Pages

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2015

Nguyễn Thị Từ Huy - Khủng bố

Hannah Arendt, trong bài báo "On the Nature of Totalitarianism: An Essay in Understanding" (độc giả có thể dễ dàng tìm văn bản này trên google), đã xác định và phân tích một cách rõ ràng, cụ thể rằng : khủng bố chính là bản chất của chủ nghĩa toàn trị.

Bà viết : « Nếu luật pháp là bản chất của chính thể lập hiến hay chính thể cộng hòa, thì khủng bố là bản chất của chính thể toàn trị. »

Chính thể lập hiến quản lý xã hội bằng luật pháp, còn chính thể toàn trị cai trị bằng khủng bố. Trong một thể chế chính trị toàn trị, khủng bố trở thành « luật pháp » của kẻ cầm quyền, đồng nghĩa với việc luật pháp trở thành công cụ để khủng bố.

Hiểu được điều này ta mới hiểu được tại sao những điều luật 258, 88, 79 lại có thể tồn tại  trong bộ luật của chúng ta. Đấy chính là những điều luật được sử dụng làm phương tiện để khủng bố.

Và vì thế chính quyền không thể loại bỏ những điều luật này khỏi bộ luật, dù đã có nhiều nỗ lực trong nước cũng như nỗ lực quốc tế đòi Việt Nam phải xóa bỏ những điều luật vi hiến và vi phạm nhân quyền đó. Nhưng những điều luật đó chưa thể bị xóa bỏ chừng nào còn chưa có những thay đổi căn bản về thể chế chính trị. Bởi những điều luật đó thể hiện bản chất của chính thể hiện thời.

Cần phải hiểu rõ điều này để có thể thoát khỏi tình trạng mơ hồ về bản chất của thể chế chính trị của chúng ta.

Phần lớn dân chúng hiện nay vẫn còn mơ mộng về một hình ảnh một xã hội công bằng dân chủ và văn minh, dù rằng đấy là một thứ mơ mộng bị nhồi sọ, nhưng người ta vẫn không thôi tưởng tượng về một bản chất tốt đẹp của xã hội được khắc trên các khẩu hiệu chăng khắp cả nước, và được dạy trong mọi trường học.

Các nhà văn thuộc Hội nhà văn Việt Nam vẫn rất thanh thản làm thơ viết truyện ca ngợi đất nước Việt Nam đang tiến lên chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo vẻ vang của đảng. Dường như mọi điều đều dễ hiểu đối với họ cho đến khi một nhà văn như Nguyễn Quang Lập bị bắt, lúc đầu báo chí tung tin là theo điều 258, sau đó có tin đồn là theo điều 88.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập đang được độc giả mến mộ, và đột ngột, ông bị tống vào nhà giam, rồi gần đây lại được/bị đưa về nhà giam lỏng, chờ ngày xét xử tội chống phá nhà nước.

Các nhà văn thuộc Hội nhà văn Việt Nam lý giải điều này như thế nào ?

Chúng ta lý giải điều này như thế nào ?

Chúng ta chỉ có thể hiểu được sự việc này, nếu nhìn nhận vấn đề từ những kiến giải chính trị học mà Arendt cung cấp cách đây hơn nửa thế kỷ : chúng ta đang sống dưới sự cai trị của một thể chế chính trị độc tài độc đảng có khuynh hướng toàn trị, trong đó khủng bố và cưỡng bức vẫn đang được sử dụng như phương tiện căn bản để cai trị xã hội. Nói theo cách của Arendt, khủng bố vẫn đang là bản chất của chính thể hiện nay.

Ông Tổng bí thư đương nhiệm (cũng như mọi ông tổng bí thư trong quá khứ và trong tương lai), người cầm đầu bộ máy khủng bố, hiểu rất rõ rằng không thể có một nhà nước pháp quyền dưới chế độ độc đảng do ông lãnh đạo. Vì thế ông tuyên bố thẳng thắn rằng không cho phép tam quyền phân lập. Một khi ông đã cấm tam quyền phân lập thì dĩ nhiên mọi trò « dân chủ hóa » được đưa ra diễn trước toàn đảng toàn dân chỉ là những trò diễn, vụng về và dối trá. Ông hoàn toàn hiểu rõ như vậy.

Dù thế thì đa số trí thức và dân chúng vẫn không thôi mơ mộng về một bản chất tốt đẹp của thể chế đương thời cho dù không thoát khỏi đôi chút ngậm ngùi về bầy sâu ngày càng đông và sự áp chế của Trung quốc ngày càng rõ rệt.

Chúng ta sẽ làm gì ?

Sẽ tiếp tục mơ trong một thực tế càng ngày càng thối rữa và băng hoại ?

Hay chúng ta sẽ tỉnh khỏi giấc mộng giữa ban ngày này, để sống thực với cái thực tại đang bị đè nặng dưới nhiều hình thức khủng bố khác nhau, để từ sự thức tỉnh này mà một ngày nào đó có thể hành động để thoát khỏi sự khủng bố và xây dựng một xã hội dựa trên luật pháp, văn hóa và khoa học, điều mà một số dân tộc khác đã làm được ?

Paris, 14/2/2015

Nguyễn Thị Từ Huy

 (Blog RFA)

Không có nhận xét nào: