Pages

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Nợ công bùng phát đe dọa tăng trưởng thế giới

Ai Len đứng đầu các quốc gia bùng phát tổng nợ công - @wikipedia
Nợ trên thế giới tăng quá nhanh kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nhất là tại Trung Quốc, công nợ hầu như tăng gấp bốn lần. Hiện tượng này đang đe dọa đến sự tăng trưởng toàn cầu. Trên đây là kết luận của một nghiên cứu được công bố vào ngày thứ Năm 05/02/2015.

Theo nhận định của các nhà kinh tế học thuộc McKinsey Global Institute (MGI) “ thay vì phải giảm nợ, hầu hết các nền kinh tế chính lại đi vay nợ nhiều hơn so với tổng thu nhập quốc gia năm 2007. Điều đó dẫn đến các rủi ro mới cho sự bình ổn tài chính và có thể phá hoại tăng trưởng thế giới ”. 



Nhìn chung, tổng nợ của các tác nhân kinh tế (chính phủ, doanh nghiệp, hộ gia đình…) đã tăng từ mức 57.000 tỷ đô-la trong năm 2007 lên 200.000 tỷ đô-la vào năm 2014.


Trong năm rồi, nợ trên toàn cầu chiếm 286% GDP của cả thế giới, so với tỷ lệ 269% vào năm 2007. Các tác giả của nghiên cứu nhận thấy: “ Từ sau khủng hoảng, mức nợ ở phần lớn các quốc gia đều tăng, thay vì phải theo chiều ngược lại ”. Trong 22 quốc gia phát triển cộng với 25 quốc gia đang phát triển, 14 quốc gia có tỷ lệ % nợ so với tổng thu nhập quốc dân đã tăng thêm 50 điểm.


Đứng đầu các quốc gia bùng phát tổng nợ công là Ai-len, tăng 172% điểm trong giai đoạn 2007-2014, tiếp đến là Singapore (129%), Hy Lạp (103%) và Bồ Đào Nha (100%).


Các nhà nghiên cứu ước tính trong vòng 5 năm tới (2014-2019), nếu chỉ tính riêng khoản nợ công, Nhật Bản sẽ giữ vị trí hàng đầu, tăng từ 234% lên 258% so với GDP. Nước Pháp sẽ đi từ 104% lên 119%, trong khi đó Đức sẽ giảm xuống từ 80% còn 68%.


Từ các tính toán, các tác giả của MGI quan ngại rằng tại những quốc gia nợ nhiều nhất, “ các nỗ lực giảm nợ ngân sách có thể sẽ gặp thất bại đồng thời ức chế tăng trưởng ”.


Về phần Trung Quốc, nghiên cứu cho thấy dưới tác động của các khoản vay chợ đen cũng như nạn đầu cơ thị trường bất động sản, tổng nợ đã bùng phát, tăng gấp 4 lần từ 7.000 tỷ lên 28.000 tỷ đô-la. “ Ở mức nợ 282% so với GDP, nợ tại Trung Quốc vẫn có thể quản lý được, nhưng vẫn cao hơn của Mỹ hay Đức ”, theo nhận định của nghiên cứu.


Nhưng đáng ngại nhất vẫn là các khoản nợ doanh nghiệp Trung Quốc chiếm đến 125% của GDP của nền kinh tế thứ nhì, một trong những mức nợ doanh nghiệp cao nhất thế giới.


Một mối họa khác cho sự bình ổn tài chính của đầu tàu thế giới này đó là các khoản vay tín dụng ngầm của các chính quyền địa phương Trung Quốc. Mức nợ này đã tăng gấp ba lần trong vòng 7 năm đạt mức 1.700 tỷ đô-la.


Cuối cùng là nợ các hộ gia đình trên toàn cầu cũng lên đỉnh điểm mặc dù khoản nợ này đã có giảm xuống từ năm 2007 tại một số nước, đặc biệt là các quốc gia bị ảnh hưởng của khủng hoảng 2008 như Hoa Kỳ, Anh, Tây Ban Nha và Ai-len.
Nhưng ở nhiều nước khác như Úc, Canada, Thụy Điển hay như Hà Lan, nợ của các hộ gia đình vẫn cao hơn so với mức nợ trước khi xảy ra khủng hoảng tiền tệ năm 2008.


Bởi một lẽ rất dễ hiểu, “ để tăng trưởng, các nền kinh tế cần mức nợ ngày càng cao hơn và việc giảm nợ sẽ hiếm đi và ngày càng khó khăn hơn. Do đó, các nền kinh tế sẽ phải học cách sống một cách bền chắc hơn với một khoản nợ cao như vậy ”./Minh Anh (RFI)

Không có nhận xét nào: