Pages

Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

LHQ thảo luận với Việt Nam và Cam Bốt về người Thượng tỵ nạn

mediaNgười Thượng ở Việt Nam, do bị đàn áp, thường vượt biên sang Cam Bốt - DR
Theo tin trên tờ Phnom Penh Post, Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc HCR đã gặp đại diện Việt Nam và Cam Bốt ngày 23/03/2015 vừa qua để thảo luận về một giải pháp cho những người Thượng chạy qua Cam Bốt tỵ nạn trong thời gian gần đây. Khả năng đưa những người này hồi hương đã được gợi lên.




Tờ báo trích dẫn bà Vivian Tan, phát ngôn viên khu vực của cơ quan HCR, cho biết cuộc họp nhằm mục tiêu tìm giải pháp « phù hợp với chuẩn mực quốc tế và khả dĩ được các bên chấp nhận. »
Kể từ tháng 10/2014, hàng chục người Thượng theo Thiên chúa giáo đã chạy sang Cam Bốt, và giải thích là họ bị đàn áp vì lý do tôn giáo tại Việt Nam.
Số phận của họ đã được xử lý khác nhau : 13 người được bảo đảm quy chế tỵ nạn, 10 người khác đang xin quy chế tỵ nạn ở Phnom Penh, 13 người vẫn còn trốn trong rừng ở tỉnh Ratanakiri, và hàng chục người khác bị đưa trở lại Việt Nam, không hề được cứu xét. Điều này vi phạm hoàn toàn Công ước Tỵ nạn năm 1951. Theo những người bị đưa hồi hương, chính quyền Cam Bốt và Việt Nam đã có phối hợp với nhau.
Bà Vivian Tan công nhận là cuộc họp đã không có kết luận gì cụ thể, nhưng bà xác nhận là có đề nghị tự nguyện hồi hương được nêu lên.
Vấn đề là thỏa thuận đưa hồi hương người Thượng tỵ nạn từng có trước đây, như vào năm 2005, đã bị giới bảo vệ nhân quyền chỉ trích dữ dội vì những người hồi hương không được bảo vệ đúng đắn, và thỏa thuận bị lợi dụng để cưỡng ép hồi hương.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch, vào hôm qua, 24/03, qua lời của phó giám đốc đặc trách Châu Á Phil Roberson, tuyên bố thực sự quan ngại vì nhìn thấy là không thể thực hiện việc giám sát điều kiện hồi hương của những người trở về Việt Nam, cơ quan HCR ở Cam Bốt lại ít người và không có khả năng đảm trách việc theo dõi này.
Theo ông Phil Roberson, nếu việc đưa vấn đề hồi hương "tự nguyện" ra bàn thì đấy là một tiếng chuông báo động cho những người quan tâm đến việc bảo vệ người tỵ nạn trong vùng.
Bà Vivian Tan, theo Phnom Penh Post, còn cho biết một giải pháp khác cũng được thảo luận là những người Thượng chạy sang Cam Bốt được định cư ở nơi khác và hội nhập tại chỗ.
Tuy nhiên tờ báo cũng trích phát ngôn viên Nội vụ Cam Bốt, tướng Khieu Sopheak, ông cho biết là chưa có quốc gia nào đồng ý đón 13 người đã được quy chế tỵ nạn vào đầu tháng này, và Phnom Penh bây giờ không biết sẽ cho họ đi đâu.

Không có nhận xét nào: