là cây cầu nối giữa Châu Âu và Châu Á”, nhà nữ phân tích người Pháp cho tờ Le Figaro biết. Nữ chuyên gia Helene Carrere d’Encausse cũng nhấn mạnh đến vai trò của Nga trong việc giải quyết tình hình Trung Đông và trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố./Kiệt Linh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: