Pages

Thứ Tư, 11 tháng 3, 2015

'Tránh cổ phần hóa chỉ để vừa lòng Thủ tướng'

Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước để củng cố chất lượng nền kinh tế
Các doanh nghiệp nhà nước có nguy cơ 'bán tống bán tháo' cổ phần để theo kịp kế hoạch cổ phần hóa của chính phủ, theo ý kiến một chuyên gia trong nước.
Nhận định trên được bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, đưa ra trong cuộc phỏng vấn với BBC ngày 10/3.
Ý kiến của bà Lan được đưa ra sau khi Phó Thủ tướng Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh, ký quyết định ban hành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 cho Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, một trong những nhiệm vụ chính của cơ quan này trong năm 2015 là đẩy nhanh việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước trong năm nay, truyền thông trong nước đưa tin.
Bà Phạm Chi Lan cho rằng việc cổ phần hóa số doanh nghiệp này, vốn được đề ra cho giai đoạn 2013-2015, đã bị "chậm lại đáng kể".
Cũng theo bà, áp lực chạy theo đúng tiến độ có thể khiến cổ phần các doanh nghiệp nhà nước bị bán với giá rẻ, trong khi chất lượng quản trị lẫn tính minh bạch đều không được cải thiện.
BBC: Bà nghĩ gì về chỉ tiêu trong năm nay phải hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước mà Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã đề ra?
Tôi nghĩ thực sự cần có một quyết định mạnh mẽ.
Lẽ ra có thể làm được nhiều hơn trong hai năm qua. Nhưng các doanh nghiệp rất lần chần trong việc cổ phần hóa, trong khi các cơ quan chịu trách nhiệm thúc đẩy, đôn đốc việc cổ phần hóa cũng không làm hết nhiệm vụ cần thiết, khiến việc cổ phần hóa bị chậm lại đáng kể.
Nhưng nếu không cổ phần hóa được 432 doanh nghiệp đó thì làm cho các chương trình và quyết định của nhà nước không còn nghiêm minh nữa.
Mặt khác, về mặt kinh tế, điều này là vô cùng quan trọng với đất nước, giúp tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước và phân bổ nguồn lực một cách hợp lý, giúp cải thiện nền kinh tế.
Nếu các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục như hiện nay thì không thể nào nâng năng lực nền kinh tế lên được.
BBC:Bà đánh giá thế nào về tính khả thi của việc cổ phần hóa số doanh nghiệp này trong năm nay?
Tôi nghĩ làm thì vẫn có thể làm được thôi. Nhưng vấn đề chính là làm thế nào để đảm bảo tính hiệu quả chứ không phải làm để hoàn thành quyết định của thủ tướng, để thủ tướng bằng lòng.
Điều tôi lo là làm gấp gáp quá thì sẽ dẫn tới tình trạng bán tống bán tháo doanh nghiệp nhà nước, như nhiều dự án xây dựng để đến lúc sắp đến thời hạn thì phải làm nhanh, nhưng chất lượng rất tồi.
Đối với doanh nghiệp nhà nước, khi muốn giải tỏa theo dạng cổ phần hóa như thế này thì có thể giá cả bị bán đi rất rẻ và chất lượng doanh nghiệp cũng không cải thiện được.
Những điều yêu cầu đối với doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa là thay đổi cơ bản hệ thống quản trị, tăng cường tính minh bạch và tăng khả năng giám sát của nhà nước, của xã hội sẽ không đạt được.
Tôi sợ nhất là kịch bản làm gấp để kịp với tiến độ mà làm với bất cứ giá nào thì sẽ gây ra tổn thất cho nền kinh tế, mà các doanh nghiệp đó cũng không có gì đảm bảo sẽ làm tốt hơn.
Các cơ quan nhà nước phải dứt khoát cách thức cổ phần hóa, chấp nhận sự minh bạch và đưa ra cho xã hội, cho khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài được mua.
Những người ở ngoài muốn đầu tư thì điều quan trọng nhất đối với họ là sự minh bạch. Từng trường hợp bán ra, thực trạng hiện nay ra sao, tài sản ra sao, cách thức nhà nước bán ra với tỷ lệ thích đáng như thế nào.
Nếu cổ phần hóa mà chỉ bán đi với một tỷ lệ cổ phần rất nhỏ, nhà đầu tư mới không có quyền quyết định trong việc điều hành doanh nghiệp thì người ta sẽ không sẵn sàng mua.
Nhưng nếu sẵn sàng bán với giá hợp lý để người ta có đủ quyền chi phối doanh nghiệp thì tôi cho rằng người ta sẽ sẵn sàng.
BBC: Sự chậm trễ trong việc cổ phần hóa 432 doanh nghiệp trong giai đoạn 2013-2015 tác động tác công cuộc cổ phần hóa trong những giai đoạn sau thế nào, và theo bà thì những người gây ra sự chậm trễ này có nên bị quy trách nhiệm để quy trình cổ phần hóa được thực hiện nghiêm minh hơn?
Nhất định là việc cổ phần hóa đối với 432 doanh nghiệp này sẽ ảnh hưởng tới giai đoạn sau. Nếu giai đoạn vừa qua làm không tốt mà không ai chịu trách nhiệm cả thì giải đoạn sau không có gì đảm bảo là làm tốt được.
Tôi mong lần này sẽ làm một cách nghiêm minh và những ai cố tình kéo dài trì trệ để không thực hiện được, hoặc thực hiện đúng về số lượng mà lại kém về chất lượng thì phải chịu trách nhiệm.
Ở đây không phải chỉ những người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước phải chịu trách nhiệm như Thủ tướng tuyên bố hồi năm ngoái, mà cả những người ở các cơ quan liên quan chịu những trách nhiệm về từng trường hợp một, cũng phải chịu trách nhiệm tương ứng với lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.
Họ phải chịu trách nhiệm nếu gây ra hai tình huống: Một là làm không đúng tiến độ, hai là bán đi nhưng với chất lượng thấp và tiếp tục làm mất mát đi tài sản đất nước.
Nói là tài sản nhà nước, nhưng thực chất đây là tài sản của dân, nếu bị tiêu tán bất hợp lý thì phải có người chịu trách nhiệm.

Không có nhận xét nào: