Pages

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

Thu xe hơi vì quá chén 'có thể từ 2016'

Việt Nam muốn tịch thu phương tiện của người điều khiển khi say rượu
Một quan chức cao cấp về an toàn giao thông của Việt Nam nói việc tịch thu phương tiện giao thông của người lái xe có nồng độ cồn cao có thể diễn ra trong năm 2016 nếu Chính phủ bật đèn xanh.
Tiến sỹ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban An toàn Giao thông nói điều 26 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã có quy định về tịch thu phương tiện của 'hành vi cố tình vi phạm và điều 126 nói về trường hợp phương tiện không phải là tài sản của người vi phạm.

Ông giải thích thêm trong phỏng vấn với Nguyễn Hùng của BBC Tiếng Việt hôm 9/3:
"Khi người ta đã phải đưa ra quy định về vấn đề tịch thu phương tiện, tài sản bất kỳ của ai thì nó phải là điều rất cần thiết người ta mới làm.
"Còn rõ ràng trong quá trình triển khai phải xác định được những nguồn lực chúng ta cần có và cơ sở pháp lý cần có để triển khai.
"Vấn đề ở đây là nếu chỉ vì khó khăn trong triển khai mà chúng ta không áp dụng chế tài đủ mạnh, đủ [để] giáo dục người dân thì cái giá phải trả như chúng ta đã biết hiện nay mặc dù tai nạn giao thông đã giảm nhưng vẫn còn ở mức đáng để cho tất cả mọi người cùng phải lên tiếng, cùng phải ủng hộ giải pháp là tăng nặng chế tài xử phạt."
Trước câu hỏi người điều khiển có thể đi xe của một cá nhân khác hay thậm chí của cơ quan nhà nước, ông Hùng nói:
"Hiện nay trong luật cũng quy định rất rõ. Nếu như người sở hữu tài sản đấy người ta không cố ý giao tài sản cho người thực hiện hành vi vi phạm thì tài sản được chuyển trả cho người chủ sở hữu.
"Còn người vi phạm sẽ bị phạt khoản tiền tương đương giá trị tài sản đấy."

Dư luận 'đồng tình'

Ông Hùng cũng nói hành vi lái xe khi say rượu có thể khiến lái xe bị phạt tù ở một số nước nhưng hiện tại Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia mới dừng lại ở đề nghị tịch thu phương tiện giao thông để tránh phải sửa đổi luật quá nhiều.
Về phản ứng của người dân trước các đề nghị xử phạt nặng người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống bia rượu, ông Hùng nói:
"Hiện nay có tới 99% dư luận đồng tình là tăng nặng, đủ nặng cho chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
"Còn những chế tài cụ thể các cơ quan xây dựng pháp luật của Chính phủ họ sẽ đưa ra và xin ý kiến trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 171 của Chính phủ.
"Chúng tôi được biết trong ngày đầu tiên [có đề nghị tịch thu xe] trên báo Tuổi Trẻ lấy ý kiến có 65% người dân ủng hộ.
"Nhưng bởi vì có những ý kiến phát biểu không chính xác [của] ngay cả những người là luật sư, hay bản thân anh Đinh Xuân Thảo [Viện trưởng nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội] thời gian đầu tiên cũng có ý kiến cái này nó vi hiến hay mâu thuẫn với những luật pháp khác khiến cho dư luận hiểu sai việc đấy."

Có nên tịch thu?

Khi được hỏi về đề nghị của Ủy ban An toàn Giao thông và Bộ Giao thông Vận tải, Tiến sỹ Đinh Xuân Thảo nói về nguyên tắc ông ủng hộ những hình phạt nặng hơn nhưng dè dặt về chuyện tịch thu xe:
"...[N]ếu cần thiết Quốc hội cũng có thể sửa luật cho nó phù hợp.
"Nhưng để sửa luật phải có nghiên cứu để tính toán cho kỹ và phù hợp.
"Theo quan điểm của [tôi] vấn đề đặt ra [là] tịch thu tài sản lớn như thế nó có phù hợp, có nên hay không."
Ông Thảo nói ông ủng hộ các biện pháp khả thi hơn như tạm giữ người vi phạm hay bắt họ thực hiện lao động công ích.
Cả ông Thảo và ông Hùng dường như đã có phát biểu ít cả quyết hơn về vấn đề tịch thu xe.
Trả lời trang tin Giáo dục Việt Nam hôm 7/3, ông Thảo nói: "Tất nhiên là tôi không đồng tình bởi nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, chiếc xe vi phạm có thể không phải là tài sản của người vi phạm. Có thể đó là tài sản của Nhà nước hay người thân, bạn bè của người vi phạm. Chúng ta phải tôn trọng quy định của luật pháp: tài sản của công dân được pháp luật bảo hộ.
"Thứ hai, người sử dụng chiếc xe đó vi phạm chứ bản thân chiếc xe đó không vi phạm gì cả. Không thể vì thế mà tịch thu chiếc xe đó được.
"Cuối cùng, đề xuất đó không đúng với các quy định hiện hành của Hiến pháp cũng như pháp luật về quyền sở hữu.
"Rõ ràng, người đưa ra đề xuất đó không nắm được bản chất của vấn đề giữa hành vi vi phạm và các luật liên quan đến việc sở hữu tài sản."
Trong khi đó ông Hùng cũng không còn khẳng định kiên quyết tịch thu xe kể cả khi xe đó không thuộc sở hữu của người điều khiển như báo chí trong nước đã dẫn lời ông cách đây vài hôm.

Không có nhận xét nào: