Pages

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

VNTB- Thu hồi tiền trên 70% sau thanh tra: Nhiệm vụ bất khả thi hay lấy điểm chính trị?

VNTB: Thanh tra chính phủ - một trong những cơ quan gây tai tiếng lớn trong hai năm 2013 và 2014 với các vụ việc tài sản khủng của quan chức cao cấp như nguyên tổng thanh tra Trần Văn Truyền và đương kim phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh, vừa đưa ra một tuyên bố quá khó để tin: “Năm 2015, Thanh tra Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện thu hồi tiền Nhà nước từ 70% trở lên sau khi có kết luận thanh tra”.

Cần nhắc lại là cho đến năm 2013, tỷ lệ thu hồi tiền từ tham nhũng ở Việt Nam mới chỉ có chưa đầy 3%.

Thanh tra chính phủ cũng là địa chỉ phát ra phát ngôn đươc xếp vào loại hết sức ngây ngô trong năm 2014: "tham nhũng vẫn ổn định”.

Tin tức gần nhất cho biết cơ quan này đang "xác minh lại tài sản của Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh”. 

Vào đầu năm 2014, tờ báo Người cao tuổi, mà mới đây TBT Kim Quốc Hoa vừa bị Bộ Thông tin và Truyền thông gây áp lực buộc tạm ngưng chức, đã phanh phui tài sản của ông Khánh. Nếu không làm rõ được vụ việc quan chức ngay trong nội bộ cơ quan thanh tra chính phủ, tuyên bố của Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh sẽ chỉ là một tương lai hoàn toàn không có tính khả thi, hay nói khác hơn chỉ là phát ngôn để lấy điểm chính trị khi đại hội đảng 12 chỉ còn đúng một năm nữa. 




Sẽ có chế tài mạnh để thu hồi tiền, tài sản của nhà nước

Năm 2015, Thanh tra Chính phủ đặt mục tiêu thực hiện thu hồi tiền Nhà nước từ 70% trở lên sau khi có kết luận thanh tra.

Năm 2014, ngành thanh tra đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt với những thành công như phát hiện, xử lý vi phạm tăng vượt bậc, cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường hợp tác quốc tế... Đặc biệt, ứng xử của ngành thanh tra với người dân đã hoàn toàn thay đổi. Việc tiếp dân đã trở thành hoạt động thường xuyên, gần gũi và thiết thực của ngành thanh tra. Cảm nhận của người dân về Ngành thanh tra đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn, người dân tin tưởng vào sự minh bạch, nghiêm minh của ngành thanh tra.

Trước thềm năm mới, trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỷnh Phong Tranh, sẽ trực tiếp giải đáp, chia sẻ với người dân về những dấu ấn ngành thanh tra năm 2014, và định hướng năm 2015.

PV: Thưa Tổng Thanh tra, trong năm 2014, dấu ấn nổi bật nhất của ngành, chính là việc phát hiện và xử lý vi phạm tăng vượt bậc. Chúng ta có thể thấy những con số ấn tượng như toàn ngành đã triển khai đến hơn 7.000 cuộc thanh tra, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với năm 2013, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính tới hơn 2.000 tập thể, gần 15.500 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc. Vậy nguyên nhân của con số xử lý sai phạm tăng vượt bậc như vậy là do đâu, do tham nhũng, sai phạm nhiều hơn hay do ngành thanh tra quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trước hết về nguyên nhân là do căn cứ vào Luật Thanh tra, cuối năm trước chúng tôi đã xây dựng định hướng cho năm sau để trình Thủ tướng Chính phủ với những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, và tập trung vào công tác quản lý kinh tế xã hội, vốn tài sản của doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm công tác phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo của công dân. Thứ hai là do ngành thành tra đổi mới về công tác chỉ đạo điều hành, trình tự quy trình thủ tục công tác thanh tra và thực hiện các cuộc thanh tra với tinh thần khách quan, công tâm đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, sau kết luận thực hiện kết luận thanh tra cho hiệu quả. Thứ ba là do tính chất của việc thực thi pháp luật, ngành thanh tra quyết liệt vào cuộc, một mặt thanh tra để phát huy tính tích cực của các hoạt động cơ quan nhà nước tổ chức xã hội để xử lý tham nhũng tiêu cực. Vì vậy trong năm 2014 ngoài xử lý thu hồi tiền của nhà nước, chúng tôi cũng chuyển cơ quan điều tra 55 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tăng hơn 100%, kiến nghị thu hồi cũng rất kiên quyết.

PV: Như Tổng Thanh tra vừa cho biết, có thể thấy ngành Thanh tra đã có những thành tích nổi bật, vượt trội trong năm 2014. Vậy trong năm qua, ngành Thanh tra đã phải tự nỗ lực, và phải đối đầu với những khó khăn như thế nào để đạt được những thành tích như vậy?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trước hết là khó khăn về mặt pháp luật mặc dù đã được hoàn thiện một phần nhưng hiện nay trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại phòng chống tham nhũng cũng chưa đầy đủ, hiệu lực chưa cao. Thứ hai tổ chức bộ máy chưa hệ thống, chặt chẽ, chưa nghiêm. Đặc biệt là công tác cán bộ đại đa số công chức viên chức trong toàn ngành được rèn luyện có kỷ cương nhưng có một bộ phận chưa được rèn luyện tốt, nhất là nghiệp vụ chuyên sâu chưa tinh thông. Khó khăn thứ ba là lĩnh vực thanh tra rất nhạy cảm, do vậy nếu muốn làm tốt cần có sự lãnh đạo của cấp ủy chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

PV: Một câu hỏi của người dân dành cho Tổng Thanh tra: "Thưa Tổng thanh tra, tôi được biết năm 2014, ngành thanh tra đã cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ngành thanh tra cũng đã phát hiện, xử lý rất nhiều sai phạm... người dân như chúng tôi thấy rất phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự nghiêm minh của Thanh tra chính phủ. Vậy năm 2015 ngành thanh tra có biện pháp gì để kế thừa, và phát huy những thành tích thanh tra trong năm qua?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trong năm 2015 chúng tôi tập trung thực hiện tốt định hướng thanh tra được Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền các cơ quan chức năng phê duyệt, đi sâu vào lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực, đặc biệt là trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để ổn định tình hình chính trị xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. Mặt khác cũng để đảm bảo yêu cầu phục vụ chính trị nói chung và phục vụ cho Đại hội Đảng bộ các cấp. Thứ hai là công tác giải quyết khiếu nại tố cáo chúng tôi tập trung tổ chức thanh tra phát sinh mới, hạn chế khiếu nại vượt cấp đông người, phức tạp, đặc biệt những vụ việc tồn đọng kéo dài, coi là nhiệm vụ thường xuyên liên tục để hạn chế phát  sinh xảy ra. Thứ ba là tập trung thực hiện các kết luận có hiệu lực pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo. Về công tác phòng chống tham nhũng tập trung xây dựng thể chế, gắn với công tác tuyên truyền, phòng ngừa, phát hiện xử lý tham nhũng phối hợp với các ngành các cơ quan chức năng để xử lý các vụ án tham nhũng. Về xây dựng ngành chúng tôi tập trung theo tinh thần học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, khắc phục những nhược điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 về công tác xây dựng Đảng, giáo dục cán bộ, công chức trong toàn ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm giữ gìn kỉ luật, kỉ cương để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

PV: Một câu hỏi khác của người dân, xin gửi đến Tổng Thanh tra: "Thưa Tổng Thanh tra, tôi thấy hiện vẫn còn nhiều vụ việc, người dân chúng tôi khiếu nại, thanh tra đã có kết luận xử lý, nhưng vẫn kéo dài ra đến nhiều năm sau mà cũng không được xử lý. Theo tôi, việc xử lý sau thanh tra là rất quan trọng. Vì có phát hiện, mà không xử lý thì thanh tra cũng không có ý nghĩa gì. Vậy trong năm 2015, Tổng Thanh tra có những biện pháp gì để việc xử lý sau thanh tra được triệt để, quyết liệt và dứt điểm?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Để thực hiện có kết quả tỉ lệ cao, thu hồi tiền của nhà nước sau khi có kết luận thanh tra chúng tôi cho rằng phải có chế tài mạnh, mục tiêu là 2015 thực hiện đạt cho được thu hồi tiền nhà nước từ 70% trở lên. Muốn làm được điều đó phải nâng cao chất lượng các kết luận thanh tra, quan tâm xử lý sau thanh tra, để đối tượng thanh tra chấp hành thực hiện. Cùng đó chúng tôi đang xây dựng Nghị định trình Thủ tướng Chính phủ ban hành về xử lí sau thanh tra, với chế tài mạnh buộc các tổ chức, cá nhân phải thực hiện để thu hồi tiền, tài sản của nhà nước tốt hơn.

PV: Chỉ còn vài ngày nữa là chúng ta bước sang năm mới Ất Mùi, vậy trước thềm năm mới, Tổng thanh tra có lời nào muốn chia sẻ cùng người dân, những người luôn dõi theo quan tâm, sát cánh cùng ngành thanh tra?

Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh: Trong năm 2014 ngành thanh tra đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện được dư luận quan tâm là do sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ và sự hợp tác của các cấp chính quyền, người dân và thông tin đại chúng. Nhân đây chúng tôi gửi lời cảm ơn tới các cấp, các ngành và nhân dân đã đồng hành cùng chúng tôi, góp phần cho chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Bước sang năm 2015 chúng tôi mong muốn sự quan tâm, ủng hộ tạo điều kiện để chúng tôi tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cũng chính là hoàn thành kế hoạch 5 năm của cả nước và ngành thanh tra. Trước thềm năm mới, thay mặt toàn ngành thanh tra chúc các đồng chí lãnh đạo, các ngành các cấp đặc biệt là bà con nhân dân một năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công./. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra Chính phủ!.

Xem lại bài trên báo Công lý ngày 17/7/2013:

Vì sao khó thu hồi tài sản tham nhũng

Hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra khoảng 11.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thu hồi khoảng 300 tỷ đồng, tức còn tới 97,4% chưa và không thu hồi được.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm tham nhũng gây thiệt hại tới 2.600 tỷ USD, tương đương hơn 5% GDP toàn cầu; trong đó 1.000 tỷ USD chảy vào túi quan tham, được cất giấu và tẩy rửa tinh vi qua bất động sản hay tài khoản trong các ngân hàng trên khắp thế giới. Kinh nghiệm của thế giới cũng cho thấy, thường phải mất 10-15 năm sau khi nhà lãnh đạo nghỉ hưu hay thôi chức mới phát hiện có tham nhũng và cũng chỉ có khoảng 10-15% số tài sản này được thu hồi về ngân quỹ.

Theo báo cáo của Chính phủ về việc sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng thì trong 5 năm (từ 2007 đến 2012), toàn ngành Thanh tra và các cấp, các ngành đã kết thúc hơn 52.000 cuộc thanh tra, phát hiện nhiều thiếu sót, sai phạm, kiến nghị thu hồi ngân sách nhà nước trên 20.700 tỷ đồng và gần 3,8 triệu USD... Các dạng vi phạm về tài chính chủ yếu là nợ tiền thuế doanh nghiệp, nợ tiền sử dụng đất, tiền cổ phần hóa doanh nghiệp chậm nộp, chiếm dụng vốn, thu chi sai quy định, nghiệm thu không đúng khối lượng trong xây dựng…

Các vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý với số lượng lớn, khởi tố hơn 1.400 vụ với 3.100 bị can. Qua điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng đã thu hồi về ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng và 218,8 ha đất.

Số liệu thống kê cho thấy chỉ tính riêng năm 2011, hậu quả do hành vi tham nhũng gây ra khoảng 11.000 tỷ đồng, nhưng mới chỉ thu hồi khoảng 300 tỷ đồng, tương ứng với 2,6%, tức là còn tới 97,4% chưa và không thu hồi được. Đầu năm 2012, tình hình cũng không có nhiều chuyển biến khi con số kiến nghị thu hồi hơn 6.400 tỷ đồng nhưng thực tế mới thu về được 141 tỷ đồng. Tỷ lệ phát hiện và thu hồi chênh nhau tới 46 lần.

Nhiều chuyên gia cho rằng, qua nhiều vụ án tham nhũng cho thấy, người phạm tội này đã có sự “tính toán” từ trước, tài sản không đứng tên họ mà đứng tên người thân, tiền của thì gửi ra nước ngoài… Thậm chí khi bị cơ quan điều tra phát hiện, họ trốn ra nước ngoài và sống sung túc.

Phải bóc tách tài sản tham nhũng đề thu hồi

Theo tiến sĩ Trần Văn Đạt (Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp), Luật Phòng, chống tham nhũng mới chỉ quy định việc xử lý đối với người kê khai không trung thực hoặc kê khai không đầy đủ, chưa có quy định với người không kê khai tài sản.

Với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, pháp luật hiện hành còn thiếu quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài. Đồng thời, những quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa toàn diện.

Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ luật hình sự thì tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm phải là tài sản hoặc tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm. Nghĩa là nếu số tiền hay tài sản đó đã được thay hình đổi dạng, tách xa khỏi tội phạm ban đầu (điều thường xảy ra đối với tội phạm tham nhũng) sẽ rất khó cho cơ quan chức năng thực hiện việc thu hồi. Pháp luật hiện hành không quy định rõ về thẩm quyền cần thiết để có được lệnh thu hồi tài sản từ phía tòa án đối với bất động sản đang nằm ở nước khác;…

Mặt khác, do bản chất xuyên quốc gia của tội phạm, việc thu hồi tài sản thường phải truy tìm ở một số nước khác nhau. Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng yêu cầu hợp tác quốc tế mạnh mẽ trong việc việc thu hồi tài sản. Trong khi đó, quy định hiện hành của Việt Nam về tương trợ tư pháp không quy định rõ về việc cho phép lập lệnh thu hồi tài sản nước ngoài. 

Vì vậy, theo tiến sĩ Đạt, để có hiệu quả thu hồi, xử lý tài sản tham nhũng, cần sớm sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự để hình sự hóa 12 hành vi tham nhũng cho phù hợp với Luật Phòng, chống tham nhũng. Nhà chức trách cần có hướng dẫn cụ thể việc xử lý tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc; tăng cường các biện pháp quản lý tài sản, thu nhập của công chức, nhất là người giữ vị trí then chốt trong bộ máy nhà nước. 

Đối với việc kê khai tài khoản ở nước ngoài, cần bổ sung quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài; bổ sung chế tài giám sát chặt chẽ việc thực hiện kê khai, minh bạch tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai... Quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục về hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài, đồng thời cho phép Chính phủ yêu cầu nước ngoài thu hồi tài sản tham nhũng bắt nguồn từ Việt Nam hiện nằm tại nước khác, thuộc quyền tài phán của nước khác.

Còn theo tiến sĩ Nguyễn Tuấn Khanh (Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra), thực tế cho thấy, thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng vẫn là vấn đề khó. Trong nhiều trường hợp, tài sản tham nhũng, lãng phí là rất khó xác định. Những vấn đề như thất thoát, thất thu, tham nhũng, lãng phí có những khoảng giao thoa lớn mà không tách bạch được. Vì vậy, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ đơn giản xác định các biện pháp thu hồi sau khi xác định rõ tài sản tham nhũng mà quan trọng hơn cả là có biện pháp để bóc tách được tài sản tham nhũng với các loại tài sản khác do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

Không có nhận xét nào: