Pages

Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

Trung Quốc bị "bao vây" ở Biển Đông


(VnMedia) - 
Chính phủ Ấn Độ và Singapore trong hai dịp riêng rẽ gần đây đã lên tiếng cảnh báo không được dùng vũ lực hay đe dọa vũ lực trong các cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng nhỏ hơn như Philippines ở Biển Đông. Đây được xem là lời răn đe ngầm của Ấn Độ và Singapore đối với Trung Quốc - nước đang duy trì một lập trường quyết liệt, hung hăng trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông. 

Ngày càng có nhiều nước lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về cách ứng xử ở Biển Đông

Hai đầu tàu của nền kinh tế ở khu vực Châu Á đã bày tỏ lập trường chính thức trong một tuyên bố chung với Mỹ về các cuộc tranh chấp căng thẳng kéo dài nhiều năm liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông giữa Trụng Quốc với một loạt nước láng giềng xung quanh. 



Singapore kêu gọi các bên có tranh chấp kiềm chế, kiểm soát các cuộc tranh chấp giữa họ thông qua các cơ chế, thể chế quốc tế như ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN.

Singapore và Mỹ “khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và sự ổn định khu vực, an ninh hàng không trên biển, tự do và an toàn hàng hải và hàng không cũng như tự do thực hiện các hoạt động giao dịch, thương mại hợp pháp.

Ngoại trưởng Singapore Chee Wee Kiong cũng thẳng thừng chỉ trích những hoạt động lấn chiếm của Trung Quốc ở các khu vực mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của họ ở Biển Đông. Ông Chee Wee Kiong kêu gọi cường quốc Châu Á “hãy thể hiện sự kiềm chế ở mức cao nhất”.

Singapore cũng tin rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) có thể là một công cụ hiệu quả trong luật quốc tế để giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Trong khi đó, Ấn Độ nhấn mạnh, sự ổn định ở Biển Đông là cần thiết cho sự thịnh vượng kinh tế trong khu vực.

"Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên tránh đe dọa dùng vũ lực hay dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp. Chúng tôi kêu gọi các bên giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải thông qua những phương tiện hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc đã được quốc tế thừa nhận trong luật quốc tế, trong đó có UNCLOS", tuyên bố chung của New Delhi với Washington đã viết như vậy.

Trước đó, hồi đầu tháng này, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNN rằng Mỹ ủng hộ sự nổi lên của Trung Quốc nhưng sự nổi lên đó không được gây hại cho các nước láng giềng trong khu vực.

"Sự phát triển của Trung Quốc không nên được đánh đổi bằng lợi ích của các nước xung quan. Trung Quốc không nên de dọa các nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines trong các cuộc tranh chấp hàng hải mà cần phải nỗ lực giải quyết các cuộc tranh chấp đó bằng biện pháp hòa bình”, Tổng thống Obama cảnh báo.

Singapore và Ấn Độ là hai nước mới nhất lên tiếng cảnh báo Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Như vậy, ngày càng có nhiều nước lên tiếng công khai chỉ trích cách hành xử và đòi chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên. Có vẻ như Trung Quốc đang bị “bao vây” ở Biển Đông khi các nước cả trong khu vực và bên ngoài, từ có liên quan trực tiếp hay gián tiếp đến các cuộc tranh chấp ở đây đều nhất loạt lên tiếng bày tỏ phản ứng không đồng tình với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trung Quốc đối mặt với những thách thức địa chính trị trong năm 2015 

Biển Đông được đánh giá là một trong những thách thức lớn của Trung Quốc trong năm 2015. Ông Gu Xuewu - một giáo sư ở trường Đại học Bonn, mới đây đã đưa ra nhận định, những sự kiện toàn cầu đang tạo ra một loạt thách thức địa chính trị và nguy cơ cho Trung Quốc và nước này cần phải chú ý hơn đến các vấn đề liên quan đến Nhật Bản, Châu Âu cũng như Biển Đông.

Năm mới 2015 bắt đầu với nhiều sự kiện cho thấy sự dịch chuyển của trung tâm thế giới về bán cầu phía đông, ông Gu đã phân tích như vậy trên tờ tạp chí South Reviews đặt tại Guangzhou. Những sự kiện mà ông Gu nói đến bao gồm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Ấn Độ. Trong chuyến thăm này, ông chủ Nhà Trắng đã lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ của Washington cho việc đưa Ấn Độ trở thành một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi đã mời Nhật Bản tham gia vào dự án phát triển tàu ngầm tấn công hạt nhân.

Các hoạt động đáng chú ý khác có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Trung Quốc theo ông Gu là kế hoạch của Nga trong việc phát triển các khu vực vùng Viễn Đông và sự ra đi của Quốc vương Abdullah của Ả-rập Xê út. Tuy nhiên, giáo sư Gu thừa nhận, vì còn quá sớm để xác định được ảnh hưởng của những sự kiện trên, Trung Quốc nên duy trì lập trường “đợi và xem” và trong lúc đó Trung Quốc nên tập trung vào các thách thức trước mắt.

Một trong những thách thức đó đến từ Nhật Bản – nơi chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đang tìm cách sửa đổi lại hiến pháp hòa bình, tìm kiếm một vai trò chủ động hơn, tích cực hơn và mở rộng ra bên ngoài cho quân đội Nhật Bản. Tokyo áp dụng một lập trường vô cùng cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở biển Hoa Đông. Tokyo cũng không ngần ngại công khai chỉ trích Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp ở Biển Đông.

Theo ông Gu, thách thức ở Biển Đông đối với Trung Quốc là rất lớn bởi Mỹ đang cùng với Philippines chống lại những đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh trên một vùng lãnh thổ, lãnh hải rộng lớn, chiếm trọn gần hết Biển Đông. Mỹ còn đang cổ vũ Nhật Bản can thiệp vào vấn đề Biển Đông. Ông Robert Thomas - Chỉ huy Hạm đội Số 7 của Mỹ hồi cuối tháng 1 đã từng nói, việc Nhật Bản tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông là một hoạt động “có ý nghĩa"./Kiệt Linh (tổng hợp)

Không có nhận xét nào: