Pages

Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2015

Lê Nguyên - Tại sao công nhân đình công hàng loạt?

Lê Nguyên
Công nhân Sunny Wide đình công ( photo by LĐV)
Công nhân đình công hàng loạt, nhất là khoảng thời gian trước Tết. Chính quyền và chủ doanh nghiệp hãy nhìn lại nguyên nhân, và cần biết yêu thương người lao động.
Trong một tháng trước tết Ất Mùi, tình trạng công nhân đình công xảy ra trên khắp nước, điển hình các vụ đình công mới nhất như tại nhà máy điện tử BSE tại Khu Công nghiệp Nam Cấm có khoảng 3000 công nhân đình công đòi tiền thưởng tết và một số quyền lợi, 5000 công nhân Dinsen ở khu công nghiệp Tân Tạo đình công vì cách tính giảm lương tháng 13, và hơn 700 công nhân công ty SunnyWide ở khu công nghiệp Mỹ Phước đình công vì bị mất 50% cũng lương tháng 13…Đa số các nguyên nhân đình công do liên quan đến tiền thưởng lương tháng 13 đã được quy định trong hợp đồng lao động. Như vậy, các giới chủ công ty, doanh nghiệp đang dần muốn đẩy công nhân xa rời nhà máy, xí nghiệp chăng? chắc chắn không, vì họ cần các công nhân hơn bất cứ ai, nhưng nguyên nhân gì khiến họ vẫn phải gián tiếp đẩy công nhân đến bước phải đình công hàng loạt và nhiều khả năng xa rời nhà máy như vậy.

Tất cả những cuộc đình công có thể xuất phát từ một nguyên nhân đầu mối là vì lợi nhuận của giới chủ đặt lên trên tất cả từ đó dẫn đến thiệt hại đến tiền lương và tiền thưởng của công nhân, do đó họ đã tự tổ chức đình công. Cần nhấn mạnh ở đây: tất cả các cuộc đình công cho tới nay đều là do tự phát chứ không phải do Tổng Liên đoàn lao động VN đứng ra tổ chức, mặc dù có luật đình công hẳn hoi.
Chỉ vì muốn có một lợi nhuận nhanh nhất, nhiều nhất, các chủ đầu tư, doanh nghiệp đã ép công nhân tăng ca quá mức quy định, cắt giảm lương thưởng, không mua bảo hiểm cho công nhân, sa thải công nhân một cách tùy tiện , cụ thể như công ty sản xuất đồ chơi Nam Hoa, tháng 11 năm rồi đã sa thải trên 30 công nhân một lúc không đúng quy trình hợp đồng lao động và đền bù không thỏa đáng, trước đó công ty này cũng không mua bất kỳ bảo hiểm nào cho công nhân mặc dù hàng tháng vẫn trừ tiền bảo hiểm của họ 300.000 đúng như trong bản hợp đồng lao động, sau khi vụ việc được phanh phui, họ mới chịu mua bảo hiểm cho công nhân.
Một nguyên nhân cũng không kém phần quyết định là đoàn thanh tra – kiểm tra của chính phủ yếu kém và dễ dãi trong việc kiểm tra trên cơ sở thực hiện Bộ luật lao động tại các doanh nghiệp (DN). Nếu các cơ quan nhà nước có những biện pháp chế tài, xử phạt những DN vi phạm việc trả lương thưởng cho công nhân thì chắc chắn sẽ không xảy ra những vụ đình công hàng loạt, nhất là vào những ngày cận tết. Cụ thể, chính quyền nên thành lập lại một đoàn thanh tra liêm chính, độc lập với các DN.
Cũng có một số nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp thua lỗ, dẫn đến không đủ khả năng thanh toán lương đúng ngày giờ cho công nhân, đã trốn biệt thay vì đối mặt với trách nhiệm của mình, điển hình như tháng 9-2013, ông Jung Young Woo, giám đốc công ty Kyung Sung Vina (huyện Hóc Môn, Sài Gòn, đã bỏ đi mất tăm khi còn nợ công nhân (CN) hơn 725 triệu đồng tiền lương . Từ đó đến nay công nhân đã vất vả ngược xuôi kiện tụng, nhưng cơ quan thi hành án Hóc Môn vẫn cứ ung dung và trả lời:” cứ chờ”. Cũng vậy, tháng 2-2015, hơn 100 công nhân Công ty TNHH May mặc Bảy Nguyệt (trụ sở tại quận 12, Sài Gòn) đã bị mất lương khi giám đốc công ty đột ngột biến mất, và cho đến nay cơ quan chức năng vẫn không giải quyết được cho họ vì cho rằng còn vướng nhiều thủ tục pháp lý
Trước khi sử dụng lao động, các giới chủ có biết công nhân là một con người, các chủ doanh nghiệp khi thành lập công ty, bên cạnh kiếm lợi nhuận, thì có biết điều cần thiết quan trọng trên hết là phải giúp cho CN có lương thưởng phù hợp với công sức lao động của họ, vì họ cần tiền bạc hơn bất cứ ai để lo cho cuộc sống đầy khó khăn của họ? và trong nhiều tháng trời khi mình trốn biệt, họ đã khổ sở đi vay mượn tiền từng ngày mà sống tội nghiệp ra sao? Nếu biết trước được điều này và giúp đỡ họ , tôi tin CN của công ty may mặc Bảy Nguyệt và Công ty Kyung Sung Vina đã không có số phận như thế.
Lao động, vốn dĩ hai từ ấy đã nặng nề và tràn đầy áp lực cho con người và nhất là thành phần công nhân rồi, nên mong các giới chủ doanh nghiệp hãy biết yêu mến và trân trọng người công nhân lao động cho mình chứ đừng gây ra khó khăn cho họ nữa.
Nếu các chủ đầu tư biết yêu thương lao động của mình, uy tín trong việc lương bổng, tôn trọng các quyền lợi công nhân, hết sức tạo điều kiện cho họ phát triển vật chất và tinh thần, thì cho dù các chủ DN có ít lợi nhuận đi một tí nhưng lại được một thứ vô cùng lớn, đó là được lòng công nhân vì đã tạo điều kiện và giúp đỡ công nhân khi họ là những thân phận túng nghèo, thì chắc chắn họ sẽ vì vậy mà đáp trả bằng chính sức lao động đầy nhiệt huyết của mình, giúp các DN sớm thu được những mối lợi to lớn
Bởi lao động không thể xuất phát từ lợi ích mà phải vì con người, vì công nhân và hướng tới con người là mục tiêu chính yếu và cuối cùng của mong muốn, bởi nếu không, cứ ăn chặn tiền lương thưởng, công nhân bí bách đi đến chuyện phải biểu tình, đình công mãi thì sớm muộn gì các doanh nghiệp cũng chung một số phận ra đi, sụp đổ.
Phóng viên LDV

Không có nhận xét nào: