Pages

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

IS đang tiến tới?

Việt-Long- RFA

boko-haram

Quân khủng bố Boko Haram
Courtesy of ibinda.com


Vươn vòi bạch tuộc?

Trong lúc Israel, Hoa Kỳ và nội bộ Washington chưa hết cãi lẫy về việc chính phủ Mỹ đàm phán để ký kết hiệp ước giải tỏa cấm vận và kiềm chế kế hoạch hạt nhân của Iran, thì từ châu Phi, lực lượng phiến quân khủng bố Boko Haram thệ nguyện trung thành và sẽ thực hiện cuộc thánh chiến Hồi giáo theo đường  lối quân IS đang làm.
Trước đó lực lượng gọi là Nhà nước Hồi giáo, IS, đã chiếm được ảnh hưởng ở mạn đông Libya. Quân khủng bố tự nhận theo IS ở nơi này đã khai chiến với thế giới bằng hành động hành quyết 21 công nhân Ai Cập theo Thiên chúa giáo Coptic.
Washington đang nhức đầu vì vấn đề Iran và Israel, vấn đề Nga và Ukraine, phải chăng là lúc quân IS lấy đà phát triển mạnh mẽ trên nhiều châu lục?
Từ ngày nổi dậy đến nay IS đã thu phục được một số những lực lượng quân sự và những ổ khủng bố của Al-Qaeda. Trước hết là một số thành phần thuộc lực lượng Al Nusra đang kháng chiến chống chính phủ Assad ở Syria. 
al-nusra
Quân khủng bố al-Nusra hành quyết công khai nhà báo Syria
Xem kỹ, Al Nusra tự nhận có liên hệ với Al Qaeda ở Iraq nhưng tuyên bố mục tiêu chính là lật đổ chính phủ Assad để chiếm quyền tại Syria, mà không nhắm tấn công khủng bố các nước phương Tây. Những phần tử cực đoan nhất của Al Nusra đã chạy sang hàng ngũ IS, nhưng tỉ lệ không lớn. Gần đây còn có tin tay chỉ huy của IS tên Omar al-Farouq al-Turkicia tại Hasaka đã bị giết trong cuộc chạm súng với al-Nusra ở thị trấn Markata thuộc Hasaka.
Tại Libya giữa tình trạng vô chính phủ sau khi Gaddafi bị lật đổ, các lực lượng dân quân Hồi giáo nổi lên ở mạn đông bắc, tự nhận theo al Qaeda. IS đã lũng đoạn những lực lượng này, đưa người đến Libya lập trại huấn luyện khủng bố, tuyển mộ thêm dân quân địa phương.
IS có được sự phát triển này là nhờ chiêu bài thánh chiến bằng chiến tranh khủng bố đã thu hút được những kẻ cực đoan, hầu hết theo Hồi giáo Sunni, và nhờ đó thu phục được một số lực lượng của Al Qaeda. Đó là hiện tượng phát triển trước mắt của IS. Tuy nhiên sự phát triển này chưa có dấu hiệu bền vững, lâu dài.

Hiện tượng và thực chất

Về hiện tượng, người ta thấy IS phát triển mạnh mẽ ở châu Phi, cả tại châu Á, ở  Philippines, khi nhóm khủng bố  Abu Sayyaf cũng tuyên hứa trung thành với IS.  Nhưng nếu quan sát tình hình ngay tại địa bàn gốc của IS ở Iraq, Syria, thì rõ ràng những cuộc không kích của liên minh quân sự Hoa Kỳ-Á Rập đã khiến quân khủng bố mất đi ưu thế lớn nhất, đó là động năng tấn kích, cũng là đà phát triển ở ngay tại gốc rễ.
Hôm thứ tư quân đội Iraq cùng lực lượng Pesmerga của người Kurd bên cạnh các lực lượng dân quân Hồi giáo Shi-A và Sunni của Iraq, tất cả khoảng trên 20 ngàn quân, đã tiến chiếm quận Qadisiyah trải rộng phía bắc Tikrit, xiết chặt vòng vây quanh mấy trăm quân khủng bố IS đang kháng cự bằng mìn bẫy và bắn sẻ. Giữa đà tiến chậm, các cấp chỉ huy Iraq nói họ không cần vội vã, mà phải thận trọng chiếm từng vị trí để tránh tổn thất vô ích.
Cả tháng nay, trước cuộc hành quân tái chiếm Tikrit và tỉnh Salahuddin, quân IS đã bị lực lượng Peshmerga của người Kurd đẩy lui khỏi nhiều thành phố, thị trấn ở bắc Syria mà chúng đã chiếm đóng từ lúc dấy lên cuộc nổi dậy và chiếm Mosul ở Iraq.
Nhưng sự quy thuận của Boko Haram có chứng tỏ IS đã mở rộng địa bàn hoạt động sang các nước khác trong khi đang bị đẩy lùi ở căn cứ địa gốc rễ của phong trào?
Danh xưng "Boko Haram" có nghĩa là "Cấm giáo dục theo phương Tây", là chiêu bài đầu tiên của nhóm khủng bố vào năm 2002, chứng tỏ vào lúc đầu của cuộc phiến loạn, lực lượng này chưa xác định được lý tưởng tôn giáo và chính trị cho phong trào của họ. Đến nay Boko Haram mới chính thức tuyên thệ theo IS nhưng sau khoảng thời gian mơ hồ về chủ thuyết nhóm khủng bố này đã theo đuổi đường lối thánh chiến bằng khủng bố nhắm tới thiết lập một Nhà nước Hồi giáo ở Nigeria, từ trước khi lực lượng IS bùng phát hành động quân sự và tuyên bố chủ trương ấy.
Từ 2009 đến 2014 Boko Haram đã giết trên 5 ngàn thường dân ở Nigeria và kiểm soát một vùng rộng lớn của Nigeria, bằng những thủ đoạn tàn bạo không khác nào quân IS ở Iraq, chỉ khác ở chỗ ít phổ biến  hình ảnh lan tràn như IS mà thôi.  Việc Boko Haram tuyên thệ theo IS không làm cho ai ngạc nhiên, nghĩa là thế giới đã biết trước lực lượng này chắc chắn sẽ sớm làm như vậy, căn cứ vào hành động lâu nay của chúng. Vì thế sự liên kết này không chứng minh rằng IS đang phát triển một cách vững chắc và lâu dài, mà chỉ là hiện tượng nhất thời, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, chẳng hỗ trợ được nhau.
Tương tự, nhóm khủng bố Abu Sayyaf ở đảo Jolo thuộc tỉnh Basilan ở cực nam vùng Mindanao của Philippines trước đây từng tuyên bố theo al-Qaeda, nhưng vào tháng 9 năm ngoái cũng công bố vidéo thề tuân phục IS, cũng đòi thiết lập "Nhà nước Hồi giáo" cho Philippines và Indonesia, Malaysia! 
iraqi-shia
Một đơn vị dân quân Shi-a của Iraq
Đây chỉ là hành động "theo đóm ăn tàn" để hư trương thanh thế của một dúm vài trăm quân cướp chuyên bắt cóc người nước ngoài để đòi tiền chuộc và tống tiền, cướp phá để tự nuôi sống trong khi bị quân đội Philippines bao vây và truy lùng khắp đảo Jolo.
Tháng 11, còn có nhóm dân quân khủng bố Ansar Beit al-Maadis, nhóm được mô tả là tàn ác và tàn sát nhiều nhất ở Ai Cập, tuyên bố theo IS.
Tất cả những tổ chức kể trên đều dựa vào thanh thế của IS và chủ trương thiết lập Nhà nước Hồi giáo trên khắp thế giới của IS để khoác lên bộ áo gọi là "chính nghĩa" trong lý tưởng tôn giáo, và tiếp tục khủng bố, cướp bóc, bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục (quân Boko Haram), và tàn sát thường dân thuộc những tôn giáo nào đi khác với tín điều tôn giáo cực đoan của chúng.

Mối lo vì Iran, Iraq

Chiến cuộc tại Iraq vừa bước vào khúc quanh với cuộc tấn công của quân đội Iraq bên cạnh các lực lượng dân quân Shi-A, Pesmerga, nhưng không quân liên minh Hoa Kỳ-Á Rập lại không dự trận. Một cấp chỉ huy của dân quân Shi-A Iraq nói với báo chí rằng lực lượng dân quân của ông, với sự giúp đỡ của Iran, hoàn toàn có thể đánh đuổi quân IS ra khỏi lãnh thổ, và tiêu diệt chúng, mà không cần đến hỏa lực không kích của phương Tây và nước ngoài.
Bên cạnh lối nói khoa trương này, tin tức cho biết một tướng lãnh nổi tiếng cùng nhiều sĩ quan Iran đang có mặt trong hàng ngũ cố vấn và chỉ huy lực lượng dân quân Shi-A của Iraq.
Đây mới là một vấn đề nhức đầu cho người Mỹ, vì đó cũng là mối lo âu có tính cách chiến lược của Israel cùng nhiều nước Á Rập đồng minh của Mỹ ở Trung đông có phần lớn dân số theo Hồi giáo Sunni.
Giới nghiên cứu ở Hoa Kỳ từng nói lên mối lo ngại đó trước viễn ảnh Iran, một cường quốc Hồi giáo Shi-A ở Trung Đông, sẽ chiếm ảnh hưởng thống lãnh ở Iraq, sau đó đến Syria, gây áp lực nặng nề với Lebannon, và trực tiếp đe dọa biên giới Israel.  Tình thế như vậy được cho là sẽ xảy ra sau khi Hoa Kỳ và các đồng minh Á Rập, không thể thiếu sự góp sức của Iran, dẹp xong phong trào thánh chiến IS.
Iran từng giúp chế độ Hồi giáo Alawites của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria chống lại và đè bẹp phong trào nổi dậy. Iran cũng trực tiếp yểm trợ cho lực lượng Hezbollah theo Hồi giáo Shi-A ở Lebannon, để Hezbollah trở thành một thế lực chính trị và quân sự đáng kể, được gọi là một chế độ, một quốc gia trong một quốc gia ở xứ này.  Quân Hezbollah cũng có mặt trong chiến dịch tái chiếm Tikrit đang diễn ra.
Lực lượng tấn công tái chiếm Tikrit có hơn 20 ngàn quân bao gồm những đơn vị của quân đội Iraq, dân quân Hồi giáo Sunni, lực lượng Peshmerga của người Kurd, và dân quân Shi-A của Iraq cùng với quân Hezbollah. Lực lượng Shi-A này, được nói là giữ vai trò chủ lực trong cuộc tấn công, lại do Thiếu tướng Qasem Soleimani chỉ huy trên thực tế.

"Thánh Tử Đạo tại thế"

Tướng Qasem là tư lệnh sư đoàn lực lượng đặc biệt Quds Force, đơn vị ưu tú của quân đội Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Quds Force giữ trách nhiệm hành quân ngoại biên, hành quân bí mật. Quds Force từng yểm trợ các lực lượng quân sự Hezbollah và Palestine Hamas. Tướng Qasem chính là cố vấn cho Syria thay đổi chiến lược quân sự trong năm 2012 và lật ngược thế cờ, đánh bại quân nổi dậy.
Chỉ mang cấp bậc thiếu úy vào năm 1980 khi Saddam Hussein xâm lược Iran, ông lên đến cấp tướng chỉ huy sư đoàn 41, lúc chưa tới tuổi 30. 
qasem
Viên tướng huyền thoại, 'Hiệp sĩ Trung Đông', 'Thánh sống' Thiếu tướng Qasem Suleimani
Ông được giới quân sự quốc tế coi là một tướng lãnh kiệt xuất của Iran, được báo chí Iran xưng tụng là "Hiệp sĩ của Trung Đông". Tướng Qasem được Đại giáo chủ Ali Khamenei gọi là 'Thánh Tử đạo tại thế", hay 'Thánh sống' của Hồi giáo Shi-A. Giới nghiên cứu coi ông như nhà chiến lược hàng đầu của Iran với nhiệm vụ chống ảnh hưởng của phương Tây, chiếm ảnh hưởng thống lãnh cho Hồi giáo Shi-A; ông cũng từng hoàn thành nhiều công tác lớn về quân sự cho Iran.
Có tin tiết lộ là phụ tá ngoại trưởng Mỹ vào năm 1991 Ryan Crocker, hiện nay là đại sứ Mỹ ở Afghanistan, sau cuộc khủng bố 11 tháng 9, 2001 tại Hoa Kỳ đã đi Genève tiếp xúc bí mật với các viên chức ngoại giao Iran dưới sự chỉ đạo của tướng Qasem, để lấy ý kiến của tướng Qasem về các mục tiêu đánh bom shock-and-awe quân đội của chế độ Taliban ở Afghanistan, môt chế độ Hồi giáo Sunni cực đoan.
Việc tướng Qasem làm cố vấn chỉ huy lực lượng Shi-A của Iraq hẳn nhiên phải có sự thỏa thuận của Hoa Kỳ, nếu không phải là theo yêu cầu.
Trong lúc không một nước Á Rập nào muốn góp quân bộ chiến để tiêu diệt lực lượng IS, không rõ Tổng thống Obama và Ngũ giác đài có coi sự tiếp tay của Iran về quân sự, và có thể cả môt phần nào lực lượng bộ chiến của sư đoàn Quds Force, là chìa khóa cho cuộc chiến tranh tiêu diệt IS hay không.  Nhưng đó có thể đã là một trong những lý do khiến Israel phản đối gay gắt và giới chính trị đối lập ở Washington lo ngại là Mỹ sắp ký hiệp ước với Iran trong những điều kiện không bảo đảm được Iran sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân
.

Không có nhận xét nào: