Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

Quan chức VN ‘không mặn mà’ với hội thề không tham nhũng

VRNs (06.03.2015) – Sài Gòn – Ghi nhận từ báo chí trong nước cho biết, chỉ có một số lượng nhỏ các quan chức đến tham dự hội thề không tham nhũng, khai mạc hôm 4/3 vừa qua tại Hải Phòng. Trong khi đó, lễ hội đền Trần và lễ hội Yên Tử lại được nhiều quan chức tham gia hưởng ứng.
Ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên được tờ Thanh Niên dẫn lời cho biết, hằng năm đại diện chính quyền xã, huyện đều về tham dự lễ hội Minh Thề.
Diễn ra tại khu di tích chùa thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, lễ hội có nghi thức tuyên thề cho các bồi lễ và 12 lão niên của làng. Theo đó, các vị này thề với thần linh không lấy của công dùng vào việc tư, không ăn trộm ăn cắp, chứa chấp của gian tà…
Trong khi đó, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời quan chức tổ chức lễ hội cho biết, đã có khá nhiều đại biểu công chức nhà nước đến dâng hương tại lễ hội đền Trần, Nam Định. Danh sách khách mời của Ban chỉ đạo lễ hội có gần 1000 đại biểu được mời.
Tại lễ hội Yên Tử, Quảng Ninh, xe đưa đại biểu về dự cũng đông ngoài dự kiến với số lượng trên 500. Ban tổ chức lễ hội đã phát ra hơn 1.900 giấy mời đến lãnh đạo các bộ, ban ngành, lãnh đạo một số tỉnh thành.

 15030600
Cán bộ thề ‘là không đúng tập tục’
Bên cạnh việc ít quan chức tham dự, tờ Dân Trí còn tiếc nuối khi đặt vấn đề ‘Chỉ có dân thề!’ trong hội thề không tham nhũng.
Tờ Thanh Niên cũng có bài viết với tựa đề, ‘Sao quan chức không thề trong lễ hội chống tham nhũng ?’. Bài viết cho rằng, “nhiều người kỳ vọng lễ hội này cần được nâng cấp thành lễ hội cấp quốc gia, nhân rộng ra nhiều địa phương. ”
“Có ý kiến cho rằng những người dân tuyên thề trong buổi lễ là không đúng đối tượng bởi họ không có cơ hội để tư túi cá nhân. Đồng thời, cũng có ý kiến mong các cán bộ, lãnh đạo cùng uống chén rượu thề với người dân.”
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên, cho rằng bản thân các cán bộ, công chức cũng đã phải hứa trước cơ quan, đơn vị khi được giao nhiệm vụ nên việc cùng làm lễ thề trước thần linh như cán bộ của làng là không đúng như tập tục.
Ông Lê Văn Quý, Bí thư Huyện ủy Kiến Thụy, tiếp lời, “ý tưởng đó rất tốt nhưng đây thuộc vấn đề nhạy cảm, ở chỗ đó là truyền thống của thôn. Bản thân cán bộ, đảng viên đứng trước lời thề của người dân như thế, dù chưa được thể hiện ra nhưng trong lòng cũng phải thề một cái gì đó trước thần linh, ông bà, nhân dân của mình làm điều ý nghĩa.”
Bạn đọc Phạm Anh Minh (anhminhhnm@live.com) bình luận, “sợ linh ứng các quan chả dám thề đâu. Dân có gì để mà tham nhũng.”
Bạn đọc dangloc (dangloc.nguyen@gmail.com) tiếp lời, “các quan … thì làm sao dám thề, ngộ nhỡ có thánh thần linh thiêng thì có mà chết toi. Thề với trời đất, thánh thần thì khó quá khó quá.”
Bạn đọc Tuân Thanh (thanhtuan.2010@yahoo.com.vn) cũng nói, “đảm bảo đây sẽ là lễ hội mà không có xe biển xanh, biển đỏ.” Bạn đọc DânViêt (taphupt@gmail.com) chia sẻ, “bao giờ các cơ quan Trung Ương, các tỉnh thành phố có lễ hội Minh thề không tham nhũng thì dân mừng quá. Chứ lễ hội Minh thề tại làng Thiên phúc toàn các già làng và nhân dân thề, còn quan cần thề lại chẳng thấy đâu.”
Trong khi đó, bạn đọc hữu lê (Huế) lại có ý kiến khác,  tất cả cán bộ đảng viên đã thề khi vào Đảng rồi, thề trước thần linh chưa có bao giờ… Nhưng chỉ cần tâm sáng lòng trung thôi.”
Bạn đọc Công dân (TP.HCM) góp ý, “tất cả những việc làm dù xấu hay tốt là ở lương tâm mỗi con người, thề hay hứa thì cũng như nhau, quan trọng có đủ bản lĩnh để thực hiện được không?”
Trong bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014) được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố cuối năm 2014, Việt Nam đứng thứ 119/175 trên bảng xếp hạng toàn cầu và thứ 18/28 quốc gia và vùng lãnh thổ được đánh giá trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Bảng xếp hạng này dựa trên cảm nhận của các doanh nhân và các chuyên gia trong nước về tham nhũng trong khu vực công ở mỗi quốc gia / vùng lãnh thổ.
TI nói tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của Việt Nam.
Đức Thiện, VRNs tổng hợp

Không có nhận xét nào: