Pages

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

Blogger Đoan Trang: người dân thờ ơ chuyện biển Đông là do nhà nước

VRNs (13.03.2015) –Sài Gòn- Một tác giả của tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng, người dân trong nước đang “im lặng đáng sợ” trước việc TQ xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa tuy việc này “không kém phần nghiêm trọng” so với sự kiện TQ đặt giàn khoan dầu trong vùng biển VN hồi tháng 5/2014.
Tác giả Nguyễn Vinh với bài viết “Sự ‘lặng sóng’ đáng suy nghĩ” nhận định, “dư luận Việt Nam xem ra vẫn ‘lặng sóng’ trong khi giới quan sát quân sự thế giới cho đây là hành vi “‘hiếu chiến’, ‘mở rộng tiền đồn’ của TQ.”
“Phải chăng người dân đã không còn quan tâm và thấy cần phải thể hiện chính kiến rõ ràng trước những sự diễn biến liên quan đến chủ quyền đất nước?”, tác giả chất vấn tiếp, “điều gì đã thúc đẩy, dẫn tới tâm lý đó? Đã đến lúc cần phải giải mã cho được nguyên nhân và hậu quả về sự lặng im đáng sợ đó.”

Dưới đây là ý kiến của blogger và nhà báo tự do Đoan Trang về vấn đề trên:
Dân chúng Việt Nam xưa nay vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào truyền thông và giáo dục để tiếp nhận thông tin (mà phía chính quyền gọi là “tuyên truyền” và “giáo dục”, gọi tắt thành “tuyên giáo”). Cho nên, ta có thể chắc chắn rằng một khi người dân không có thông tin, kiến thức, nhận thức về một vấn đề hay một lĩnh vực nào đó, thì đó hoàn toàn là do lỗi của nhà nước, thường là lỗi cố ý.
Từ khi mạng xã hội bùng nổ, bắt đầu là với blog Yahoo! 360, ngoài cỗ máy tuyên truyền của nhà nước, công chúng Việt Nam được tiếp cận thêm với thông tin “phi chính thống”, tức là thông tin do “lề trái” đưa ra. Các blogger, các nhà dân báo thuộc lề trái đều sẵn sàng đưa tin và phổ biến thông tin về Trường Sa-Hoàng Sa-Biển Đông, quan hệ Trung Quốc-Việt Nam, và họ chẳng sợ gì kiểm duyệt. Nhưng rõ ràng, lề trái thì lại không được tiếp cận thông tin nhiều bằng lề phải, nhất là những thông tin nhà nước muốn nắm giữ và chỉ cho một số ít tờ báo “nhà trồng được”, một vài phóng viên “tay chân” của chính quyền được biết. Vậy cho nên, về cơ bản, chính quyền vẫn đang giữ thế độc quyền về những tin tức chính trị, ngoại giao, quan hệ quốc tế, nhất là tin tức về các vấn đề mà họ coi là nhạy cảm như chuyện Trường Sa-Hoàng Sa-Biển Đông.
Tôi nghĩ trong nhiều năm qua, gần như mọi phản ứng của công chúng đối với mỗi sự kiện trên Biển Đông đều phụ thuộc vào thông tin mà nhà nước cho phép báo chí tiết lộ ra cho dân chúng. Ví dụ như sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 của PetroVietnam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (ngày 26/5/2011) đã dẫn đến làn sóng biểu tình mùa hè 2011. Sự cố cắt cáp đã được báo chí lề phải đưa tin rầm rộ. Trước đó, năm 2007, cũng là báo chí lề phải đã đưa tin Trung Quốc phê chuẩn quyết định thành lập khu hành chính mang tên Thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và từ đó dẫn tới các cuộc biểu tình tháng 12/2007 ở Hà Nội và Sài Gòn.
Còn khi nào báo chí lề phải bị chỉ đạo im tiếng, thì sự kiện không được công bố trên báo, và dân chúng không còn phản ứng gì nữa. Sự kiện nào báo chí lề phải được chỉ đạo làm đậm, thì dân chúng phản ứng mạnh; sự kiện nào báo chí chỉ đề cập loáng thoáng, thì công luận cũng thờ ơ theo.
Nhìn chung, tôi thấy suy nghĩ, tư duy, thái độ và phản ứng của công luận Việt Nam vẫn phụ thuộc khá nhiều vào sự định hướng và nhào nặn của nhà nước thông qua cỗ máy tuyên truyền của họ.
Nguyên nhân của sự lặng im đáng sợ kia chỉ có thể nằm ở phía nhà nước. Dân chúng im lặng, thờ ơ, bởi vì nhà nước đã khéo léo làm cho họ thành như thế.
Hậu quả của sự im lặng đó: Chúng ta không thể biết thực chất điều gì đang diễn ra trong quan hệ Việt-Trung, nên cũng không thể biết hậu quả. Có điều tôi tin chắc rằng một xã hội mà dân chúng không có đủ thông tin thì sẽ không bao giờ là một xã hội lành mạnh, phát triển. Kịch bản tồi tệ nhất là sau này, nếu quan hệ Việt-Trung có gì trục trặc, ví dụ Trung Quốc tấn công Việt Nam chẳng hạn, thì người dân chúng ta trở tay không kịp, và suy cho cùng thì trong mọi diễn biến xấu của quan hệ Việt-Trung, chỉ có người dân Việt Nam là thiệt.
Pv. VRNs

Không có nhận xét nào: