Pages

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2015

LÊ BÁ VẬN - CHÂN DUNG NGƯỜI LÍNH VNCH CÒN MÃI VỚI THỜI GIAN


Tôi nhập ngũ trưng tập về Huế cuối hè năm 1957 (1). Cũng cuối hè năm 1957 Đại Học Huế khai giảng niên khóa đầu tiên 1957-58 cho các phân khoa Văn, Luật, Sư Phạm, Khoa Học.
Tôi giải ngũ cuối hè năm 1959 tại Huế. Cũng cuối hè năm đó trường ĐHYK Huế có nghị định được thành lập và khai giảng đúng 2 năm sau bắt đầu từ niên khóa 1961-62 cho lớp YK1, sau khi sinh viên đã học 1 năm dự bị tại trường ĐH Khoa Học.

Tôi tham gia giảng dạy tại trường ĐHYK Huế ngay từ đầu và lãnh đạo Trường vào các năm cuối của chính thể VNCH cho đến ngày 30-4-1975 khi miền Nam sụp đổ.

Cũng như tôi hơn 10 năm trước, các bác sĩ do Trường ĐHYK Huế đào tạo đã được trưng tập phục vụ trong ngành Quân Y Quân Lực VNCH. Điều khác biệt với tôi là các bạn ấy phục vụ trong thời kỳ cuộc chiến khốc liệt, ở mọi binh chủng, ở hậu phương, ở tiền tuyến.

Sát cánh với các bạn tốt nghiệp từ trường ĐHYK Sài Gòn họ đã phục vụ với danh dự, lòng quả cảm và tình thương vô biên đối với mọi đối tượng thương bệnh: đồng bào, đồng đội, đối phương theo tinh thần nhân đạo cao cả của ngành Y mà họ tuyên thệ khi ra trường.

1-Khóa 16 Trưng Tập Quân Y VNCH                          2- Quân Y tại chiến trường
Với các bạn cùng khóa 16 Trưng Tập Quân Y tình nguyện vào Nhảy Dù. Hình We Were Once Soldiers QYND1974, từ trái qua phải: Các Y Sĩ Trung Úy Nguyễn Đức Vượng, Nguyễn Văn Thắng, Bùi Cao Đẳng,Vĩnh Chánh, Nguyễn Thành Liêm, Y Sĩ Thiếu Tá Tá Trần QuýNhiếp, Lê Quang Tiến, Nguyễn Tấn Cương, Dược Sĩ Khánh. (Nguồn:ykhoahuehaingoai.com.)

Ba Y Sĩ Trung Úy thuộc ĐHYK Huế là BCĐẳng, VChánh, LQTiến, bốn Y Sĩ Trung Úy kia: NĐ Vượng, NVThắng, NTLiêm, NTCương thuộc ĐHYK Sài Gòn.)

Nhiều bác sĩ đã viết lại hồi ký rất trung thực.

   Tại hậu phương:

*BS.Nguyễn VănTự (ĐHYKH) viết về tình hình QYV Nguyễn Tri Phương, Huế trong biến cố Tết Mậu Thân đầu năm 1968; “Tại Quân y viện tinh thần phục vụ của các cấp rất cao, bình tĩnh, không lo sợ, và tôi nhận thấy không có vấn đề khác biệt trong đối xử giữa “Bạn” và “Thù” khi cấp cứu hay điều trị…” (NVTự ‘Những Gì Còn Nhớ…’ Kỷ Yếu kỷ niệm 50 năm thành lập trường’, YKH hải ngoại 2006.)

*BS.Phạm Viết Tú (QYHD5) viết về tình hình Tổng Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng: “TYV Duy Tân dù chật hẹp cũng phải dành một trại riêng biệt để điều trị tù thương binh CS… đã cứu chữa lính CS ở tại mặt trận sau đó di chuyển về các quân y viện để điều trị tiếp,…được nằm mỗi người một giường và điều trị đúng mức không phân biệt…” (PVTú, Diễn Đàn Cựu SVQY”, 2008.)  

Nơi tiền tuyến:

*BS.Vĩnh Chánh YKH7 viết: “Làm sao kể cho xiết những ngày dài lội bộ trong rừng sâu, trên những sườn đồi trơn trợt, lầm lũi quanh co theo chân các binh sĩ, chia nhau từng điếu thuốc, từng ngụm cà phê pha chung với đế, chuyền nhau từng ca cơm dưới những cơn mưa tưởng không bao giờ dứt.” (Vĩnh Chánh, “Tháng Ngày Tao Loạn”,ykhoahuehaingoai.com)
*Bác Sĩ nhà văn Lê Văn Châu viết:

 Dưới quyền chỉ huy của tôi là trung đội Quân Y gồm mười sáu y tá và tám cáng viên.
   -Bác sĩ ơi, em bị thương!

Tôi quay đầu lại. Người binh sĩ ngồi cạnh tôi ban nãy nằm ngửa người, một tay ôm cổ. Tôi gỡ tay anh ta ra, một giòng máu nhỏ chảy xuống vai. Vết thương nhẹ. Tôi bảo anh ta nằm yên đó rồi chạy về phía xảy ra tiếng nổ... (Trang Châu, “Y sĩ Tiền Tuyến.”)

*BS.Hoàng Thế Định YKH2 thuộc Tiểu Đoàn 1 Quân Y, Sư Đoàn 1 Bộ Binh, đã phục vụ 5 năm trong quân đội và 10 năm tù cải tạo viết về trận chiến ở Hạ Lào năm 1971:           

1
“… Chiến sự ngày càng khốc liệt… căn cứ Khe Sanh nhận mỗi ngày hàng trăm quả đạn rocket và đại pháo từ phía địch… Phía Sư Đoàn Dù, bác sĩ Trần Đông A bận rộn với phòng mổ của anh cách chỗ chúng tôi

hai ba ngọn đồi đất đỏ.

Tôi chạy từ hầm nầy qua hầm khác rồi tới lều vải để lựa thương, thương binh nào thấy cần giải phẫu tại chỗ, tôi làm ngay, môt số ngoài khả năng chữa trị tại chỗ cần chuyển về Bệnh Viện Tiểu Khu Quảng Trị hoặc Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, tùy mức độ bệnh. 

 Ở đây, ngoài việc chữa cho lính mình lại còn cứu mạng cho một sĩ quan Việt Cọng; y bị mảnh đạn ghim vào phổi phải mặt tím ngắc do thở không được, tôi đã giải phẫu làm phổi giả cứu sống anh ta (xem bài viết của cùng tác giả: “Quãng Đời Y Và Nghiệp” trang 116 trong Đặc San Gia Đình ATBĐ Seattle-Washington State 2011.) 

Những lần hành quân phối hợp Việt-Mỹ sau đó, toán Quân Y chúng tôi được nhập vào bệnh viện dã chiến 18th Surgery Hospital của Mỹ đóng tại Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị. Các bác sĩ Mỹ và tôi có giao ước là họ lo cho thương bệnh binh Mỹ và tôi lo cho lính VNCH, nhưng khi mổ thì nếu là bệnh binh Mỹ, bác sĩ Mỹ mổ chính và tôi phụ họ và ngược lại. (“Quãng Đời Y Và Nghiệp”  Florida 1/2011.)

Các bút ký trên ghi lại hình ảnh người y sĩ trong quân đội làm đúng thiên chức và trách nhiệm người thầy thuốc “lương y như từ mẫu” đối với tất cả mọi đối tượng thương bệnh. Dầu vậy tất cả sau này đều đi tù cải tạo, nhiều kẻ chết trong tù.

 BS.Phạm Viết Tú kể lại chuyện học tập trong trại cải tạo: “…người cán bộ nhắc tôi: ‘tội của anh to lớn lắm, anh chữa trị cho các thương binh ‘ngụy’ để chúng quay lại chống phá nhân dân’.(PVTú.)

Song trên hết qua các câu chuyện kể trên chúng ta thấy hình ảnh của người lính Cọng Hòa đầy tình người, tính người, anh dũng cầm súng bảo vệ mảnh đất tự do, bảo vệ đồng bào sinh sống trên mảnh đất tự do ấy.

Chinh chiến đã đi qua … Những hình ảnh người Lính Việt Nam Cộng Hòa còn mãi với thời gian…
Các bác sĩ thân mến của trường ĐHYK Huế. Các bạn đã cùng các bạn ở ĐHYK Sài Gòn viết kể lại hoàn cảnh đất nước, vẽ lại hình ảnh cuộc chiến khốc liệt và hoạt động của người y sĩ quân y trong thiên chức người thầy thuốc thời chiến.

Tôi cũng có vinh hạnh phục vụ trong ngành quân y Quân Lực VNCH song trong những năm đất nước thanh bình nhất. Ở miền Nam Việt Nam những năm từ 1954 đến 1963 được kể là an lạc, trong đó các năm từ 1956 đến 1960 là thanh bình tuyệt đối và thịnh vượng. Tôi đã ở trong quân ngũ từ 1957 đến năm 1959.

Nhà văn Chu Tất Tiến cũng có nhận định: Tôi nhớ những năm 54-63, chị tôi làm công chức, anh tôi từ Thiếu Úy lên Trung Úy, đóng ở Long Xuyên, mẹ tôi đi buôn bán nhỏ, mà gia đình chúng tôi sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi, không bao giờ nghe phàn nàn về vật giá, muốn ăn phở, uống bia thì ra tiệm lúc nào cũng được. Ngoài ra, mẹ tôi còn để dành được khá nhiều, tiền anh tôi gửi về thì cất để dành đám cưới cho anh. Đó là những ngày huy hoàng nhất cho miền Nam, kể cả hơn một triệu người Bắc di cư đã dần dần có cơ ngơi đầy đủ như ở quê nhà.” (Chu Tất Tiến, 26/10/2013.)

Thời bình thế nào thì như tôi đã kể, thời chiến ra sao thì như các bạn đã sống và đã thuật lại, nhờ đó tôi biết.

Dù thời nào nói chung ta có thể trích ra 3 hình ảnh tổng hợp mọi ý nghĩa.

1

**Hình số 1 là hình ‘người lính mua báo đọc’. Hình này nói lênkhát vọng tự do tìm hiểu sự thực của nhân dân. Người lính VNCH đang đi hành quân song vẫn bỏ tiền túi dừng lại mua báo cùng đọc tin tức và nghị luận. Hình bên cho thấy họ đang đọc trang đầu quan trọng nhất của các tờ nhật báo “Độc Lập” và “Trắng Đen” là những tờ báo được nhiều người mua đọc.

Các nhật báo lâu đời nhất là Thần Chung, Sài Gòn Mới, Tiếng Chuông… và rồi Tiếng Dội, Tin Điển, Tia Sáng, Tự Do, Ngôn Luận, Dân Quyền, Chánh Đạo, Chính Luận, Độc Lập, Trắng Đen, Thời Luận, Xây Dựng, Lẽ Sống, Sống, Sóng Thần, Lửa Việt, Ánh Sáng v.v…
Hồi đó miền Nam có tự do báo chí. Có tờ đả kích chính phủ, có tờ thân chính phủ, đa số trung lập, hay khen dở chê.

Báo chí là của tư nhân, muôn màu muôn vẻ, tự do cạnh tranh giành độc giả.
Chính phủ không ra báo.

1
**Hình số 2: ‘Vợ lính dắt con thăm chồng ở chiến hào’ nói lêntình người.

Người chiến binh ngoài mặt trận vẫn luôn nhớ đến gia đình ở nhà. Đây không phải bức ành người vợ một mình đi thăm chồng, mà là cả một gia đình đoàn tụ. Người chồng nhớ vợ, nhớ con đã nhắn về và người vợ đã tay dắt, tay ẳm con thơ lặn lội đi thăm viếng.

Trên ảnh ta thấy trong chiến hào hình chữ ‘L’ người chồng, một xạ thủ đại liên vừa canh chừng súng, vừa quay nghiêng đầu chuyện trò với vợ con. Trời nắng gắt người vợ tay trái cầm nón che nắng cho con nhỏ, khoảng năm sáu tháng tuổi, ẳm trên tay phải luồn qua nách. Đứa nhỏ đội mũ trắng nhọn chóp, úp mặt vào ngực mẹ, lưng quay về phía cây súng, hai tay quàng mẹ . Đứa chị độ năm sáu tuổi, mắt nheo vì chói nắng, đứng sát bên tay trái mẹ, vịn tay vào hào. Quanh chiến hào ngổn ngang mũ sắt, bốt, bi đông, ba lô…một quả lựu đạn nằm lăn lóc kề cây súng máy. Ba mẹ con muốn xuống được hào này đào sâu gần ngang vai chắc phải do người chồng đỡ hoặc bồng xuống. Tình thương vô bờ bến. Bức tranh gia đình thật cảm động. (21 Mar 1973, Saigon, South Vietnam — Visit with Daddy…A South Vietnamese soldier is visited by his wife and children March 21 while he is on guard duty in trench along Highway 13, some 20 miles north of Saigon. — Image by ©Bettmann/CORBIS – Chỉ có ở Việt Nam – Vợ tay bồng tay dắt con thơ thăm chồng đầu tuyến. Đại liên M 60 đạn đã lên nòng, lựu đạn M 67 để sẵn. Đây là một trong những hình ảnh bi tráng của người lính miền Nam vô danh. Cầm súng vì muốn thở tự do….)

 Cấp trên ưu ái với chiến binh cùng gia đình đã cho phép cũng như tạo điều kiện cho sự thăm viếng này. Hình ảnh quá đặc biệt về tình người.
1

**Hình số 3: ‘Một binh sĩ dìu một người đàn bà bị thương’ nói lênnhiệm vụ bảo vệ nhân dân, giúp đỡ người dân. Trên hình cho thấy người đàn bà bị thương ở đầu gối chân phải, quàng tay phải qua vai người lính chiến để được dìu lết đi. Người lính có dáng điệu rất quan tâm giúp đỡ.

BS.Lê Văn Châu kể lại: “Tiểu đoàn đóng ở Hoài Sơn được năm hôm. Ở giai đoạn bình định này, công tác duy nhất của các tiểu đoàn Dù là làm dân sự vụ. Các trạm cứu thương khám bệnh, phát thuốc, chích ngừa, băng bó thương tích, gắp mảnh bom đạn cho đồng bào…” (Trang Châu “Y Sĩ Tiền Tuyến.”)

Người chiến binh VNCH luôn giúp đỡ, bảo vệ nhân dân do đó người dân mỗi khi có sự cố luôn chạy về phía họ để được che chở. Sự tin tưởng tuyệt đối này là cả một quá trình. Có mặt các anh lính Quốc Gia người dân cảm thấy đang ở nơi có tình người, an toàn, được thương yêu, được săn sóc, thoát mọi nỗi sợ hãi to lớn có thật.

Người lính Quốc Gia ý thức cao sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ đồng bào và mảnh đất tự do còn lại của đất nước.

Trong quân đội và ngoài xã hội hình ảnh lúc thời bình khác lúc thời chiến. Tôi muốn ghi lại một ít hình ảnh trong thời thanh bình thịnh vượng, trong quân đội và ngoài đời tinh thần và cuộc sống ra sao để đối chiếu và chia sẻ với các bạn. Đó là những câu chuyện và hình ảnh trong bài viết “Ngày Vui Đời Quân Ngũ” các bạn vừa đọc mà cũng là được viết để thân tặng các bạn.

Các câu chuyện kể trong “Ngày Vui Đời Quân Ngũ” (thời bình) cùng các hình ảnh (thời chiến) tiêu biểu trên cho thấy:

Nếu miền Nam được sống trong cảnh thanh bình an lạc của những năm thuộc nửa sau của thập kỷ 1950, chẳng bị quấy rầy, phá bĩnh,
+thì với truyền thống đạo đức cổ truyền tốt đẹp của dân tộc được giữ gìn và phát huy,
+cọng với khát vọng tự do tìm hiểu được đáp ứng đầy đủ trong một xã hội có dân chủ,
sự thịnh vượng theo thời gian sẽ không biết đâu mà kể.

Nước nhà có độc lập, nhân dân có tự do, trăm họ có hạnh phúc là điều có thật.
 
Mỗi độ trăng tròn sống xa quê hương, ngắm trăng lại nhớ đến sáng trăng ở quê nhà:
                  
   “Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương
 
(Lý Bạch.) Ngẩng đầu nhìn trăng sáng, Cúi đầu nhớ cố hương.

Ngẩng đầu nhớ những ngày vui đời quân ngũ, những ngày thanh bình an lạc của đất nước miền Nam. Cúi đầu nhớ những người lính Cọng Hòa mọi binh chủng: Bộ binh, Dù, Biệt Động, Quân Y…được nhân dân tin cậy, đã không còn đó để bảo vệ dân, những người lính anh dũng đã chấp nhận ngã quị chỉ vì chiến tranh huynh đệ tương tàn.

Săn sóc tù binh tại chiến trường         Săn sóc người già cả        Cho em bé uống nước          Giúp đỡ nhân dân
Lại hồi tưởng chuyện xưa vết xe cũ:

 Triệu Việt Vương (chữ Hán趙越王; ?-571), tên thật là Triệu Quang Phục (趙光復), là vua Việt Nam cai trị từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế (Lý Bí) đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân.

 Lý Phật Tử, cháu Lý Nam Đế năm 571 bội ước, tấn công bất ngờ cướp ngôi. Triệu Việt Vương thua trận tự tử ở cửa sông Đáy, kết thúc triều đại họ Triệu(tương tự truyện Trọng Thủy, Mị Châu.)

Lý Phật Tử cướp được giang sơn tự xưng là Hậu Lý Nam Đế.

Năm 602 nhà Tùy dùng áp lực quân sự, Lý Phật Tử phải đầu hàng, dâng nước…Tàu trở lại đô hộ ta.

Mãi đến mấy trăm năm sau, năm 939 Ngô Quyền mới đánh đuổi được quân phương bắc, giành lại non sông, độc lập cho nước nhà. Nhưng «Phước bất trùng lai» chắc gì lại có được một Ngô Quyền nữa cho dân tộc !
 
Mỗi lần Tết đến Xuân về lòng bùi ngùi, thương nhớ luyến tiếc.
        
                 “Nước Nam trời định vua Nam ở
                   Lời thần còn đó vẳng bên tai (2)
                  Dân Nam nước cũ giờ đâu cả?
                  Nước vẫn vô tình nước chảy xuôi.”
                                   * * * * *
(1) Trích LBV “Ngày Vui Đời Quân Ngũ” 
(2) Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.”
Lê Bá Vận 

Không có nhận xét nào: