Pages

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2015

Những kẻ cuồng tín, ba hoa, và các nhà kinh tế

Dường như trên khắp thế giới, khủng hoảng đang kìm chặt nền chính trị các quốc gia. Từ cuộc bầu cử này tới cuộc bầu cử khác, tỉ lệ cử tri đi bầu đạt mức thấp nhất trong lịch sử. Các chính trị gia bị chửi rủa mọi nơi. Các đảng chủ đạo, tuyệt vọng tìm cách giữ tính chính danh, đang hành động vô lối, buộc phải lựa chọn giữa việc nối giáo cho chủ nghĩa cực đoan và nguy cơ bị các phong trào dân túy, kháng chính thống[1] áp đảo.

religion-and-science-beyond-fundamentalism-and-relativism-e1345940520529-640x360Trong khi đó, tiền bạc chưa bao giờ lại đóng một vai trò quan trọng như vậy trong nền chính trị kể từ sau Thế chiến II, át đi sức mạnh của các ý tưởng. Chẳng hạn như ở Mỹ, âm thanh của hàng tỉ đô la rót vào ngân quỹ của các chiến dịch bầu cử át đi tiếng nói của các cử tri. Ở những nơi trên thế giới mà nền pháp quyền quá yếu đuối, tham nhũng và các mạng lưới tội phạm đang thế chỗ cho các tiến trình dân chủ. Tóm lại, việc theo đuổi những lợi ích tập thể trông lạ lẫm đến đáng buồn.

Chiến tranh Lạnh kết thúc cũng là lúc rắc rối bắt đầu, khi mà sự sụp đổ của ý thức hệ cộng sản mục nát hoàn toàn được hiểu là thắng lợi của thị trường. Chủ nghĩa cộng sản đã bị loại bỏ, và khái niệm nhà nước như một chủ thể nơi những mong muốn và lợi ích tập thể của người dân được tổ chức cũng thế.

Cá nhân trở thành tác nhân thay đổi cuối cùng – một dạng cá nhân được quan niệm là chủ thể lý tính hiện diện trong mô hình của các nhà kinh tế. Bản sắc cá nhân như vậy không xuất phát từ lợi ích giai cấp hay các đặc điểm xã hội học khác, mà bắt nguồn từ lô gích của thị trường, thứ buộc họ phải tối đa hóa lợi ích cá nhân, dù trong vai trò một nhà sản xuất, người tiêu dùng, hay là cử tri.

Quả thật, kinh tế học đã được ngưỡng vọng và được lưu giữ trong các thiết chế như ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý cạnh tranh, vốn được tách biệt một cách có chủ đích và độc lập với chính trị. Kết quả là, các chính phủ bị giới hạn chỉ tập trung vào việc khắc phục các khiếm khuyết của việc phân bổ các nguồn lực của thị trường.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cùng cơn suy thoái kinh tế đi kèm và tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và của cải đã chọc thủng niềm hân hoan chiến thắng mỏng manh của kinh tế học. Nhưng chính trị, thay vì giành được vị trí của kinh tế học, tiếp tục đánh mất uy tín, khi các nhà lãnh đạo chủ chốt – đặc biệt ở Bắc Mỹ và châu Âu – đã phải viện dẫn các lý thuyết kinh tế để biện minh cho những lựa chọn chính sách của mình.

Việc theo đuổi thành tựu cá nhân là đặc điểm tiêu biểu của thời đại chúng ta, làm lu mờ các khía cạnh tập thể của số mệnh loài người. Nhưng mong muốn sâu thẳm của con người được trở thành một phần của nhóm xã hội vẫn chưa biến mất. Nó vẫn hiện diện, nhưng thiếu vắng một lối thoát đáng tin cậy. Các công việc chung của quốc gia trở nên trống rỗng, và cái gọi là cộng đồng quốc tế vẫn còn là một khái niệm trừu tượng. Những người trẻ – bao gồm cả những phần tử thánh chiến trẻ chẳng hạn – có thể cảm nhận đặc biệt sâu sắc mong muốn dở dang về một (bản sắc) cộng đồng này.

Quả thật, các lãnh đạo tôn giáo và các chính trị gia dân tộc chủ nghĩa là những người đầu tiên phát hiện ra khoảng trống, và đang nhanh chóng lấp đầy nó. Đức Giáo hoàng Francis, Vladimir Putin, Abu Bakr al-Baghdadi (lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng – NHĐ), và Marine Le Pen (chính trị gia người Pháp – NHĐ) ít có điểm nào chung. Nhưng họ cùng có một tầm nhìn: Một khao khát sâu sắc tạo ra các cộng đồng được định nghĩa bằng những giá trị chung, chứ không phải bằng những nhu cầu thiết yếu.

Cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia đã gây nên những hậu quả mà tác động của chúng vượt qua cả biên giới mỗi quốc gia. Tư tưởng tôn giáo chính thống (tức cực đoan – NHĐ) và chủ nghĩa sô-vanh quốc gia sẽ tồn tại lâu dài, và đi cùng với chúng là chủ nghĩa khủng bố, thứ mà những kẻ cực đoan thuộc mọi màu sắc đón nhận bởi cả hai hiện tượng này đều phù hợp một cách lý tưởng với thời đại của chủ nghĩa cá nhân: Chúng đưa ra những câu trả lời tưởng tượng cho cảm giác phẫn nỗ của các cá nhân, thay vì những câu trả lời chính trị cho những thách thức tập thể. Bản chất vô định hình của những phong trào này – vốn thường thể hiện qua những nhà lãnh đạo có sức hút – cho phép mỗi cá nhân được đặt mình vào những giấc mơ của họ, khiến họ khó khăn hơn trong việc sử dụng khuôn khổ chính trị truyền thống.

Nhưng sức mạnh này cũng có thể lại là điểm yếu. Khi được giao nhiệm vụ quản lý các vùng lãnh thổ và quản trị dân cư, những phong trào này (tức tôn giáo cực đoan và chủ nghĩa sô-vanh quốc gia) bắt đầu phải đối mặt với những hạn chế về hậu cần và tổ chức như những đối thủ của chúng. Kết quả là, nạn quan liêu liên tục bén gót, khiến chúng luôn phải không ngừng biến động và đổi mới.

Nếu chính trị muốn chiếm lại các giá trị từ những kẻ cuồng tín, lũ ba hoa, và các nhà kinh tế, nó phải được xây dựng lại từ nền móng. Hơn một nửa dân số thế giới hiện đang sống ở các thành phố, và bất kỳ sự phục hưng chính trị nào cũng phải đối trọng lại sự hấp dẫn của những cộng đồng ảo khổng lồ bằng các xã hội đô thị vững chắc. Các công dân phải được tái tham gia vào các tiến trình chính trị, được giáo dục về quan hệ công chúng, và được cung cấp những diễn đàn thực tế (chứ không đơn thuần là ảo) để thể hiện sự khác biệt của họ và tranh luận với những quan điểm khác.

Hơn nữa, các thiết chế liên kết các quốc gia với cộng đồng quốc tế, như Liên minh Châu Âu, phải được tăng cường và tái tập trung. Cụ thể, các chức năng kỹ thuật của chúng phải được tách biệt rõ ràng khỏi các vai trò chính trị.

Nhưng trên tất cả, các chính trị gia phải ngừng tìm cách củng cố uy tín đã bị giảm sút của họ bằng việc giả danh khoa học kinh tế. Chính trị bắt đầu nơi kinh tế học đương đại kết thúc – với đạo đức và nỗ lực tạo ra một xã hội được tổ chức công bằng.

Nguồn: Jean-Marie Guéhenno, “Fanatics, Charlatans, and Economists,” Project Syndicate, 27/01/2015.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Jean-Marie Guéhenno, nguyên Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc phụ trách Gìn giữ hòa bình, là Chủ tịch và Tổng giám đốc điều hành của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group).

——————

[1] Anti-establishment : Quan điểm chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống của xã hội.

(Nghiên Cứu Quốc Tế)

Không có nhận xét nào: