Pages

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

Nhật Hạ - Lối thoát nào cho kinh tế Việt Nam?

Nhật Hạ
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2014 Việt Nam đã có đến 67.823 doanh nghiệp dân doanh giải thể hoặc ngừng hoạt động, cao hơn mức 61.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2013.

Tỷ lệ doanh nghiệp có lãi ở nhiều tỉnh giảm xuống dưới 50%. Còn trong hai tháng đầu năm 2015, có 16.095 doanh nghiệp bị giải thể, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính bình quân thì trong năm 2014, có 5.600 doanh nghiệp bị giải thể trong một tháng, còn trong 2 tháng đầu năm 2015 thì mỗi tháng có hơn 8.000 doanh nghiệp bị giải thể, điều này cho thấy khu vực kinh tế dân doanh tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2015.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh mới đây đã đưa ra bình luận về tình hình biến động của kinh tế dân doanh. Ông cho rằng kinh tế Việt Nam không thể tăng trưởng bền vững nếu vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghiệp gia công của đầu tư nước ngoài. Thay vào đó, kinh tế Việt Nam phải nhanh chóng tái cơ cấu để chuyển sang một nền kinh tế có năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao hơn với doanh nghiệp dân tộc, có công nghệ, thương hiệu đại diện cho đất nước mình, cụ thể là phải tạo mọi điều kiện để phát triển kinh tế dân doanh.
Ông Doanh cho rằng số lượng lớn các doanh nghiệp bị giải thể là vì nguyên nhân kinh doanh không hiệu quả. Ông lý giải rằng gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp ở thị trường Việt Nam là rất lớn, ngay như Ngân hàng Thế giới tại Việt nam cũng đưa ra con số ước tính rằng chi phí ngoài pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam chiếm từ 72-107% lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, những năm vừa qua, Việt Nam đã trải qua tình trạng lạm phát cao, lãi suất tín dụng quá cao, bong bóng bất động sản đổ vỡ và sức mua có khả năng thanh toán của dân cư bị giảm sút và luôn ở mức thấp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp khó có thể phát triển được là điều dễ hiểu.
Về đăng ký doanh nghiệp mới, theo báo cáo của Bộ kế hoạch đầu tư, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước là 13.766 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 77,5 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 02 tháng đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2014. Ông Doanh đặc biệt lưu ý về vấn đề quy mô vốn của các doanh nghiệp bị giảm đi, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp không bứt phá lên được, tỷ lệ hộ gia đình phát triển thành doanh nghiệp là rất thấp.
Tính bình quân thì trong năm 2014, có 5.600 doanh nghiệp bị giải thể trong một tháng, còn trong 2 tháng đầu năm 2015 thì mỗi tháng có hơn 8.000 doanh nghiệp bị giải thể.

Ông so sánh Việt Nam với Campuchia và nhận thấy Campuchia với 15 triệu dân có 513.759 doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động trong năm 2014 trong khi Việt Nam với 91 triệu dân chỉ có khoảng 430.000 doanh nghiệp đang hoạt động, thấp hơn khoảng 580.000 doanh nghiệp đã đăng ký. Như vậy, tỷ lệ doanh nghiệp trên 1.000 dân của Campuchia cao hơn Việt Nam khoảng 600% và ông cho rằng điều này là một trong những nhân tố giải thích tốc độ tăng trưởng kinh tế của Campuchia cao hơn Việt Nam trong những năm gần đây.
Ông cho biết môi trường kinh doanh của Việt Nam thấp và chậm được cải thiện đã được chính phủ thừa nhận, cụ thể là chính phủ đã đưa ra Nghị quyết 19/NQ-CP, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu trong hai năm đạt được mức bình quân của ASEAN-6, đây là một mục tiêu phấn đấu rất cao. Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp 2014 và Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015 cũng hứa hẹn sẽ cải thiện môi trường kinh doanh khi mở rộng khung pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn trong đầu tư, giảm thời gian và giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông bình luận rằng Luật chỉ tạo ra khung pháp lý, việc thực thi pháp luật phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ công chức và viên chức. Trong khi Việt Nam được xếp vào 10 nước tích cực ban hành, bổ sung khung pháp luật thì cũng được xếp vào 10 nước có khoảng cách xa nhất giữa pháp luật trên văn bản và pháp luật trong thực tế. Ông cho rằng giải pháp cần thiết là cần nhanh chóng bổ sung và thực thi các quy định luật pháp nghiêm cấm các hành vi lạm dụng chức quyền của công chức, viên chức nhà nước và quy định cụ thể trách nhiệm giải trình, tính công khai minh bạch nhất thiết phải thực hiện đối với tất cả công chức, viên chức nhà nước.
Ngân hàng Thế giới tại Việt nam cũng đưa ra con số ước tính rằng chi phí ngoài pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam chiếm từ 72-107% lợi nhuận trước thuế.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm thanh tra, giám sát môi trường kinh doanh của các cơ quan nhà nước, tránh tình trạng doanh nghiệp than phiền về tình trạng quá nhiều đoàn thanh tra, quá trình thanh tra kéo dài, vòi vĩnh, gây tốn kém cho doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với những hiện tượng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu. Đồng thời tăng cường các biện pháp chống nhập lậu hàng hóa từ Trung Quốc (theo ước tính từ số liệu của hải quan Trung Quốc công bố hàng năm, khoảng 5,2-5,5 tỉ đô la Mỹ hàng Trung Quốc nhập lậu qua đường biên mậu tràn vào Việt Nam, gây thất thu thuế và tạo ra tình trạng cạnh tranh không bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước).
Cuối cùng, ông Lê Đăng Doanh kết luận rằng doanh nghiệp dân doanh là nền móng, là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Việc cải cách thể chế có hiệu quả sẽ giúp khu vực doanh nghiệp này phát triển, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Ông cho rằng trước hết, cần xem xét lại chức năng của nhà nước trong kinh tế thị trường, nhà nước cần chuyển những nhiệm vụ ôm đồm hiện nay cho các hiệp hội và thị trường, tập trung vào những nhiệm vụ của nhà nước là thực thi pháp luật, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, kiểm soát độc quyền, nâng cao tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình của công chức, viên chức nhà nước.

Nguồn: Dân Luận

Không có nhận xét nào: