Pages

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Hồ sơ Dân oan từ tuần 97 đến 101

VRNs (11.03.2015) – Tuần thứ 97 đến 101, tức từ ngày 02/02 đến ngày 07/03/2015, Văn phòng nhận được hồ sơ của Dân oan các Tỉnh/Thành phố Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Tiền Giang và Tây Ninh.
1) THỪA THIÊN – HUẾ:
Ông Hồ Bảo Lộc – cư trú tại 7/9 Nguyễn Thị Diệu, phường 6, quận 3, Sài Gòn: Ông cho biết: “Nguyên nguồn gốc ngôi nhà số 28/3 đường Nguyễn Huệ- TP Huế, tọa lạc trên thửa đất D.188, diện tích 263 m2 thuộc sở hữu của bà ngoại tôi (Nguyễn Hữu Thị Dương) đã cho mẹ tôi (bà Nguyễn Thị Nho Liên) được toàn quyền hưởng trọn căn nhà từ ngày 27/10/1980. Từ đó, mẹ tôi cho ông Lương Hữu Minh ở nhờ một thời gian nhưng sau đó ông Minh cứ ở lì không chịu trả phần nhà ở nhờ. Vì thế mẹ tôi đã khiếu nại từ năm 1981 đến nay. Quá trình giải quyết qua nhiều cơ quan, khi thì TAND thành phố Huế, khi thì Ban cải tạo nhà đất- Ty xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế, khi thì do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, khi thì Sở xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý nhưng không có cơ quan nào trả lời dứt điểm khiếu nại của mẹ tôi mà cứ chỉ chúng tôi chạy lòng vòng suốt 24 năm nay. Hầu như năm nào mẹ tôi cũng gởi đơn khiếu nạo đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn không có cơ quan nào trả lời cả. Nay mẹ tôi quá đau khổ nên phát bệnh mà chết vào ngày 04/10/2005 thì Sở xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế mới ra văn bản trả lời là Công văn số 1584/SXD-TTr ngày 21/12/2005…”  Hồ sơ Ông gửi Văn phòng thiếu nhiều tài liệu quan trọng như QĐ số 695/QĐ-UBND ngày 28/5/1979 quản lý nhà đất của gia đình ông; QĐ giải quyết khiếu nại số 1245/QĐ-UBND ngày 16/5/2006 của UBND tỉnh Thừa thiên- Huế; Văn bản số 1584/SXD-TTr ngày 21/12/2005 của Sở Xây dựng tỉnh…Sau khi ông cung cấp các tài liệu này, Văn phòng sẽ có ý kiến hướng dẫn ông .


2) TỈNH LÂM ĐỒNG
Bà Lê Kim Trang – huyện Bảo Lâm: Bà khiếu nại: “Gia đình tôi có diện tích đất nông nghiệp là 8.710 m2 thuộc thửa 217; 219 tờ bản đồ số 24. Giấy CNQSD đất 349.949 và 349.950. Đất có nhà ở, đối diện khu nhà ở công nhân Bauxit, thuộc tổ 15 thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm. Nay bị thu hồi để làm khu văn hóa, thể thao khu công nhân Bauxit. Vào tháng 8 năm 2008 nhân viên của TTPTQĐ (Trung tâm phát triển quĩ đất) tỉnh Lâm Đồng có đến diện tích nói trên để kiểm trạng hiện trạng, tài sản có trên đất “dự kiến thu hồi để thực hiện dự án”. Sau đó, gửi bản chiết tính chi tiết bồi thường cho gia đình tôi, đến tháng 4 năm 2009 TTPTQĐ tỉnh Lâm Đồng báo cho gia đình tôi lấy tiền bồi thường, hỗ trợ …. Ngoài ra không có một giấy tờ gì khác của UBND huyện Bảo Lâm liên quan đến thu hồi đất của gia đình tôi đang canh tác. Tôi chưa nhận tiền vì tôi chưa nhận được quyết định thu hồi đất”.
Vụ việc của gia đình đã được UBND huyện và tỉnh ra quyết định giải quyết khiếu nại năm 2011, 2012. Và TAND huyện Bảo Lâm vào ngày 8/9/2014; TAND tỉnh Lâm Đồng vào ngày 25/11/2014 đã có Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính , với lý do: “… đối với Quyết định số 1041/QĐ-UBND ngày 16/12/2009 của UBND huyện Bảo Lâm và Quyết định số 5470/QĐ-UBND ngày 27/12/2011 của UBND huyện Bảo Lâm thì người khởi kiện đã hết thời hiệu khởi kiện mà không có lý do chính đáng. Đối với Quyết định số 5221/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 của Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm và Quyết định số 3965/QĐ-UBND ngày 20/8/2012 của Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm đây là Quyết định giải quyết khiếu nại không có nội dung sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ Quyết định hành chính do vậy cả 2 Quyết định này không thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án hành chính”.
Trường hợp này, Quyết định số 5221/QĐ-UBND ngày 12/12/2011 của Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm xác nhận “ngày 30/12/2010 Trung tâm phát triển quĩ đất Lâm Đồng đã giao quyết định thu hồi đất số 1041/QĐ-UBND ngày 16/2/2009 của UBND huyện Bảo Lâm cho gia đình ông Quí, nhưng gia đình ông không nhận…”. Và: “Ngày 13/5/2009 Trung tâm phát triển quĩ đất Lâm Đồng đã gửi giấy mời hộ ông Quí đến nhận tiền đền bù lần thứ 3….”. Rõ ràng là UBND huyện Bảo Lâm đã làm trái qui định pháp luật vể thu hồi đất, bồi thường….Cụ thể, về trình tự, thủ tục thu hồi đất, và thực hiện bồi thường, tái định cư Nghị định 84/2007/NĐ-CP qui định rất chặt chẽ các bước tiến hành, “Sau khi phương án tổng thể được xét duyệt, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thông báo cho người đang sử dụng đất biết lý do thu hồi đất; dự kiến về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; biện pháp chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm; thời gian di chuyển và bàn giao đất bị thu hồi được nêu trong phương án tổng thể. Người sử dụng đất có quyền căn cứ vào quy định của pháp luật để nhận xét, đề đạt hoặc yêu cầu Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng giải thích về những nội dung đã được thông báo” (Điều 52). “Sau hai mươi (20) ngày, kể từ ngày thông báo…, cơ quan Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trìnhỦy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất….Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi” (Điều 53). “Sau khi có quyết định thu hồi đất, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thực hiện việc kê khai, kiểm kê đất đai, tài sản gắn liền với đất và xác định nguồn gốc đất đai theo trình tự, thủ tục …” (Điều 55). “Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (có sự tham gia của đại diện chủ đầu tư và đại diện của những hộ có đất bị thu hồi) có trách nhiệm lập và trình phương án cụ thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (sau đây gọi là phương án bồi thường) theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP và Nghị định số 17/2006/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục…” (Điều 56). “Trong thời hạn không quá ba (03) ngày, kể từ ngày nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được phê duyệt, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi, trong đó nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã bị thu hồi cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng...”(Điều 57). “ Sau năm (05) ngày, kể từ ngày gửi văn bản thông báo về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến người có đất bị thu hồi, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ” (Điều 58). UBND huyện đã làm “ngược” trình tự, thủ tục là kiểm kê tài sản…từ năm 2008 (trước khi có quyết định thu hồi). Không tuân thủ trình tự thu hồi, bồi thường như không thông báo thu hồi cho gia đình ông Quí, giao quyết định thu hồi trễ 22 tháng, có kế hoạch bồi thường trước khi có quyết định thu hồi và không lấy ý kiến, không công khai…Điều 60 Nghị định này qui định rõ chỉ được cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ khi có đủ các điều kiện…đã “Thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 49, 50, 51, 52, 53, 54, 55, 56, 57, 58 và 59 Nghị định này”. Ở đây, UB không thực hiện đúng trình tự nhưng cưỡng chế thu hồi đất là trái pháp luật…Văn phòng sẽ trao đổi và hướng dẫn Bà qua điện thoại.

3) QUẢNG NGÃI :
Mục sư Nguyễn Luận – TP. Quảng Ngãi: Mục sư tố cáo “chính quyền đàn áp cơ sở tôn giáo, lấy đất cấp cho các hộ chiếm đoạt- bao che hành vi vi phạm pháp luật. Đùn đẩy kéo dài, không chịu giải quyết”. Vụ việc, theo Biên bản làm việc ngày 5/11/2010 của Đoàn Công tác Bộ Tài nguyên & Môi trường (theo văn bản số 4091/BTNMT-TTr): “Nguồn gốc, quá trình quản lý sử dụng đất: tháng 8 năm 1974 ông Nguyễn Luận được Ty Điền địa tỉnh Quảng Ngãi cấp cho 4700 m2 để xây dựng cơ sở tôn giáo. Ngày 30/8/1974 Tổng hội Hội truyền giáo Cơ đốc Việt Nam biểu quyết cấp riêng cho Mục sư Nguyễn Luận các thửa đất số 37, 38, 39 với tổng diện tích 2160 m2 trong tổng diện tích 4700 m2. Khoảng những năm 1975 đến 1978 gia đình ông chỉ còn sử dụng 782 m2 trong tổng diện tích 2160 m2. Diện tích còn lại bị các hộ dân lấn chiếm gồm các hộ bà Lương Thị Hóa, hộ ông Phạm Văn Sắc, và hộ ông Võ Cường. Số diện tích 782 m2 gia đình ông sử dụng ổn định không tranh chấp đến nay.
Đối với diện tích còn lại, năm 1974 ông có xây dựng Nhà thờ có diện tích khoảng 400 m2 và xây dựng Cô nhi viện khoảng 100 m2. Năm 1975, ông Luận dỡ bỏ Cô nhi viện chỉ còn lại nền nhà Cô nhi viện. Năm 1978 ông Luận đồng ý cho bà Trượng Thị Xí ở trên một phần nền nhà Cô nhi viện.
Năm 1993 gia đình ông có làm thủ tục đăng ký kê khai quyền sử dụng đất với tổng diện tích 4700 m2 nhưng chưa được xác nhận của chính quyền địa phương.
Nguyện vọng của ông Luận: được Nhà nước giải quyết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông”.  
Trước đó, UBND thị xã Quảng Ngãi có quyết định số 437/QĐ-UB ngày 7/12/1999 về việc giải quyết đơn đòi lại quyền sử dụng đất của ông Nguyễn Luận công dân phường Chánh Lộ – thị xã Quảng Ngãi và sau đó, ngày 12/9/2000, UBND tỉnh có quyết định 4255/QĐ-UB: “Không chấp nhận đơn của ông Nguyễn Luận yêu cầu về việc: đòi lại quyền sử dụng các thửa đất 900/2/340 m2; 901/2/770 m2; 907/2/680 m2 tại khối 2, phường Chánh Lộ, thị xã Quảng Ngãi (đo vẽ năm 199?-bản photo không rõ), bởi vì trái với khoàn 2 Điều 2 Luật đất đai 1993 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật đất đai 1998 quy định: “Nhà nước không thừa nhận viêc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước VNDCCH, Chính phủ CMLTCHMNVN và Nhà nước CHXHCNVN”. Theo Mục sư Luận: “Chúng tôi khẳng định cơ sở Tôn Giáo chúng tôi từ trước đến nay chưa hề và không có, việc ký giao cho một cá nhân nào? Và cơ quan nhà nước nào? Vậy căn cứ trên cơ sở nào? Và tại sao? nói chúng tôi đã ký giao cho người khác sử dụng? Đây là bịa đặt, dùng quyền lực áp chế, tước đoạt quyền và lợi ích của tôn giáo chúng tôi…triệt hạ, chụp mũ cơ sở tôn giáo…”. Do còn thiếu nhiều tài liệu, giấy tờ…Văn phòng sẽ trao đổi trực tiếp với Mục sư trước khi có hướng dẫn cụ thể.
4) TIỀN GIANG:
Bà Lương Thị Nho – TT Cái Bè: Bà viết: “xin đại diện cho dân nghèo khu 2 tổ 5 + 3, Tổ phó tổ tự quản kính nhờ Văn phòng Công lý- Hòa bình DCCT Sài Gòn giúp đỡ chúng tôi để lấy lại cái hẻm đã có từ trước và sau giải phóng…”. Vụ việc theo Đơn khiếu nại đề ngày 18/9/2014, các hộ dân trình bày : “Chúng tôi là những cư dân đã sinh sống ở đây rất lâu, con hẻm công cộng ở tổ 3 và tổ 5, Khu 2, TT Cái Bè, huyện Cái Bè nói trên có từ trước ngày giải phóng. Chính quyền địa phương của chế độ cũ đã quy hoạch những con hẻm dọc theo bờ sông (phía trên lộ có hẻm thì phía dưới sông cũng có hẻm) để bà con tắm rửa, giặt giũ cũng như gánh nước để dùng, con hẻm công cộng này nằm giữa hộ Dương Kim Lang và Phạm Văn Ninh (ông thầy giáo ở hẻm phía trên thầy lục sử dụng nhiều nhất).
Vào khoảng năm 2004, khi bà con phát hiện con hẻm đã bị lấn chiếm mất, bà con có làm tờ tường trình lên Ban quản lý khu phố (Khu 2, thị trấn Cái Bè). Lúc bấy giờ, ông Năm Muốn (trưởng khu), ông Ba Khu (Bí thư chi bộ khu 2) có xuống hiện trường lập biên bản và đồng thời ông Năm Ninh ký vào biên bản chiếm dụng con hẻm, cùng lúc đó bà con vận động tiền mua 5 cây cột đá và mướn chú Lê Tấn Mẫn trồng 5 cây cột đá nói trên từ đầu con hẻm cho tới dưới bờ sông. Một thời gian sau bà con phát hiện ông Năm Ninh cố tình xây bít đầu đường hẻm và đồng thời nhổ mất 5 cây cột đá xanh cấm làm hàng rào”.
Vụ việc được Ủy ban nhân dân huyện Cái Bè ra Văn bản số 1420/UBND-NC ngày 22/7/2014 nêu rõ: “…Theo biên bản xác minh ngày 18/11/2013 thì con hẻm này có từ trước năm 1975 trên phần đất cặp sông Cái Bè của ông Võ Văn Dón, có vị trí giáp ranh đất của ông Dương Kim Lang, để nhân dân khu vực xuống sông Cái Bè gánh nước, tắm rửa, giặt đồ và đổ rác. Sau năm 1975, thì con hẻm này vẫn còn sử dụng. Đến khoảng năm 1990, ông Dón cho gia đình ông Phạm Văn Ninh thuê phần đất cặp sông Cái Bè lúc này con hẻm vẫn còn sử dụng để gánh nước, tắm rửa, giặt đồ, đổ rác và đến khi hết hạn thuê đất thì con ông Dón là ông Võ Văn Tròn đứng bán phần đất này cho ông Ninh từ đó ông Ninh dần dần để gạch, đá bán vật liệu xây dựng trên phần đất con hẻm và xây tường bít con hẻm để sử dụng đến nay… Như vậy, theo biên bản xác minh và biên bản đối thoại thì con hẻm (lối đi) này có từ trước 1975 gắn liền với phần đất của ông Dón. Tuy nhiên, nếu xét về hồ sơ quản lý đất đai thể hiện như sau: theo số liệu 299 năm 1986 thì khu vực này là khu dân cư khoanh bao tập trung, không thể hiện từng thửa đất của từng hộ dân sử dụng, cho nên cũng không có con hẻm công cộng.
Đến năm 2001, có chủ trương đo đạc bản đồ tỷ lệ 1/500 và xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu dân cư khoanh bao tập trung thị trấn Cái Bè, do Xí nghiệp trắc địa bản đồ 301 tổ chức thực hiện. Tại thửa đất số 14, tờ bản đồ số 20 do ông Ninh đăng ký đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính thì hồ sơ kỹ thuật thửa đất và biên bản xác định ranh giới, mốc giới đầy đủ các hộ giáp ranh ký tên, đồng thời không có thể hiện con hẻm trong thửa số 14 cặp ranh đất của hộ ông Dương Kim Lang. … Về khẳng định có hay không có con hẻm công cộng này thì tại Báo cáo số 85/BC-UBND ngày 24/10/2013 của UBND thị trấn Cái Bè có nêu trên phần đất của ông Phạm Văn Ninh giáp với ông Dương Kim Lang là không có thể hiện con hẻm công cộng (căn cứ vào bản đồ đo đạc 301 năm 2001 do UBND Thị trấn Cái Bè quản lý và Hồ sơ kỹ thuật – biên bản xác định ranh giới của ông Phạm Văn Ninh được hộ ông Dương Kim Lang ký giáp ranh không có con hẻm). Tóm lại, theo kết quả xác minh của Phòng tài nguyên và môi trường huyện thì con hẻm này có từ trước năm 1975 gắn liền với phần đất của ông Dón (nay là đất ông Ninh). Về mặt quản lý đất đai thì từ năm 1986 không có thể hiện con hẻm, và từ năm 2001 cho đến nay cũng không có thể hiện con hẻm công cộng trên bản đồ địa chính”. Văn bản này của UB có nhiều điểm mâu thuẫn, khó hiểu: Nếu đã có xác minh có con hẻm công cộng từ trước 1975 thì việc “hồ sơ quản lý” không thể hiện có hẻm là thiếu sót của cơ quan quản lý. Thiếu sót này là cố ý hay vô tình? Phải làm rõ. Và tại sao năm 2001 có bản đồ “không thể hiện hẻm” mà năm 2013 vẫn “xác minh có con hẻm công cộng từ trước 1975”? Năm 1986, do “không thể hiện từng thửa đất của từng hộ dân” nên cũng “không thể hiện (được) con hẻm công cộng” chứ không phải là “về mặt quản lý đất đai” năm 1986 không có hẻm như UB “tóm lại”. Việc cấp giấy chứng nhận QSD đất cho ông Ninh (có con hẻm) cũng đầy mâu thuẫn, có vấn đề. Theo văn bản 1420 này của UB thì năm 2002, ông Ninh đăng ký đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính…Hội đồng đăng ký xét duyệt cấp GCN QSD đất thống nhất xét cấp giấy chứng nhận cho ông Ninh diện tích 317, 5m2 thửa số 14, tờ bản đồ số 20 ….Mà rồi “ngày 3/6/2008, UBND Cái Bè chứng thực hợp đồng chuyển nhượng QSD đất và tài sản gắn liền với đất giữa ông Võ Tấn Tròn (con ông Võ Văn Dón chết 1996 và bà Cao Thị Diệp chết 2006) với gia đình ông Phạm Văn Ninh và đến ngày 30/3/2012, UBND huyện cấp GCN QSD đất cho Ông Ninh với diện tích 317,5m2 thữa số 14, tờ bản đồ số 20”? Như vậy, tại sao năm 2002, ông Ninh đã đăng ký, làm nghĩa vụ tài chính và được xét cấp giấy thì sao năm 2008, con ông Dón lại phải làm thủ tục chuyển nhượng cho ông Ninh? Và sao mãi năm 2012 thì mới lại cấp giấy cho ông Ninh? Nếu nói đất của ông Dón thì sao lại xét cấp giấy cho Ông Ninh vào 2002. Và sao đã xét thống nhất cấp giấy, cho ông Ninh đóng thuế từ 2002, thì con ông Dón còn quyền gì để “chuyển nhượng” vào năm 2008? Và năm 2012 cấp giấy cho ông Ninh là căn cứ vào đâu? Do vụ việc ở xa, Văn phòng đề nghị bà con nhờ Luật sư hoặc liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý Tỉnh Tiền Giang, địa chỉ: Số 17 Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho; Điện thoại: 073. 3879582 để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
5) TÂY NINH:   
Ông Thương phế binh VNCH Bùi Văn Dìa – H. Dương Minh Châu: Vụ việc ông khiếu nại “đền bù, bồi thường do bị cưỡng chế trái pháp luật…dự án khu công nghiệp Chà Là” đã được Văn phòng thông tin (tuần 22 và tuần 28). Nay theo Biên bản tiếp công dân lúc 9h00 ngày 3/3/2015, tại Trụ sở tiếp công dân Trung ương ở Sài Gòn, Đại diện Ban tiếp công dân Trung Ương, Đại diện Cục III, Thanh tra Chính phủ “đã tiếp 34 công dân của tỉnh Tây Ninh (có danh sách kèm theo- Ông Bùi Văn Dìa có số thứ tự 19) khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường ở các dự án nông trường cao su Bổ Túc, Dự án khu du lịch di tích núi Bà Nà, Dự án nông trường mía nước trong, Khu công nghiệp Chà Là, Dự án ban đời sống nhà máy đường nước trong, nông trường mía huyện ủy Tân Châu, dự án 327 công ty cao su 1/5 và một số hộ lẻ… Ý kiến của đại diện cục III, TTCP: Lãnh đạo cục III, Thanh tra chính phủ sẽ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân vào trong thời gian 24/3 – 4/4/2015. Khi tiếp sẽ có thông báo cụ thể và lịch cụ thể đến các hộ dân”. Văn phòng đề nghị ông Bùi Văn Dìa liên hệ Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Tây Ninh, Địa chỉ: Số 82 đường Trần Hưng Đạo, phường 2, thị xã Tây Ninh tỉnh Tây Ninh, Điện thoại: 066.3826497 nhờ cùng tham gia buổi tiếp khi nhận được lịch thông báo, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
Văn phòng Công lý-Hoà bình
Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

NÓI TỚI CHUYỆN ĐẤT ĐAI LÀ NÓI TỚI THỦ TỤC ĐẦU TIÊN LÀ TIỀN ĐÂU . RA BẮC HỎI ĂN BAO NHIÊU NGÀN ĐÔ LA ?( Ổ THAM NHŨNG BẮC KỲ ĐÒI ĐÔ KG.)Ổ THAM NHŨNG NAM KỲ TÍNH BẰNG TỶ TỶ KG À? ĐẢ ĐẢO CSVN BÁN NƯỚC HẠI DÂN LŨ CHÓ ĐẺ TAY SAI TÀU CỘNG.