Pages

Thứ Hai, 11 tháng 5, 2015

Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương Giúp Hoa Kỳ Đối Phó Với Trung Cộng Ở Á Châu

Hiệp Định TPP sẽ không làm cho Tổng Sản Lượng Quốc Gia của Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng Toà Bạch Ốc cả quyết rằng nếu đạt được, thỏa ước này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất cảng của Mỹ tăng thêm 4.39% vào năm 2025.
Cali Today News - CUỘC THẢO LUẬN LỊCH SỬ đang diễn ra sôi nổi ở Hoa Thịnh Đốn. Tổng thống Obama tìm cách thuyết phục Quốc Hội cho phép ông được rộng quyền thương thuyết về hiệp định đối tác mậu dịch vói các nước vùng Thái Bình Dương. Tên nguyên thủy của hiệp định này là Trans-Pacific Partnership. Đây là một thoả hiệp mậu dịch quốc tế đa phương liên hệ đến Hoa Kỳ và 11 quốc gia ở hai bên bờ biển Thái Bình Dương (Pacific Rim). Những quốc gia ở đây bao gồm cả Nhật Bản, Úc Châu và Peru. Tổng gộp sức mạnh kinh tế của những nước này, kể cả Hoa Kỳ, chiếm một phần ba mậu dịch thế giới, và 40% Tổng Sản Lượng toàn cầu.
Với số lượng lớn lao như trên, việc cân nhắc về chính trị và cảm xúc phải được tính toán kỹ càng đối với cả hai phía. Phe ủng hộ là phe doanh nghiệp cho rằng Hiệp Định TPP sẽ tạo thêm lợi lộc về kinh tế, trị giá hàng trăm tỉ đô la trong thập niên sắp tới nhờ bãi bỏ hàng rào cản về mậu dịch và đầu tư. Người ta dự phóng rằng Tổng Sản Lượng (GDP) của Nhật Bản và Singapore sẽ tăng 2% vào năm 2025 nếu thỏa ước được ký kết. Tổng Sản Lượng của Mã Lai sẽ tăng 5% và của Việt Nam sẽ tăng 10%.
 
Hiệp Định TPP sẽ không làm cho Tổng Sản Lượng Quốc Gia của  Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng Toà Bạch Ốc cả quyết rằng nếu đạt được, thỏa ước này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất cảng của Mỹ tăng thêm 4.39% vào năm 2025. Xuất cảng tăng sẽ giúp tạo thêm công ăn việc làm cho giới trung lưu, và như thế sẽ giúp nền kinh tế phát triển về lâu dài, cũng như san bằng cách biệt về thu nhập giữa người giầu và kẻ nghèo. Ngoài ra, Hiệp Định TPP cũng còn giúp cho Hoa Kỳ đặt chân vững chắc vào khu vực kinh tế có tiềm năng phát triển mạnh nhất thế giới, và do đó, sẽ hỗ trợ cho Hoa Kỳ trong việc thương lượng những hiệp định ngoại giao ở Á châu trong tương lai- thậm chí với cả Trung quốc, tuy rằng điều này không được minh thị nêu ra. 
 
NHỮNG NGƯỜI PHẢN ĐỐI HIỆP ĐỊNH TPP  - trong đó có các tổ chức của nghiệp đoàn lao động, bảo vệ nhân quyền, và bảo vệ môi sinh - cảnh cáo rằng những chi tiết của Hiệp Định đều được thảo luận trong vòng bí mật, che dấu. Họ nhớ lại hồi thập niên 1990’s khi thương thảo về Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch các nước vùng Bắc Mỹ, gọi tắt là NAFTA , người ta cũng hứa hẹn đủ điều rằng sẽ tạo ra hàng triệu việc làm mới, nhưng thực tế việc này không thực hiện được. 
Cả hai phe bênh và chống, đều quên mất một điểm quan trọng. Đó là Hiệp Định TPP không giống như Hiệp Định NAFTA trước đây, nó mang thêm ý nghĩa chính trị, không phải thuần túy về mậu dịch. Hiệp Định TPP là nền móng cho sự chuyển hướng khôn ngoan trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Nó sẽ giúp làm phục sinh nền kinh tế toàn cầu và tăng cường quan hệ an ninh chặt chẽ với các nước Á châu đang lo sợ Trung quốc gia tăng ảnh hưởng trong vùng. Hiệp Định TPP sẽ là trọng tâm của chính sách đối ngoại “chuyển trục” của Tổng Thống Obama, một kế hoạch thông minh, giúp gia tăng ảnh hưởng của Mỹ  đối với các nước trong vùng Đông, và Nam Á châu trong nhiều năm tới.
 
Việc chuyển trục đã được hứa hẹn từ lâu mà chưa làm xong. Sự trổi dậy của Trung quốc là một thách thức lớn đối với Hoa Kỳ. Nền kinh tế của Trung quốc là một mô hình phát triển kinh tế bằng vốn tư bản của nhà nước, nó giúp các quan chức nhà nước giữ vai trò đầy quyền lực trong việc định hướng hoạt động của thị trường. Bằng cách dùng những công ty của nhà nước, ngân hàng của nhà nước, và những công ty trung thành với nhà nước để đạt những mục tiêu chính trị, Trung quốc đã thay đổi sân chơi về thương mại nghiêng về phiá chính phủ, không cho các công ty ngoại quốc và công ty  Hoa Kỳ tham gia vào.
 
HIỆP ƯỚC TPP SẼ GIÚP ĐỐI ĐẦU  với sự phát triển kinh tế theo kiểu Trung quốc, tức là chủ nghĩa tư bản nhà nước, trong vùng Á châu, giống như cách thức các thành viên trong Liên Hiệp Âu châu trước đây định làm để khuyến khích các nước Đông Âu ngày xưa theo chủ nghĩa cộng sản. Các quốc gia như Ba Lan và Estonia học cách tuân theo qui luật của Liên Hiệp Âu châu đề ra. Qui luật đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự cạnh tranh trong khu vực tư, và giải phóng những tiêu chuẩn về lao động, mậu dịch và đầu tư.
 
Hiệp Định TPP khi thành hình sẽ đem lại thắng lợi ưu việt cho chủ nghĩa tự do kinh doanh, tinh thần thượng tôn luật pháp, tổ chức nghiệp đoàn lao động theo kiểu Tây phương, và tôn trọng tiêu chuẩn về môi sinh. Cùng lúc đó, Hiệp Định sẽ giúp các nước láng giềng của Bắc Kinh có điểm tưạ chống lại ảnh hưởng của Trung quốc, đồng thời tăng cường những ràng buộc về đầu tư với Hoa Kỳ cũng như những nước thành viên khác trong hiệp định TPP. Thoả ước này cũng ngầm báo hiệu cho biết rằng Hoa Kỳ vẫn tiếp tục ở lại với Á châu trong vai trò một cường quốc làm ổn định tình hình trong vùng bất kể Trung quốc ngày càng tìm cách gia tăng ảnh hưởng.
 
Riêng đối với Tổng Thống Obama, hiệp định TPP sẽ là dấu ấn lớn cho di sản của ông, một nhà lãnh đạo thường bị coi là hay né tránh những vấn đề chính trị toàn cầu.
 
Bài nhận định của Ian Bremmer trên báo TIME ngày 11/5/2015
Nguyễn Minh Tâm dịch  

Không có nhận xét nào: