Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Chuyện tịch thu xe hơi ở Anh

Phà nối Calais và Dunkirk với Dover vận chuyển hàng nghìn khách mỗi ngày
Đề xuất để công an Việt Nam thu xe hơi nếu người lái có nồng độ cồn cao nhắc lại việc Hải quan Anh được tịch thu xe 'chở rượu và thuốc lá quá định mức' khi từ Pháp về hơn 10 năm trước.
Sở Thuế, Hải quan và Cục Biên phòng Anh Quốc từng được chính phủ cho quyền khám xe của những người đi từ Pháp về, chủ yếu qua cửa khẩu Dover, để chống nạn buôn lậu rượu và thuốc lá.

Người mang hai loại hàng này vượt quá một định mức nếu không chứng minh là họ dùng cho nhu cầu cá nhân sẽ bị thu hàng và tịch thu cả xe hơi.
Ở Kent, quận có các cửa khẩu Dover và Folkestone đón khách qua lại từ Calais của Pháp, bên kia eo biển English Channel, còn có cả một bãi giữ xe bị tịch thu rồi đem ra bán, thu tiền cho ngân sách.
Chỉ trong hai năm 2000-2001, có hơn 10 nghìn xe riêng, xe tải đã bị tịch thu trên tuyến đường từ Pháp sang Anh.
Quy định của Anh và EU chỉ cho mỗi cá nhân mua và mang về dùng 800 điếu thuốc lá, 10 lít rượu mạnh, 90 lít rượu vang, 110 lít bia, 1 kg thuốc lá sợi và 200 điếu xì gà.
Nhưng đến năm 2002 có một vụ kiện khiến chính quyền Anh phải thay đổi chính sách tịch thu xe hơi để phạt người mang hàng quá mức.
Gia đình ông bà Alan và Pauline Andrews cùng một người bạn là George Wilkinson sang Pháp bằng chiếc xe của em ông Alan Andrews là bà Lynne.
Sau khi mua hàng bên Pháp, họ trở về Anh bằng phà, nhập cảnh ở cảng Dover và bị kiểm tra xe.
Vợ chồng ông bà Andrews có mua thuốc lá và rượu nhưng chứng minh được rằng chỉ để dùng cho cá nhân, không vi phạm quy định của Liên hiệp châu Âu rằng các mặt hàng này chỉ được buôn bán qua các đại lý chính thức, cấm chuyển qua biên giới để bán chợ đen.
Nhưng vị khách đi cùng xe, ông Wilkinson đã mua 10200 điếu thuốc lá, 8 kg thuốc lá sợi và hai chai rượu vang nên bị cho là vi phạm.
Theo báo The Guardian hôm 1/8/2002, chiếc xe bà Lynne làm chủ đã bị tịch thu dù bà không có mặt tại đó.
Ba người kia phải ra phố ở̉ cảng Dover mua vé tàu đi về nhà tại Cheshire sau khi ‘bị đối xử như tội phạm’.
Họ kiện Hải quan ra tòa và đã thắng.
Tòa án yêu cầu Hải quan trả lại cả xe hơi và mọi hành hóa tịch thu trong vụ việc liên quan đến gia đình Andrews và ông Wilkinson.
Phán quyết này được các công ty lữ hàng xuyên eo biển sang Pháp hoan nghênh và được nhiều người Anh cùng báo chí bình dân cho là rất hợp lý.
Cũng cần nói thêm đây là quy định duy nhất từng tồn tại cho phép chính quyền tịch thu xe hơi của công dân.
Ở Anh, người vi phạm luật giao thông như đi vượt tốc độ, lái xe khi có nồng độ cồn cao trong máu quá quy định, chỉ bị phạt tiền và trừ điểm trên bằng lái.
Nặng quá, nhất là khi lái xe gây tai nạn thì bị thu bằng và có thể bị cấm lái trong một thời gian, sau đó phải thi lại để lấy bằng mới.
Thậm chí hiện nay các xe tải chở lậu người nhập cư trái pháp vào Anh cũng chỉ bị phạt nặng, lên tới 15 nghìn bảng một trường hợp, nhưng nhà nước không tịch thu xe vì coi đó là sở hữu của công ty vận tải và phương tiện kiếm sống của tài xế.

Bài học pháp lý

Xe hơi Anh chờ kiểm tra ở một cửa khẩu - hình minh họa
Câu chuyện 'đề xuất tịch thu xe hơi' ở Việt Nam có những nguyên do và hệ quả có thể khác Anh Quốc nhưng một số bài học về hệ thống pháp quyền ở Anh cũng có giá trị tham khảo.
Trong vụ tịch thu xe của gia đình Andrews kể trên, thẩm phán Anh (Lord Justice Brooke) cho rằng nguyên tắc pháp quyền đã bị Hải quan vi phạm vì họ đẩy gánh nặng chứng minh ‘hàng tiêu dùng cá nhân’ hay ‘hàng mua để bán lại’ sang phía công dân.
Bởi trong một nhà nước pháp quyền, trách nhiệm của nhà chức trách là chứng minh người dân vi phạm hay không chứ không thể buộc người dân ‘chứng minh mình không vi phạm’.
Hơn nữa, vị thẩm phán cũng cho rằng việc tịch thu xe hơi là hình phạt ‘quá hà khắc’ (draconian), và đề nghị bên hành pháp bỏ quy định đó.
Trong hệ thống tam quyền phân lập, phía tư pháp như trong vụ việc này đã dùng quyền của mình để hạn chế mức sử dụng quyền lực thái quá của bên hành pháp.
Vị thẩm phán cũng yêu cầu Hải quan và cảnh sát Anh bỏ kiểu chặn đường kiểm tra bất chợt.
Vì hành vi này, hơi giống chuyện công an ở Việt Nam ẩn náu trong lùm cây để bắt người vượt tốc độ giao thông, bị cho là thiếu chính danh.
Ở một số nước, trước khi bắt giữ hay kiểm tra công dân, nhà nước cần thông báo rõ thời gian, địa điểm để tỏ ra công khai chứ không thể ‘gài bẫy’ người dân.
Ngay sau khi tòa có phán quyết này, Hải quan và Biên phòng Anh ra tuyên bố ngừng ngay các vụ chặn đường bất chợt kể khám xe những người mua bán từ Pháp trở về qua cửa khẩu Dover.
Bên hành pháp Anh đã tôn trọng nguyên tắc tam quyền phân lập chứ không cãi cùn hoặc tìm cách biến báo luật lệ cho được việc mình.
Tòa án Anh có nghĩa vụ kiềm chế các hoạt động thái quá của bên hành pháp
Tuy thế, trong lúc chờ chính sách mới, Hải quan Anh tiếp tục tịch thu xe hơi của người mua rượu và thuốc lá quá định mức, dẫn tới một vụ kiện tiếp theo năm 2004.
Trong vụ này, một lần nữa, bên tư pháp, qua phán quyết của Nữ thẩm phán, Lady Justice Hale, cho rằng Hải quan tịch thu hàng thì hợp lệ nhưng đã làm trái luật khi thu xe của ông bà Ian và Jennie Newbury, người Isleworth, Middlesex.
Các vụ này gây ra bức xúc chung, và chỉ trong năm 2001 đã có 844 vụ khiếu nại về hoạt động chặn xe, khám hàng bia rượu, thuốc lá của Hải quan Anh, tăng gấp đôi năm 2000, theo báo The Guardian.
Tuy đây không phải là con số lớn so với hàng nghìn người qua lại cửa khẩu Dover hàng ngày như cũng là hai ba vụ khiếu nại mỗi ngày, chứng tỏ chính sách của Hải quan có chuyện gì đó không ổn, khiến báo chí lên tiếng mạnh mẽ.
Một số nhóm bảo vệ quyền công dân còn nhân đó tung ra cuộc vận động gọi chính phủ Anh là ‘chế độ Đông Đức’, ý nói quá hà khắc, đặt ra luật không để bảo vệ biên giới mà nhằm trừng phạt công dân và kiếm tiền cho ngân sách.
Cuối cùng, sang năm 2006, quy định khám hàng và tịch thu xe đã bị bỏ và chấm dứt câu chuyện đa số người đi xe từ Anh sang Pháp đều bàn tới một thời.

Không có nhận xét nào: